Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những mảnh ghép lạ

Đàm Hà Phú| 30/04/2014 07:21

(HNM) - Những mẩu chuyện nhỏ dưới đây có thể rất vụn, nhưng khi ghép lại ta sẽ có hình ảnh một TP Hồ Chí Minh sôi động nhưng thanh bình đến từng góc nhỏ, hiện đại mà gần gũi, đặc biệt là ẩn khuất những nét đẹp riêng, giản dị, chất phác song cũng rất phóng khoáng, đáng yêu…


"Bao"

Lần đầu tôi đến thành phố này vào năm 1991, tất nhiên có hàng ngàn thứ lạ lẫm, một trong đó là chữ "bao". Đầu tiên là gặp vựa trái cây bao ăn. Tôi ghé vô hỏi thẳng, bao ăn là sao chú? Ông lão, tay thoăn thoắt chụp trái thơm (quả dứa) ném từ dưới ghe lên, miệng ngậm thuốc rê, trả lời gọn lỏn: "Ăn thoải mái, thích thì mua không thích đừng". Vậy là ghé thử liền. Chôm chôm Vĩnh Long trái đỏ lựng, lột ăn thoải mái, sầu riêng tách vỏ sẵn, muốn ăn lấy tay xé ăn; măng cụt có con dao Thái Lan cắm miệng cần xé, ăn trái nào hớt đầu trái đó… Ăn đã no rồi mua mỗi thứ một ít, chị bán hàng còn bốc cho thêm vài bốc, một chục măng cụt tính 14 trái, mua trái sầu riêng được tặng luôn trái hồi nãy mới thử.

Cầu Thủ Thiêm nối quận 2 với quận Bình Thạnh. Ảnh: Đặng Loan



Lần nữa là chuyện bao rẻ. Bữa đó ghé chỗ bán đồ cũ nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi mua cái áo jeans, chị bán áo nói đi đâu rẻ hơn lại đây chị đền. Mua xong đi lững thững xuống cuối dãy, thấy cái áo y chang giá rẻ hơn, tôi thiệt tình quay lại bắt đền. Chị bán hàng thanh minh rằng đồ cũ, tùm lum giá, nhưng mà đã bao rẻ thì tặng thêm cái nón jeans cho đủ bộ, lỗ của chị hai chục rồi nha. Vậy là vui lòng liền!

Trái cây bao ăn, bao ngọt; đồ ăn bao rẻ; quần áo bao đẹp; đậu xe bao trật tự; chơi bao vui; quán xá bao thiếu; hàng hóa bao thử, bao đổi, bao trả, kể cả ti vi, đầu máy, điện thoại mua rồi không ưng cũng bao trả lại luôn… "Bao", nghĩa là cam kết miệng rằng bạn phải hài lòng với cái mà bạn nhận được. Bao hài lòng, cái chữ bao đơn giản nghe như chơi rồi bỏ, nhưng nó là cam kết nghiêm túc và hào hiệp, rất riêng của người phương Nam.

Chợ

Ở thành phố này, vô chợ bạn được coi như người nhà, người ta kêu bạn bằng đủ thứ tên. Nếu bạn còn trẻ, bạn thường được gọi là "cưng", "con", "em gái", "chế" hoặc kêu những cái tên do người ta đặt ra như "chị Hai, cô Ba"... còn nếu lớn tuổi bạn có thể được gọi là "má", "ngoại" hay "dì Hai, thím Hai" rồi xưng con ngọt xớt. Khi đi chợ bạn luôn nhận được những tiếng mời chào dễ thương đến nỗi cho dù có đủ gan từ chối bạn cũng không thể không mỉm cười cảm ơn: "Nè cưng, ngồi xuống ăn ly chè mát đi", hay: "Má ơi, vô đây con thử đôi guốc này coi vừa chưn hôn má, không mua cũng được"… Nếu là đàn ông đi chợ với vợ thì bạn cũng được chào mời dù biết bạn chẳng mua gì: "Em trai ngồi ghế chơi đi để chị chọn đồ cho bà xã hen, uống cà phê hôn để chị kêu". Nếu vô coi hàng rồi mà không ưng ý thì cũng đừng ra mặt kẻo người bán họ buồn. Nếu không ưng thì cứ cảm ơn rồi đi, bạn vẫn nhận được nụ cười tươi như lúc đến: "Bữa khác ghé lại nghen mấy cưng".

