(HNM) - Chỉ hơn một năm bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm đã có 17/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt (tăng 4 tiêu chí đạt so với trước khi triển khai). Đáng mừng nhất là nhiều tệ nạn xã hội và những hủ tục lạc hậu ở đây từng bước được đẩy lùi.
Xóa hủ tục
"Là xã ven đô nhưng người dân Tây Tựu còn lạc hậu lắm. Ở đây, đám ma nào cũng cỗ bàn linh đình; còn chuyện sinh đẻ nhiều và dày trở thành "truyền thống". Đó là chưa kể tới nạn cờ bạc, nghiện hút cũng luôn đầu bảng" - đây là nhận xét của Chủ tịch UBND xã Tây Tựu Lê Văn Việt về xã mình từ những năm trước. Ông Việt dẫn chứng, đám tang ở Tây Tựu trước đây thường ăn cỗ từ lúc người chết bắt đầu nằm xuống tới khi đưa tiễn xong xuôi về nơi vĩnh hằng, đám nào cũng trăm mâm trở lên. Người chết nằm xuống, gia chủ lo tang ma cho người chết thì ít mà lo cỗ bàn cho người sống thì nhiều. Lệ làng bao năm qua như vậy, cứ đám sau lại to hơn đám trước, rất tốn kém nhưng mãi chẳng ai dám bỏ. Còn chuyện sinh con thứ 3 thì "dân càng giàu càng sinh khỏe", khoảng 16-17% so với số sinh cả năm.
Một góc làng quê Tây Tựu. Ảnh: Đỗ Hà |
Khi xây dựng NTM, xã Tây Tựu chọn việc làm đầu tiên là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", trọng tâm là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Các gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Các tiểu ban quản lý xây dựng NTM ở các thôn có nhiệm vụ bám cơ sở, khi thấy gia đình nào có việc hiếu, hỷ đến vận động, thuyết phục người dân thực hiện theo. Đến nay, 100% đám tang ở xã đã không tổ chức ăn uống linh đình. "Những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc tang đã tạo được niềm tin giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân phấn khởi" - ông Lê Văn Việt chia sẻ.
Không riêng việc tang, số trường hợp sinh con thứ 3 và tệ nạn xã hội cũng giảm rõ rệt. Nhận thức của người dân được nâng lên, đường làng ngõ xóm đã sạch sẽ hơn do duy trì tốt phong trào tổng vệ sinh vào ngày thứ bảy hằng tuần. Thói quen vứt gốc hoa sau thu hoạch ra đường giao thông, mương máng cũng thay đổi, bà con đã đào hố chôn lấp, vừa bảo vệ môi trường, vừa có phân bón cho đồng ruộng… Năm 2011, Tây Tựu đã có 1/4 thôn, khu phố được công nhận "Làng văn hóa" (trước đó chưa có thôn nào được công nhận).
Dân tình nguyện đổi đất mở đường
Đường trục của Tây Tựu có tổng chiều dài 4km, rộng từ 2,5-3m, nếu không mở rộng đường vẫn đạt tiêu chuẩn về giao thông nông thôn vì đã được cứng hóa và có hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, đường quá nhỏ ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế của địa phương. Mỗi khi có trường hợp khẩn cấp, xe cứu thương, xe cứu hỏa không thể vào tận nơi. Vì vậy, nguyện vọng của đông đảo người dân Tây Tựu là mở các tuyến đường giao thông trục chính vào làng rộng lên 6,5m. Tuy nhiên, là xã ven đô, diện tích đất của mỗi gia đình không nhiều, việc hiến đất mở rộng đường không phải chuyện đơn giản. Xác định điều đó, Tây Tựu đã có chủ trương lấy đất đổi đất, vận động người dân giao đất làm đường giao thông.
Từ kết quả khảo sát, xã quyết định thu hồi 4.000m2 để mở rộng đường trục chính. Trong tổng số 109 hộ dân liên quan, nay đã có 106 hộ có đơn tự nguyện đổi đất. Để tạo sự đồng thuận cao, xã đã tổ chức 13 hội nghị tại các thôn, tháo gỡ vướng mắc của người dân. Ông Chu Hữu Viên, Trưởng thôn Hạ cho hay, trong số 3 thôn thì thôn Hạ có đông số hộ phải thu hồi nhất (80 hộ), nhưng qua tuyên truyền, vận động, người dân nhất trí rất cao. Bà Nguyễn Thị Liên, người dân thôn Trung phấn khởi: "Nhà tôi cũng như nhiều hộ khác chuyển đi là rất thiệt thòi bởi nhà đang đẹp, phải tháo dỡ một phần, ảnh hưởng đến kết cấu cả ngôi nhà. Nhưng vì lợi ích chung của cả làng, chúng tôi sẵn sàng đổi đất, thậm chí chuyển đến nơi ở mới để đường rộng, đẹp hơn". Theo ông Lê Văn Việt, đến nay, 8 địa điểm đất xen kẹt trong khu dân cư làm đất đối ứng đã và đang được quy hoạch, dự kiến trong tháng 2 sẽ lập xong phương án đổi đất, đồng thời giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng tuyến đường trong tháng 4 tới.
Cùng với xây dựng đường giao thông, hàng chục dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đã và đang được triển khai như: dự án xây dựng điểm vui chơi cộng đồng; dự án xây dựng cải tạo vùng hoa Tây Tựu; dự án xây dựng Trường Mầm non Tây Tựu B; dự án mở rộng nghĩa trang; dự án cải tạo, nâng cấp các đường trục ven làng… Gần 2.700 hộ dân Tây Tựu trồng hoa trên diện tích 317ha đất tại địa phương và trên 900 hộ khác đi thuê gần 130ha đất ở các huyện, xã lân cận mang lại giá trị 420 triệu đồng/hécta hoa/năm; thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm. Những nỗ lực phát triển kinh tế của từng hộ và phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo địa phương. Năm qua, cả xã đã có khoảng 100 nhà ở được xây mới khang trang với kinh phí đầu tư khoảng 70 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.