Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN Para Games 2) sẽ được khai mạc ngày 21/12/2003 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và bế mạc ngày 27/12/2003 tại Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội.
Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN Para Games 2) sẽ được khai mạc ngày 21/12/2003 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và bế mạc ngày 27/12/2003 tại Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội.
Mục đích của ASEAN Para Games 2 là tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác trao đổi học tập kinh nghiệm luyện tập TDTT của người khuyết tật (người khuyết tật) các nước Đông Nam Á; phát triển phong trào thể thao người khuyết tật trong khu vực; tạo cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng và nâng cao chất lượng trong hoạt động thể thao và cuộc sống của người khuyết tật. Khẩu hiệu của ASEAN Para Games 2 là "Đoàn kết, hợp tác, hữu nghị trong một thế giới hòa bình".
Việc đăng cai tổ chức ASEAN Para Games 2 thể hiện tấm lòng nhân nghĩa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt với mong muốn vượt lên số phận để hoà nhập cộng đồng, xây dựng xã hội lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Việt Nam, sau rất nhiều năm chiến tranh, có số người khuyết tật cao hơn nhiều quốc gia khác. Những người khuyết tật rất cần đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú, những hoạt động thể chất đầy đủ để củng cố và tăng cường sức khoẻ, để sống lạc quan, hoà nhập với xã hội. Nhiệm vụ trực tiếp tổ chức ASEAN Para Games 2 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chính thức trao cho Ban Tổ chức SEA Games 22 và ASEAN Para Games 2 ngày 22/4/2003.
Biểu tượng, linh vật và bài hát:
Biểu tượng của ASEAN Para Games 2 - tác phẩm của hoạ sĩ Việt Nam Nguyễn Thế Nguyên - được khái quát bằng hình ảnh một VĐV trên xe lăn hai tay giơ cao chếch thành hình chữ V màu xanh đậm, với ý tưởng Việt Nam và chiến thắng. Đỉnh biểu tượng là 11 vòng tròn mầu đỏ thẫm đan lồng vào nhau, biểu hiện tình đoàn kết của 11 nước trong khu vực Đông Nam Á, ở giữa có hoạ tiết cách điệu Khuê Văn Các (ở Quốc Tử Giám - Hà Nội), là biểu tượng văn hóa của Hà Nội.
Biểu tượng vui của Đại hội là hình tượng chú Dê Vàng (biểu tượng của năm Quí Mùi) tay trái chống vào thắt lưng, tay phải xòe hai ngón hình chữ V thể hiện niềm vui hân hoan chiến thắng, vượt lên số phận hội nhập cộng đồng. Hình ảnh con dê đã được miêu tả rất nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, bởi con dê luôn gần gũi, thân thiện và hữu ích với con người Việt Nam. Hình ảnh chú Dê Vàng như một thông điệp về tính cao thượng của thể thao, thúc giục các VĐV vươn lên lập thành tích cao nhất.
Bài hát chính thức mang tên "Chào PARA Games Thăng Long-Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Đỗ, với phần lời dịch sang tiếng Anh của Nguyễn Tiến Long. Bài hát được nhạc sĩ An Thuyên (Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội) hòa âm và bổ sung thêm phần nhạc để tương xứng với Đại hội có tầm cỡ khu vực.
Quy mô và thành phần tham gia:
Tại ASEAN Para Games 2, các VĐV tham gia thi đấu ở 5 môn: Cầu lông, Bóng bàn, Điền kinh, Cử tạ, Bơi lội và một số nội dung thi đấu mới như Ném lao, Đẩy tạ, Bơi ngửa..., với tổng cộng 312 bộ huy chương.
