(HNM) - Những năm gần đây, NXB Kim Đồng có một nhận thức thú vị: Không coi trẻ em, nhất là ở bậc trung học, là đối tượng độc giả không cần đến những phát hiện xã hội mới, nghiêm túc - vốn có vẻ chỉ liên quan đến giới nghiên cứu.
Nghĩa là ngoài sách giáo khoa, tài liệu tham khảo… chính thống, để thi cử, các em rất cần những nguồn hiểu biết làm bật lên “cái gì đó” trong tâm hồn; âu cũng là một bổ khuyết cho tình trạng thờ ơ với môn lịch sử trong nhà trường thường được nhắc đến lâu nay. “Những gương mặt không thể nào quên” của nhóm Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như Mai, nằm trong xu hướng này, quả thật phổ biến cái mới thực sự cần thiết. Đây cũng là nhóm biên soạn đã thực hiện một số ấn phẩm về lịch sử khá thú vị cho thiếu nhi thời gian qua như “Từ Kinh đô đến Thủ đô”,”Sử ta chuyện xưa kể lại”,”Hiền tài là nguyên khí quốc gia”...
22 chân dung trong “Những gương mặt không thể nào quên” có cái mới là sơ phác, bổ sung đích đáng cho diện mạo của lịch sử cận - hiện đại. Nói thế vì đó là “những con người có công với đất nước, cộng đồng và xã hội nhưng lại bị lãng quên, hoặc nếu không bị lãng quên thì việc hiểu biết về họ cũng không tương xứng với những đóng góp của họ, thậm chí còn là không thỏa đáng”, như Lời nói đầu nêu. Nó cho thấy sự đề cao vai trò của mọi “luồng lạch” trong dân tộc là rất cần thiết. Và làm nên thành công cho lịch sử không phải chỉ có công nông.
Những tên tuổi được chọn kể thuộc số người một thời bị lên án, coi là không dính đến thực dân thì phong kiến. Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Lê Phát Đạt, Nguyễn Sơn Hà…, đứng hàng cuối trong “sĩ nông công thương”, đều đóng góp nhiều cho xã hội, sau này là cách mạng. Quốc hội khóa đầu tiên có 11% đại biểu là nhà tư sản. Tiến trình phát triển dân tộc không thể bỏ qua những nhân vật Công giáo như Ngô Tử Hạ, Lê Nhất Sĩ, Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan. Vũ Đình Long không phải chỉ là soạn giả kịch nói, đóng góp vào nền sân khấu mới, mà còn là chủ xuất bản, chủ báo phát hiện, nuôi dưỡng nhiều tên tuổi văn nghệ mà thời nay rất quý trọng như Nam Cao, Vũ Bằng… Bài về Phạm Ngọc Thạch cho thấy trước khi đến với cách mạng, ông là người “giàu sang có tấm lòng Bồ Tát”. Ba tác giả họ Nguyễn không né tránh những nạn nhân của cái sai lầm nhiều nơi còn húy kị: Cải cách ruộng đất. Và Nguyễn Thị Năm, bà địa chủ lái xe hơi từ Hải Phòng lên Thái Nguyên báo tin cách mạng thành công ở Hà Nội, đóng góp tiền của cho kháng chiến.
Những sự thật được nêu trên, thực ra không phải là mới quá, đã được thông báo trong nhiều tài liệu, chuyên đề, hội thảo, báo chí chính thức nhưng chưa vào giáo khoa và thông sử, nên chúng còn nhạy cảm. Bởi vậy, phần “Tài liệu tham khảo” ở cuối sách là rất cần thiết, đem lại sự tin cậy.
“Những gương mặt không thể nào quên” có lối viết điềm tĩnh, không quá bác học, hợp với nhiều đối tượng. Đọc xong cuốn sách, độc giả, trẻ hay già có thể thốt lên: “Ồ, ngoài Lương Văn Can, Phạm Ngọc Thạch, những người này người kia sao không được đặt tên phố?”. Dễ thế lắm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.