Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hành vi phản văn hóa đang phá vỡ tín ngưỡng dân gian và làm biến chất lễ hội

Cù Xuân Trường| 02/03/2015 06:19

(HNM) - Cùng với tiếng trống khai hội vào Xuân rộn rã khắp nơi, thông tin về lễ hội và các vấn đề liên quan đến lễ hội cũng tràn ngập các phương tiện truyền thông. Bên cạnh những câu chuyện "luôn nóng" trong mùa lễ hội như vấn nạn mê tín dị đoan, mua thần bán thánh, lợi dụng lễ hội để "làm tiền"... tiếp tục xuất hiện nhiều hành vi phản văn hóa như ẩu đả tranh giành lộc thánh, mượn uy danh thần linh, phá hoại tài sản...



Có rất nhiều biến tướng, rất nhiều vấn đề đáng quan ngại và cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh một số lễ hội. Những lo ngại về việc tín ngưỡng dân gian đang bị phá vỡ bởi những hành động phản văn hóa là hoàn toàn có cơ sở.

Có rất nhiều cách tiếp cận và điểm nhìn khác nhau về lễ hội: Lễ hội dân gian là sự kiện văn hóa để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần, thể hiện sức mạnh của cộng đồng làng xã và rộng hơn là của quốc gia, dân tộc. Lễ hội là dịp để con người trở về với cội nguồn, được giải tỏa, giãi bày âu lo, phiền muộn với thần linh, mong được các vị thần giúp đỡ chở che để vượt qua những thách thức trong cuộc sống đời thường. Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục để các thế hệ sau giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc... Tóm lại, lễ hội là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ đạo của người Việt và gắn bó chặt chẽ với nền văn minh lúa nước, phản ánh rõ nét tâm thức, nỗi niềm của cư dân nông nghiệp "mong cho mưa thuận gió hòa". Theo một con số thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 7.000 lễ hội dân gian.

Ở điểm nhìn khác, lễ hội là sự tổng hợp của sự linh thiêng và phần trần thế - hai yếu tố rất khác nhau nhưng có quan hệ vô cùng chặt chẽ. Do vậy, lễ hội thường có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bày tỏ sự cung kính, thành ý của cộng đồng dân cư với những bậc siêu nhiên và thể hiện rõ nét ý thức cội nguồn (thờ các nhân thần, tướng trận), nhưng thực chất cũng là phục vụ yếu tố tâm linh của con người. Còn phần hội được biểu hiện như sự buông xả trong niềm vui (các trò xưa thường gắn với từng vùng, từng lễ: vùng biển đi cà kheo, vùng sông nước đua thuyền, vùng thượng đánh đu, vạt cù...) , chừng mực nào đó là một cách giải tỏa các bế tắc, cấm kỵ trong đời sống (các lễ hội mang tính phồn thực...). Tất cả nhằm thể hiện tâm thức dân gian, vui vẻ, nghĩa tình, thuần phác, tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là nền tảng văn hóa, tinh thần nhân văn của lễ hội đã và đang bị phá vỡ bởi nhiều hành vi phản văn hóa. Những ngày gần đây, bên cạnh lễ hội Chém lợn (Ném Thượng, Khắc Niệm, Tiên Du, Bắc Ninh) tiếp tục làm "nóng" dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, cộng đồng mạng đã thật sự "dậy sóng" trước những hành vi vô cảm, thiếu văn hóa của không ít người, đặc biệt là những người trẻ: mặc váy ngắn vào chùa, trèo lên tượng, tạo dáng chụp ảnh khoe trên Facebook, vẽ, viết lên tranh Phật ở chùa Bái Đính... Và thật sự gây phẫn nộ là những clip ghi lại chuyện "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" trong Hội Gióng (Sóc Sơn) và rước kiệu phá ô tô của hội làng Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm).