ASEAN Para Games 2 có sự tham gia của 933 người thuộc 11 nước Đông Nam Á (theo đăng ký đến ngày 31/10/2003); trong đó:
Malaixia có 222 người gồm: 58 cán bộ, 164 VĐV (113 nam, 51 nữ và 53 xe lăn), dự thi cả 5 môn: Điền kinh 87 VĐV, Cầu lông 24 VĐV, Cử tạ 15 VĐV, Bơi 20 VĐV, Bóng bàn 18 VĐV;
Brunây có 33 người gồm: 11 cán bộ, 22 VĐV (15 nam, 7 nữ và 1 xe lăn), dự thi ở 3 môn: Điền kinh 17, Cử tạ 2, Bơi 3;
Đông Timo 30 người gồm: 23 cán bộ (3 nữ), 7 VĐV (7 nam), dự thi ở 3 môn: Điền kinh 2 VĐV, Cử tạ 3 VĐV, Bóng bàn 2 VĐV;
Xinhgapo có 17 người gồm: 4 cán bộ, 13 VĐV (9 nam, 4 nữ và 1 xe lăn), dự thi ở 2 môn: Điền kinh 11 VĐV (3 nữ), Bơi 2 VĐV (1 nữ);
Campuchia có 20 người gồm: 5 cán bộ, 15 VĐV (2 nữ), dự thi ở 1 môn Điền kinh;
Mianma có 50 người gồm 10 cán bộ (2 nữ), 40 VĐV (33 nam, 7 nữ và 8 xe lăn), dự thi ở 4 môn: Điền kinh 25 VĐV (7 nữ), Cầu lông 2 VĐV, Bơi 9 VĐV, Bóng bàn 4 VĐV;
Thái Lan có 130 người gồm 15 cán bộ, 115 VĐV (91 nam, 24 nữ và 36 xe lăn), dự thi ở cả 5 môn: Điền kinh 45 VĐV, Cầu lông 11 VĐV, Cử tạ 12 VĐV, Bơi 35 VĐV, Bóng bàn 12 VĐV;
Lào có 11 người gồm 4 cán bộ và 7 VĐV, dự thi ở 2 môn: Cử tạ 5 VĐV, Bóng bàn 2 VĐV;
Philíppin có 68 người gồm 20 cán bộ và 48 VĐV (30 nam, 18 nữ và 15 xe lăn), dự thi ở cả 5 môn: Điền kinh 24 VĐV, Cầu lông 4 VĐV, Cử tạ 7 VĐV, Bơi 9 VĐV, Bóng bàn 4 VĐV;
Inđônêxia có 103 người gồm 34 cán bộ (3 nữ), 69 VĐV (51 nam, 18 nữ và 8 xe lăn), dự thi ở cả 5 môn: Điền kinh 25 VĐV, Cầu lông 16 VĐV, Cử tạ 5 VĐV, Bơi 10 VĐV, Bóng bàn 13 VĐV; và
Việt Nam có 249 người gồm 34 cán bộ, 215 VĐV (có 80 xe lăn) dự thi ở 5 môn: Điền kinh 73 VĐV, Cầu lông 34 VĐV, Cử tạ 25 VĐV, Bơi 42 VĐV, Bóng bàn 41 VĐV.
Ngoài ra còn có 218 người là cán bộ điều hành, 250-300 người là trọng tài, nhân viên trong các cuộc thi đấu, 120-150 người là phiên dịch viên, tình nguyện viên, 150-200 người là cán bộ giao thông, an ninh, y tế cùng hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam phấn đấu giành từ 85 đến 100 HCV và ít nhất đứng thứ 3 toàn đoàn.
Luật thi đấu:
Các môn thi đấu thi theo Luật thi đấu thể thao người khuyết tật của tổ chức thể thao người khuyết tật quốc tế và các Liên đoàn thể thao quốc tế cho người khuyết tật.
Các VĐV tham dự phải từ 15 tuổi trở lên (sinh trước tháng 12/1988).
Mỗi VĐV dự thi chỉ được đăng ký thi 1 môn thể thao của Đại hội.
Mỗi VĐV được phép tham gia tối đa ở 3 nội dung thi đấu cá nhân và 2 nội dung thi đấu đồng đội.
Ở các nội dung thi đấu đồng đội, mỗi nước được cử một đội nam và một đội nữ dự thi.
Nội dung thi đấu được xây dựng căn cứ vào Điều lệ thi đấu có tính nguyên tắc của Hiến chương Olympic và thực tiễn của đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á như trình độ thành tích và lực lượng VĐV của nước chủ nhà; cơ sở vật chất kỹ thuật, sân bãi đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hiện có của nước đăng cai; những đặc điểm về văn hoá và những yếu tố khác về chính trị, xã hội.