Đi chợ ở Sài thành cảm giác lạ lắm, người bán luôn tìm cách làm vừa lòng bạn nhưng không hề có sự vụ lợi. Ở chợ bạn được coi như thân tình, như bà con, như bạn bè, có thể trao đổi với người bán về chuyện học của con bạn hay chuyện mắc mớ với hàng xóm và nhận được sự chia sẻ, động viên rất chân tình. Nếu bạn đang ở hàng quần áo và sực nhớ là muốn tìm một bộ chén (bát) thì người bán quần áo sẽ dẫn bạn tới quầy hàng sành sứ và giới thiệu rằng bạn là anh/chị/em/cô/dì của họ… rằng bạn phải được mua giá sỉ, rằng bạn là VIP… Bạn nghĩ tất cả chỉ là hình thức ư? Không hề! Thiệt tình đó và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy phiền vì điều đó, cho dù có mua phải một món hàng bị hớ giá hoặc tìm không ra món đồ mình thích. Bạn sẽ luôn nhận được những món quà bất ngờ cho dù bạn không đòi hỏi, mua chục trái cây được mười lăm, mười sáu trái, mua hai cái áo tặng thêm cái nón, mua có cái bóp được đãi ly cà phê hay chè... Không phải hàng khuyến mãi đâu bạn, đó là tấm lòng và bạn nên nhận bằng cả tấm lòng.

Không ai có thể nói hết thành phố có bao nhiêu cái chợ. Cũng như không ai có thể nói hết tấm lòng người nơi đây. Đôi khi bạn đi chợ không phải để mua bán gì, đôi khi chỉ là để được nghe lại một câu nói: "Nè cưng, lâu quá không thấy ghé".

Chuyện trong hẻm

Nhà anh ở cuối hẻm, anh chạy xe ôm, xe thường đậu ở đầu hẻm. Hẻm nhỏ nên mấy chục nhà đều biết anh, có việc gì đi đâu người ta nhất loạt bật ra câu: "Biểu thằng Tám chở". Khuya sớm, nắng mưa gì hễ người trong hẻm kêu là anh chạy xe vô tận nhà, tiền bạc đôi khi ang áng, dư thiếu gì anh cũng vui. Vợ anh chẳng may mất sớm, để lại thằng con cho anh, nhờ trời thằng nhỏ khỏe mạnh và dễ thương. Năm đầu khi vợ mất thì mẹ anh giúp nuôi thằng nhỏ, rồi bà già cũng theo ông đi mất, thằng nhỏ được cả con hẻm nuôi, nó ăn cơm nhà này ngủ nhà khác là chuyện thường.

Anh thường đưa con đi học, tiện chở luôn con bé Út nhà chị Tư thợ may, chiều cũng đón hai đứa về, bữa nào anh kẹt khách về trễ, con Út kêu xe khác tự dẫn em về rồi má nó trả tiền. Nhiều người thấy anh hiền lành, chăm chỉ nên mai mối cho anh đặng đi bước nữa, anh lắc đầu cười. Anh sợ thằng con chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Mà thằng nhỏ đâu có thiếu thốn gì, cả hẻm như cái nhà lớn của nó, ai đi đâu về cũng có quà cho nó, đến con kiến còn không cắn được nó nữa là…