Tục cướp hoa tre là một phần không thể thiếu của Hội Gióng. Hoa tre là biểu tượng cho những bụi tre ngà Thánh Gióng dùng để đánh giặc Ân. Thường thì sau phần tế lễ, chủ tế sẽ tung hoa tre ra trước sân đền, người dự hội vào cướp để lấy may. Thế nhưng tại Hội Gióng năm nay, khi kiệu hoa tre được rước vào Đền Thượng, trò giành giật lộc thánh đã trở thành cuộc tấn công thực sự của khách thập phương. Một cuộc ẩu đả bằng nắm đấm và gậy gộc đã diễn ra, nhiều người cướp lộc và người của đội bảo vệ kiệu bị đánh lăn lộn giữa một rừng người chen chúc, xô đẩy. Một nhà sử học nói: Hàng nghìn năm nay, có lẽ chưa bao giờ xảy ra cuộc hỗn chiến với người bảo vệ kiệu rước để ăn cướp như vậy. Tôi rất lấy làm xấu hổ về hành động của giới trẻ trong lễ hội tại Đền Gióng có rất nhiều ý nghĩa với dân tộc Việt Nam... Đáng lên án là hành động không thể chấp nhận của nhóm thanh niên phu kiệu ở làng Xuân Đỉnh khi họ hò nhau dùng kiệu đập vỡ kính sau của một chiếc ô tô, đến khi người phụ nữ chủ xe phải vái lạy, van xin mới thôi. Những người phu kiệu bị thánh thần điều khiển (Thánh Kiệu) hay là một dạng lợi dụng uy danh thần thánh để phá hoại tài sản của người khác?

Lễ hội đầu năm là để cầu phúc, lễ chùa đầu năm là để cầu an và chắc chắn sẽ không có phúc lành, bình an ở những nơi mà con người ứng xử với nhau bằng những nắm đấm, bằng bạo lực. Rất đáng lo ngại là cách hành xử thiếu kiềm chế, những hành vi bạo lực đang ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều này không chỉ làm mất đi những giá trị thiêng liêng của lễ hội mà còn phá vỡ những khế ước tốt đẹp của cộng đồng được kết tinh trong đó. Nói như một nhà nghiên cứu là "những hành động như vậy đang vô tình đâm toạc tâm trí tổ tiên mình". Và tình trạng này đang và tiếp tục làm méo mó, biến chất những phong tục tốt đẹp của dân tộc. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên?

Có thể kể ra rất nhiều, cả từ phía người tham gia lễ hội và phía các nhà quản lý. Trước hết, mỗi cá nhân tham dự chính là một bộ phận cấu thành nên lễ hội. Họ là người trong cuộc, họ tham gia lễ hội để có được tinh thần phấn chấn, các mối quan hệ nhân sinh và góp phần gìn giữ, lưu truyền những tinh hoa văn hóa của cộng đồng... Nhiều người đến với lễ hội với tâm đức thánh thiện, nhưng cũng có không ít người tham gia lễ hội vì tâm lý đám đông, vì danh tiếng của chùa chiền, vì sự tò mò về một nghi lễ nào đó hoặc mưu cầu lợi lộc cho cá nhân. Họ không biết bản chất và ý nghĩa linh hồn của lễ hội, nên không hiểu sẽ được gì từ sự thiêng liêng ấy. Và một khi sự thiêng liêng không còn đủ sức để ràng buộc, thúc ước thái độ, hành vi của con người thì chuyện cung cúc vái lạy thần thánh dù không biết họ là ai, rồi ẩu đả tranh giành tài lộc, "chén chú, chén anh" nơi đất Phật, cửa Thiền... cũng là chuyện không khó lý giải...

