Dưới ánh nắng vàng dịu nhẹ của mùa thu, con đường dẫn đến Bảo tàng Khu Cháy tại xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa những ngày này như khoác lên mình một "tấm áo" mới. Đường được mở rộng, sạch đẹp, rợp cờ hoa chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Từng dòng người dân và du khách đổ về nơi đây, ôn lại những trang sử hào hùng và sống lại ký ức về những năm tháng chiến đấu kiên cường của quê hương.
Bảo tàng Khu Cháy hiện trưng bày 109 hiện vật quý giá cùng các sa bàn và hình ảnh sinh động. Mỗi hiện vật là một câu chuyện đầy cảm hứng, gợi lại tinh thần kiên cường trong cuộc đấu tranh giành độc lập, cho đến những thành tựu nổi bật của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Những chủ đề trưng bày tại bảo tàng không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử của Khu Cháy, mà còn mở ra bức tranh toàn diện về hành trình phát triển của huyện Ứng Hòa.
Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, là người gắn bó 15 năm với bảo tàng tự hào chia sẻ: "Bảo tàng Khu Cháy là một điểm đến văn hóa, giáo dục quan trọng. Nhờ sự đầu tư và tu sửa qua từng năm, bảo tàng đã có diện mạo khang trang. Du khách đến đây được trải nghiệm một hành trình văn hóa sâu sắc, từ di tích nhà bảo tàng, thăm khu chùa Chòong, đền Đông, đến khu lưu niệm xóm Cộng Hòa, hay khám phá nghề truyền thống tại làng Đào Xá và Trạch Xá... thuộc các xã khác trong Khu Cháy, như: Trầm Lộng, Đông Lỗ...
Trong không khí cùng Thủ đô tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng, Bảo tàng Khu Cháy đã trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ đối với người dân địa phương và du khách gần xa. Mỗi hiện vật, mỗi câu chuyện gắn liền với thời kháng chiến đều góp phần giữ gìn và lan tỏa tinh thần "uống nước, nhớ nguồn", kết nối quá khứ và hiện tại, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham quan.
Thầy giáo Lưu Quang Trung, Trường THCS Đồng Tân, huyện Ứng Hòa chia sẻ: "Mỗi hiện vật tại Bảo tàng Khu Cháy đều mang trong mình một dấu ấn lịch sử hào hùng. Những hiện vật như hũ gạo hay nồi nấu cơm của đồng chí Hoàng Quốc Việt gợi lại hình ảnh những năm tháng gian khổ, nhưng đầy tự hào. Tôi mong muốn những giá trị lịch sử này sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ học sinh, để các em biết trân trọng và gìn giữ truyền thống của quê hương”.
Không giấu được xúc động, cô giáo Ngô Thị Thủy, Trường THCS Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, bộc bạch: "Bước chân vào bảo tàng, tôi như sống lại trong thời kỳ kháng chiến hào hùng. Mỗi hiện vật tại đây, từ chiếc mã tấu đến chiếc bị cói đựng tài liệu mật của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đều chứa đựng câu chuyện về sự kiên cường của quân dân Khu Cháy. Đây là nơi để mọi người tìm hiểu và cảm nhận rõ hơn tinh thần bất khuất của cha ông".
Còn em Hoàng Mai Trang, học sinh lớp 8 Trường THCS Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, bày tỏ: "Qua thăm bảo tàng, giúp chúng em hiểu hơn về sự hy sinh của cha ông ta. Em rất tự hào và sẽ kể lại cho bạn bè nghe về truyền thống vẻ vang của quê hương Ứng Hòa".
Chủ tịch UBND xã Đồng Tân Đinh Quang Lĩnh, cho biết: "Bảo tàng Khu Cháy không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật lịch sử, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Chúng tôi coi đây là niềm tự hào của địa phương và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản này".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, bảo tàng đã được đầu tư nâng cấp và bổ sung thêm nhiều hiện vật quý. "Tôi tin rằng, với sự quan tâm của các cấp, ngành, Bảo tàng Khu Cháy sẽ ngày càng phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa quan trọng, góp phần giáo dục lòng yêu nước và sự trân trọng lịch sử cho thế hệ trẻ", ông Ngô Tiến Hoàng nhấn mạnh.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song công tác đào tạo hướng dẫn viên cho bảo tàng vẫn cần được quan tâm hơn. Việc thuyết minh và hướng dẫn chuyên nghiệp, không chỉ giúp tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách, mà còn giúp truyền tải những giá trị lịch sử một cách hiệu quả.
Ngoài ra, bảo tàng cũng mong muốn địa phương tiếp tục đầu tư thêm các thiết bị bảo quản hiện vật, như máy hút ẩm, điều hòa. Việc đầu tư hệ thống bảo quản sẽ giữ gìn những giá trị di sản quý báu cho các thế hệ sau, giúp Bảo tàng Khu Cháy luôn là điểm đến ý nghĩa, nơi ký ức lịch sử sống mãi trong lòng mỗi người dân và du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.