Bữa nọ có người kêu chở đi Long An, anh biết chỗ đó vì nó ngang nhà vợ, anh xin ghé lại mua ít bánh trái vô thăm. Ông khách nọ ngồi hóng chuyện, thấy cảm kích lắm, lúc quay về xin ghé nhà anh ăn bữa cơm. Cảnh gà trống nuôi con đâu có gì ăn, anh chở ông khách về rồi nhờ trong hẻm ai có gì bưng qua thứ đó, nồi cá kho của nhà dì Hai Mến, tô canh dư bên chú Bảy Gà, cơm trắng lấy bên chị Tư thợ may, được cái rượu nhà còn…

Mấy tháng sau ông khách đi xe ôm nọ chết, có di chúc để lại cho anh mười cây vàng. Lúc người con trai ông điện thoại cho mà anh còn tưởng thằng nào chơi. Bữa hai vợ chồng con trai ông khách đi xe hơi tới trao cho anh mười cây vàng, cả hẻm ra coi, vui quá trời!

Anh kể câu chuyện này thực thà, anh nói mười cây vàng xài hết có một cây là đãi bà con lối xóm với mua cho thằng nhỏ cái xe đạp chạy xà quần trong hẻm, còn chín cây anh bán gửi ngân hàng lấy lãi, mà mấy hôm rày lãi xuống quá, hổng biết tính sao.

Và những chuyện vụn vặt khác

Ở thành phố này có một thứ không khí khác, không giống bất cứ nơi đâu, có lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người, bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc… mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được.

Thành phố này, dung nạp vào nó đủ mọi hạng người và tất cả đều cảm thấy dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này. Tất cả đều có thể nhận mình là người Sài thành, hoặc không nhận cũng không sao, nơi đây không so đo xuất xứ của bạn, cơ hội và rủi ro chia đều cho mỗi người. Ở Sài thành, bạn hay chứng kiến những tai nạn giao thông nho nhỏ do xe máy, thường cả hai bên va chạm đều tự dựng xe lên, nhìn ngó xe của mình, xuýt xoa vài tiếng rồi nổ máy xe, hỏi thăm nhau một câu cho có rồi mạnh ai nấy đi. Ở thành phố thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái bóp lòi ở túi quần sau mà không cần quay đầu nhìn bạn để nhận một cái gật đầu cảm ơn.

Ở thành phố này, bạn dễ thấy những quán xá tạm bợ và tối giản đến không ngờ. Nhiều quán chỉ với một cái lon bò húc làm biểu tượng vậy mà một ngày bán không dưới 300 ly cà phê bằng cách bưng đến tận nơi. Có xe bánh mì nhỏ chỉ bán buổi chiều tối mà doanh thu hằng ngày lên đến cả chục triệu. Có một bà chỉ bán nước sâm vỉa hè mà sau 3 năm đã mua được căn nhà mặt tiền ở chính nơi mà bà xin đặt xe nước sâm của mình. Thương hiệu là thứ không mơ hồ ở Sài thành, nó được bảo chứng bằng doanh thu, bằng tấm lòng người. Ở Sài thành có nhiều bạn trẻ mặc đồ như Tây, ngồi ở cà phê máy lạnh với laptop trước mặt và viết đơn xin việc, nhưng cũng có nhiều bậc trung niên mặc quần đùi uống cà phê cóc ở vỉa hè bàn chuyện xây cao ốc cho thuê. Ở Sài thành bạn có thể xin làm phụ việc ở bất cứ đâu mà lương tháng vẫn bằng một kế toán mới tốt nghiệp đại học, người ta có thể mua cùng một món đồ với giá chênh lệch nhau đến cả chục lần mà không hề áy náy. Người ta luôn có cảm tưởng cả thành phố đang vận hành vì tiền nhưng người Sài thành thì lại không hề coi trọng chuyện tiền bạc.

TP Hồ Chí Minh là mảnh đất lạ kỳ, đến nỗi người ta luôn nhớ về nó ngay cả khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương thành phố bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những mảnh ghép lạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.