Phố Tôn Thất Tùng, ngã tư Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc từ lâu đã trở nên quá tải. Nguyên nhân chính là do lưu lượng người tham gia giao thông lớn vì nút giao thông này nằm trong khu vực có các khu tập thể Kim Liên, Khương Thượng, Trung Tự, các trường Đại học Y Hà Nội, Tiểu học và THCS Khương Thượng. Vào giờ tan trường, người xe chật kín cả con phố, vỉa hè bị chiếm dụng, học sinh phải đi xuống lòng được rất dễ xảy ra va chạm, nhất là những học sinh cấp tiểu học, THCS, lứa tuổi vốn hiếu động, ưa chạy nhảy.
Vỉa hè trước cổng trường Thái Thịnh bị chiếm dụng
Điểm bất hợp lý tại đoạn đường Tôn Thất Tùng giáp ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch là lòng đường hẹp trong khi vỉa hè khá rộng lại không được làm đúng chức năng dành cho người đi bộ. Có lẽ vì quá rộng mà đoạn vỉa hè gần cổng Viện Năng lượng bị biến thành nơi đỗ xe ôtô, hằng ngày thường xuyên có hai chiếc ôtô đỗ từ sáng đến chiều, xe máy dựng ngang suốt dọc con phố này, cửa hàng nào cũng biến vỉa hè thành chỗ đỗ xe cho khách. Thế là khi tan trường, nhiều học sinh Trường tiểu học Khương Thượng phải đi xuống lòng đường.
Một bất cập khác là đoạn đường này không hề có vạch sơn cho người đi bộ, từng nhóm học sinh túm năm, tụm ba líu ríu lôi nhau qua đường bất kể đoạn nào, không chỉ nguy hiểm cho chính các em mà còn gây nên cảnh lộn xộn, tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó, biển báo giảm tốc độ khi có trường học chỉ được cấm ở phía ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, phía từ đường Trường Chinh lại không có. Sự thiếu sót này cũng là tiềm ẩn nguyên nhân gây tai nạn cho học sinh khi người điều khiển ôtô, xe máy không nhận được lời cảnh báo phải giảm tốc.
Cũng trong tình trạng này, đoạn vỉa hè trước cổng Trường tiểu học Thái Thịnh (ngõ Thái Thịnh II - phố Thái Thịnh) từ lâu đã bị biến thành chỗ để xe và là “sới cờ” của nhiều người. Hằng ngày vào khoảng 16-18h, ngoài mấy bà hàng nước, ông thợ cắt tóc “an tọa” trên vỉa hè, đoạn đường này chật cứng người đến chơi và xem đánh cờ, cá cược. Xe máy để kín phần đường dành cho người đi bộ, thậm chí còn tràn xuống lòng đường. Giờ tan học, phụ huynh đến đón con lấy lòng đường làm điểm đỗ, học sinh cũng buộc phải đi bộ xuống lòng đường nếu không muốn phải len lỏi giữa rừng xe máy đỗ kín vỉa hè.
Giờ cao điểm rất nhiều người ngại đi đường Tôn Đức Thắng qua ngã năm Tôn Đức Thắng - Khâm Thiên - Đê La Thành để về nhà. Nguyên nhân cũng vì Trường THPT Đống Đa nằm trong ngõ Quan Thổ I, mỗi khi học sinh tan trường tràn hết ra đường Tôn Đức Thắng. Vỉa hè không còn, không có cảnh sát giao thông phân luồng đường ngang, “mạnh ai nấy đi” nên đoạn đường đầu ngõ đối diện với trụ sở UBND quận Đống Đa chỉ thoáng chốc đã đặc kín người đi ngang, kẻ rẽ dọc, gây ách tắc trong một thời gian dài. Phố Nguyễn Khuyến đã thành đường một chiều, chính quyền phường sở tại cũng đã có biển cấm để xe đạp, xe máy trên vỉa hè từ 7h đến 17h hàng ngày nhưng mỗi khi tan trường, học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt vẫn phải đi xuống lòng đường vì nhiều đoạn vỉa hè đã bị người dân lấn chiếm bán hàng, để xe.
Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần kiểmtra,gắnbiển“giảmtốcđộ” ở các đoạn đường, ngã tư dễ xảy ra tainạncảnhbáo chongười điều khiển phương tiện ôtô, xe máy, đồng thời tìm biện pháp giải tỏa ách tắc, bảo đảm thông thoáng đường, vỉa hè tại những nơi có trường học, giữ an toàn cho các em học sinh, người đi bộ tại các khu vực này.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.