Đối với Việt Nam, việc chọn môn thể thao và nội dung thi đấu tại Para SEA Games II được tiến hành dựa trên những yếu tố: Những môn quy định nhất thiết phải có trong hệ thống thể thao Olimpic dành cho người khuyết tật; tổ chức những môn và nội dung thi đấu có đủ điều kiện sân bãi, trang thiết bị thông tin, tính điểm, trọng tài; ưu tiên những nội dung mà Việt Nam có thế mạnh, có nhiều cơ hội giành huy chương; hạn chế những loại thương tật và đối tượng thương tật mà Việt Nam chưa có đủ điều kiện đáp ứng.
Tại đại hội lần này có 5 môn thi đấu chính thức với 312 nội dung cho cả nam và nữ theo phân loại thương tật của Điều lệ và Luật thi đấu của từng môn thể thao:
Điền kinh (kể cả đua xe lăn): Thi đấu tại Sân vận động Quốc gia, Hà Nội. Có 324 VĐV đua tranh ở 58 nội dung thi của nam và 58 nội dung thi của nữ, tổng số 116 nội dung (bộ huy chương).
Bơi lội: Thi đấu tại Khu liên hợp thể thao dưới nước, Hà Nội. Có 130 VĐV đua tranh ở 57 nội dung thi của nam và 57 nội dung thi của nữ, tổng số 114 nội dung thi (bộ huy chương)
Bóng bàn: Thi đấu tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội. Có 96 VĐV đua tranh ở 19 bộ huy chương nam và 19 bộ huy chương nữ, tổng số 38 nội dung thi (bộ huy chương).
Cầu lông: Thi đấu tại Cung Thể thao Quần Ngựa. Có 91 VĐV đua tranh ở 7 bộ huy chương nam và 7 bộ huy chương nữ, tổng số 14 nội dung thi (bộ huy chương).
Cử tạ: Thi đấu tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Có 74 VĐV đau tranh 9 bộ huy chương nam và 9 bộ huy chương nữ, tổng số 18 nội dung thi (bộ huy chương).
Trong các môn này có bổ sung một số nội dung mới như Điền kinh đưa thêm hạng thương tật bại não, 100, 200, 400, 800m, các môn Ném lao, Đẩy tạ; môn Bơi lội có thêm nội dung Bơi ngửa.
Huy chương:
Có tất cả 312 bộ huy chương trong đó có 132 bộ HC cho môn Điền kinh (124 cá nhân và 8 đồng đội), 110 bộ HC cho môn Bơi (108 cá nhân và 2 đồng đội), 38 bộ HC cho môn Bóng bàn (16 cá nhân và 16 đồng đội, 6 đôi), 14 bộ HC cho môn Cầu lông (6 cá nhân, 2 đồng đội, 6 đôi), 18 bộ HC cho môn Cử tạ cá nhân.
Nguyên tắc trao huy chương:
HCV, HCB và HCĐ được trao cho các nội dung có từ 4 VĐV của ít nhất 2 quốc gia tham gia.
HCV và HCB được trao cho các nội dung có từ 3 VĐV của ít nhất 2 quốc gia tham gia.
Ở nội dung thi đấu chỉ có 03 VĐV của 1 quốc gia sẽ trao 1 HCV.
Trọng tài:
Mỗi môn như Điền kinh, Bơi, Bóng bàn, Cầu lông, Cử tạ sẽ có 1 trọng tài giám sát của Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (APSF) hoặc của Liên đoàn thể thao người khuyết tật Châu Á-Thái Bình Dương (FESPIC), hoặc Liên đoàn thể thao người khuyết tật quốc tế (IPC) do Ban tổ chức mời. Phân loại thương tật dưới sự điều hành và giám sát của quan chức quốc tế do APSF, FESPIC hoặc IPC ủy nhiệm.
Địa điểm thi đấu và cơ sở vật chất:
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình: Lễ khai mạc và thi đấu Điền kinh.
