Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điều thú vị về nghề đạo diễn điện ảnh

TUYETMINH| 13/08/2009 17:04

(HNMO)- Chương trình “Khi người ta trẻ tháng 8” sẽ là một cuộc trò chuyện về một công việc đặc biệt – “Nghề đạo diện điện ảnh”. Tham gia cuộc trò chuyện thú vị này là hai khách mời là hai nhân vật nổi tiếng: đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng, hứa hẹn mang đến những câu chuyện thú vị từ hai góc nhìn

(HNMO)- Chương trình “Khi người ta trẻ tháng 8” sẽ là một cuộc trò chuyện về một công việc đặc biệt – “Nghề đạo diện điện ảnh”. Tham gia cuộc trò chuyện thú vị này là hai khách mời là hai nhân vật nổi tiếng: đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng, hứa hẹn mang đến những câu chuyện thú vị từ hai góc nhìn thế hệ.

Chương trình được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày
13/8/2009 trên VTV6; phát lại trên VTV3 và VTV6.


           Đạo diễn Quang Dũng và các diễn viên trong phim Giải cứu Thần Chết

Tuy khoảng cách tuổi tác khá xa – 40 năm – song cả hai đạo diễn đều có điểm chung là có phim chiếu rạp năm 2008: Đừng đốt và Giải cứu Thần Chết. Dù vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự khác nhau giữa hai đạo diễn của hai thế hệ: con đường vào nghề, cách nhìn về nghề, quan điểm làm phim để làm gì, xu hướng làm phim…

Với công chúng, nhất là đối với các khán giả trẻ - nghề đạo diễn điện ảnh chứa đựng một sức hút mạnh mẽ. Đó là một lĩnh vực lấp lánh ánh hào quang khi mỗi bộ phim được triển khai ở trường quay, công chiếu, tham dự các giải thưởng. Đó là thách thức của sức ép khi hàng năm, số lượng phim truyện nhựa trong nước sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những phút phiêu du săn lùng diễn viên chính hiện diện đâu đó ngoài đời…

Còn với người trong cuộc, nghề đạo diễn điện ảnh là một công việc phức tạp, đòi hỏi cả tố chất, năng khiếu, khối lượng kiến thức và những trải nghiệm cuộc sống. Điện ảnh là môn nghệ thuật tổng hợp, trong một đoàn làm phim có nhiều chuyên ngành khác nhau, người đạo diễn phải bao quát từng chi tiết nhỏ nhất: trang phục, hóa trang cho đến diễn xuất của diễn viên, khuôn hình, cú máy, cỡ cảnh, ánh sáng, bối cảnh... Người ta đã ví đạo diễn như nhạc trưởng của một dàn nhạc giao hưởng. Mỗi bộ phận trong đoàn làm phim giống như một nhạc cụ, tất cả các nhạc cụ sẽ cùng tấu lên dưới sự chỉ huy của đạo diễn…

Vậy, những câu chuyện thực tế của nghề đạo diễn điện ảnh diễn ra như thế nào. Làm thế nào để một đạo diễn thể hiện cái tôi của mình thông qua sự bao quát ở đoàn làm phim? Uy của người đạo diễn phụ thuộc vào sự từng trải, tuổi tác hay tài năng? Người đạo diễn đưa ra những quyết định ra sao để thuyết phục được các thành phần trong ê-kip? Các đạo diễn trước những xu hướng: làm phim giải trí theo nhu cầu của thị trường, làm phim với những thử nghiệm mới về ngôn ngữ điện ảnh, làm phim để chuyển tải thông điệp cuộc sống đến khán giả. Và đặc biệt, việc học nghề trong lĩnh vựcđược coi là kết hợp đủ mọi ngành nghề này diễn ra thế nào?... 

Nhân vật trẻ là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, sinh ngày 18/12/1978. Là con của nhà văn Nguyễn Quang Sáng song ngay từ nhỏ, anh đã trầy trật với môn văn, kể cả những bài tập làm văn về tác phẩm của cha mình. Hồi nhỏ, Nguyễn Quang Dũng có nhiều năng khiếu: chơi bóng bàn, âm nhạc… nhưng anh đã quyết định theo con đường đạo diễn.

Nguyễn Quang Dũng tốt nghiệp khoa Đạo diễn (1996 -1999). Phim video đầu tay – Con gà trống đã đoạt giải Văn học Nghệ thuật TP.HCM, HCB Liên hoan truyền hình toàn quốc 2003. Hiện anh đã có 3 phim nhựa: Nụ hôn thần Chết, Hồn Trương Ba – Da Hàng thịt, Giải cứu thần Chết và đang chuẩn bị làm phim chiếu Tết cho năm nay: Những nụ hôn rực rỡ.


                                        Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Còn nhân vật thế hệ trước là Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, sinh ngày 10/5/1938 tại Huế. Ông đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, từng làm Tổng thư ký Hội điện ảnh Việt Nam và được phong tặng NSND, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2007.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh quan niệm “làm phim để nói lên những suy nghĩ về cộng đồng, con người, xã hội mình đang sống với lòng mong muốn sao cho nó tốt đẹp hơn”. Vì thế, các phim của ông đều có chung cảm hứng chủ đạo là phản ánh số phận con người. Các tác phẩm của ông: Thị xã trong tầm tay (1983), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1987), Trở về (1994), Thương nhớ đồng quê (1995), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), Mùa ổi (2001), Đừng đốt (2008)… Tháng 9/2008, bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười được kênh truyền hình CNN (Mỹ) bầu chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.

Tuyết Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều thú vị về nghề đạo diễn điện ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.