Ngoài trực thăng Mi-172 được gắn thêm gàu chữa cháy, hiện Việt Nam chưa có loại máy bay cứu hỏa chuyên dụng nào dù ý tưởng mua sắm đã được nêu cách đây nhiều năm.
Mi-172 được cải tiến để cẩu thêm gầu nước nặng 4 tấn. Khi bay đến đám cháy, phi công sẽ căn chỉnh quán tính, hướng gió nhằm thả "quả bom nước" trúng khu vực có lửa.
Trực thăng Mi-172 là dòng máy bay duy nhất tại Việt Nam được nâng cấp tính năng chữa cháy. Những chiếc Mi-172 được cải tiến thiết kế để cẩu thêm gàu nước nặng 4 tấn. Khi bay đến đám cháy, phi công sẽ căn chỉnh quán tính, hướng gió để thả "quả bom nước" trúng khu vực có lửa. Ảnh: Vietnam Helicopters.
Ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Canada, Nga, Israel..., trực thăng cứu hỏa chuyên dụng đã được trang bị cho các đơn vị cứu hỏa. Cuối năm 2018, vụ cháy rừng Woolsey được mô tả là tàn khốc nhất trong lịch sử xảy ra tại tiểu bang California (Mỹ). Sở Cứu hỏa Los Angeles điều động trực thăng chuyên dụng chở nước đi dập các điểm cháy. Ảnh: Getty Images.
Sở Cứu hỏa Los Angeles đang sử dụng dòng trực thăng S-70 Firehawk với kết cấu khoang chứa nước nằm ngay trong bụng. Mỗi chuyến bay mang được tối đa 3,7 khối nước. Ảnh:Helis.com
Ngoài các dòng máy bay chuyên dụng chữa cháy, Mỹ cũng cải tiến máy bay chở quân Chinooks (từng hoạt động trong Chiến tranh Việt Nam) để phục vụ nhiệm vụ cứu hỏa. Trong ảnh, chiếc CH-47D Chinooks của Columbia Helicopters đang hút nước để dập một đám cháy ở Nam California vào tháng 12-2017. Ảnh: Columbia Helicopters.
Chiếc trực thăng dội bom nước xuống đám cháy tại một ngôi làng trên đảo Evia, Hy Lạp ngày 14-8. Đây là dòng trực thăng Sikorsky S-64 Skycrane hạng nặng hai động cơ của Mỹ, phiên bản dân sự của CH-54 Tarhe được quân đội sử dụng. Ảnh: Reuters.
Máy bay phản lực Boeing 747 Supertanker thường được sử dụng ở những đám cháy rừng quy mô lớn. Đây là phương tiện cải biên từ máy bay chở khách, có thể mang tới 18.600 gallon (70.400 lít) nước hoặc chất chữa cháy, gấp 25 lần lượng nước mà trực thăng có thể mang. Ảnh: Reuters.
Máy bay chữa cháy có 2 loại chính: Thả nước theo phương thẳng đứng hoặc phun nước bằng họng súng nằm ngang. Với các đám cháy trong đô thị, dòng trực thăng Ka-32A11BC của Nga được ưa chuộng vì có họng súng phun nước. Trong bối cảnh các xe thang và vòi rồng không thể với đến đám cháy ở tầng cao, Ka-32A11BC là phương tiện hữu hiệu. Ảnh: Kumape.
Khoảng 4 năm trước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng đặt ra vấn đề mua sắm trực thăng chuyên dụng để chữa cháy trong thành phố. Ý tưởng này đã được nêu ra cách đây nhiều năm nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Mới đây, sau vụ cháy kéo dài nhiều ngày tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung, việc mua sắm trực thăng lại được nhắc đến, thậm chí được bàn thảo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Pinterest.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.