Sân vận động Hà Nội: Lễ bế mạc.
Cung thể thao Hà Nội: Thi đấu môn Cầu lông từ 23 đến 26/12/2003.
Cung thể thao dưới nước: Thi đấu môn Bơi lội.
Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức: Thi đấu môn Cử tạ từ 23 đến 26/12/2003.
Nhà thi đấu quận Cầu Giấy: Thi đấu môn Bóng bàn.
Các nhà thi đấu được bổ sung thêm đường lên, xuống để xe lăn có thể di chuyển dễ dàng; khu nhà vệ sinh được sửa chữa cho phù hợp với người khuyết tật. Tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, nơi diễn ra thi đấu môn Cử tạ, đã làm thêm khu vực dành cho khán giả để có thể di chuyển được bằng xe lăn; các xe đẩy sẽ đặt sẵn sàng tại khu vực thi đấu, bệ lên xuống được làm thuận lợi cho xe đẩy của người lớn, trẻ em cũng như cho xe lăn. Tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, nơi diễn ra thi đấu môn Bóng bàn, có thêm đường dẫn có độ dốc nhỏ chạy dọc theo khán đài B dành cho VĐV khuyết tật.
Các trang thiết bị cho tổ chức tập huấn, thi đấu như xe lăn, ghế đẩy, tạ, lao, bàn bóng được hoàn toàn đặt mua mới đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế: Mua mới 27 xe lăn của Mỹ với giá trên 3.000 USD/chiếc (trong đó 15 xe sử dụng cho môn Điền kinh, 6 xe cho môn Bóng bàn, 6 xe thi đấu Cầu lông), 8 ghế đẩy tạ của Malaixia, 8 bàn bóng bàn của Trung Quốc.
Công nghệ thông tin:
Sử dụng toàn bộ hệ thống máy móc, chương trình phần mềm của SEA Games 22 để phục vụ Para SEA Games II nhưng riêng phần mềm phải cấu tạo riêng vì lệ thuộc vào phân loại thương tật.
Chuyên môn kỹ thuật:
Soạn thảo điều lệ, qui chế, phân loại, chuẩn bị lực lượng trọng tài. Có khoảng 400 trọng tài (kể cả trọng tài điện tử). Ngoài ra còn có 23 trọng tài quốc tế và 3 tổng giám sát quốc tế.
Công tác lễ tân và tuyên truyền:
Các khách sạn đón tiếp các VĐV nước ngoài: Daewoo, Bảo Sơn, Heritage, La Thành, Thắng Lợi, Thương Mại. Riêng đoàn Việt Nam được bố trí tại Nhà nghỉ Công đoàn (Quảng Bá).
Tập huấn cho hơn 500 tình nguyện viên làm công tác phiên dịch, hướng dẫn, giúp đỡ những VĐV khuyết tật.
Giao thông vận tải:
Sở Giao thông công chính Hà Nội sử dụng 20 xe buýt chuyên dụng cho người khuyết tật phục vụ việc di chuyển đưa đón các đoàn VĐV, 20 xe buýt loại bình thường và 140 xe con phục vụ HLV và quan chức và 40 xe 12 chỗ ngồi.
Y tế phục vụ:
Dịch vụ y tế được bố trí tại mỗi địa điểm thi đấu. Trong trường hợp khẩn cấp không thể chữa trị tại chỗ sẽ được đưa ngay đến bệnh viện Trung ương. Không kiểm tra doping tại Para SEA Games II. Các VĐV tham dự Đại hội được phân theo 5 loại thương tật: mất khả năng vận động chân tay, ngồi xe lăn, khiếm thị, bại não, thiểu năng trí tuệ và theo tiêu chuẩn phân loại thương tật thế giới.
Tài trợ:
Các đơn vị tài trợ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (VietsovPetro), Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), Petro Vietnam Gas, Công ty Điện tử Samsung, Công ty Tenamyd Canađa.
Ban tổ chức phấn đấu đạt mức tài trợ là 3 triệu USD./.
HNMĐT (Nguồn: Ban tổ chức SEA Games 22 và Para SEA Games II, TTXVN và các báo)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.