Từ đây có thể thấy vai trò của các nhà tổ chức là hết sức quan trọng. Họ không chỉ phải giữ đúng bản chất của mỗi lễ hội mà còn phải tạo lực hấp dẫn, sự tươi mới bằng các nguyên tắc thẩm mỹ phù hợp với cộng đồng và thu hút người dân vào hội với vai trò chủ thể. Tuy nhiên, bao nhiêu năm nay, khâu tổ chức vẫn là câu chuyện buồn của nhiều lễ hội. Việc xô đẩy, tranh cướp lộc thánh dẫn đến ẩu đả tại lễ hội Gióng, những hành vi phá hoại tài sản tại hội làng Xuân Đỉnh... cho thấy chuyện chọn người tham gia các nghi lễ có vấn đề. Chủ thể của lễ hội - người của ban tổ chức mà còn có hành động phi văn hóa thì không thể đòi hỏi những người tham gia lễ hội phải có hành vi văn hóa. Bạo lực tiềm ẩn từ những bức xúc trong đời sống và nếu các nhà tổ chức biết điều tiết để lễ hội thật sự là của dân gian, thực hành các phương thức nghi lễ, diễn hội đúng quy định của pháp luật trong không gian ấm áp tinh thần nhân ái, nhân văn, chắc chắn không xảy ra chuyện "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay".

Câu chuyện quản lý nhà nước về lễ hội cũng có rất nhiều vấn đề cần bàn luận để tìm kiếm những giải pháp thấu đáo từ căn nguyên. Có người cho rằng hơn 7.000 lễ hội dân gian là "hơi bị nhiều", nhiều lễ hội na ná nhau, thậm chí lai căng, kéo theo đó là sự tốn kém tiền bạc, công sức... Trong khi đất nước còn rất nhiều khó khăn, nên chăng bớt đi việc tổ chức lễ hội? Điều này không phải không có lý. Tuy nhiên, như đã nói, lễ hội là tập quán, là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng dân cư. Thêm nữa, mỗi cộng đồng lại có những lễ hội riêng mang dấu ấn bản sắc, do vậy, rất khó để nói rằng lễ hội nào nên bỏ, lễ hội nào nên giữ. Vấn đề ở đây là làm rõ hạt nhân của lễ hội và nhận diện những lễ hội thật sự gắn bó mật thiết với đời sống người dân để đầu tư gìn giữ; đồng thời làm cho các cộng đồng cư dân nhận thức rõ hơn về những giá trị của lễ hội đang có, để từ đó có cách thức thực hành và phương thức tự quản lý lễ hội của mình một cách có văn hóa, thực sự hiệu quả, tiết kiệm.

Một vấn đề nữa, để làm sạch môi trường lễ hội, môi trường di tích, việc gìn giữ không gian văn hóa tâm linh có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu các địa phương có lễ hội tiếp tục sốt sắng trong việc khai thác các giá trị kinh tế, coi lễ hội là một nguồn thu, làm ngơ trước những hành vi vô cảm, phản văn hóa..., không gian tâm linh sẽ thay đổi, ý nghĩa của di tích cũng sẽ thay đổi, lễ hội sẽ biến chất, biến tướng. Và hệ lụy của việc khai thác "từ ngọn" này đối với lễ hội cũng như đời sống cộng đồng như thế nào, có lẽ không phải bàn thêm. Chúng ta cũng đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, quản lý lễ hội, vấn đề là thực hiện thế nào mà thôi. Nếu tinh thần thượng tôn pháp luật không được coi trọng, nếu các cơ quan chức năng không xử lý nghiêm những hành động bát nháo, không tôn trọng truyền thống, nghi lễ văn hóa dân tộc thì những hành động phản cảm, bạo lực, chuyện buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, lợi dụng di tích, lễ hội để "làm tiền" sẽ tiếp tục lây lan như loài nấm độc trong mỗi lễ hội.

Tín ngưỡng dân gian đang bị phá vỡ, lễ hội dân gian đang bị biến chất! Đó không còn là những cảnh báo mà là một thực tế rất đáng lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hành vi phản văn hóa đang phá vỡ tín ngưỡng dân gian và làm biến chất lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.