(HNMO) - Tiết trời lạnh là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Vậy, những bệnh nhân bị bệnh này cần lưu ý những gì khi trời rét, đặc biệt là rét đậm, rét hại?
Đo chức năng hô hấp cho người bị COPD |
Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam là 4,1% ở người trên 40 tuổi; một nghiên cứu của nhóm bác sỹ gia đình châu Á năm 2105 nhận định, Việt Nam là nước có tần suất bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khoảng 9,4%.
Những sai lầm trong điều trị
Trên thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4, khiến hơn 3 triệu người chết trong năm 2012, chiếm 6% số trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hơn 90% số ca tử vong xảy ra do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này và đến năm 2020 là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.
PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong quá trình khám và điều trị bệnh nhân bị COPD, không ít trường hợp mắc sai lầm khiến việc điều trị bệnh không hiệu quả như mong muốn hoặc bệnh trở nên nặng hơn.
Chẳng hạn, nhiều trường hợp sau khi sử dụng thuốc được 1 tháng bệnh thuyên giảm đã dừng thuốc, một thời gian sau tái phát (tình trạng thay đổi cấp tính của các biểu hiện lâm sàng như khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng hoặc thay đổi màu sắc của đờm) bệnh nhân mới khám trở lại, đến lúc đó bệnh đã trở nên nặng hơn, điều trị tốn kém hơn. Trong khi người bị COPD phải dùng thuốc dự phòng hằng ngày.
Bên cạnh đó, có người sử dụng thuốc chưa đúng kỹ thuật nên hiệu quả của thuốc không được phát huy tối đa.
Sai lầm nữa là bệnh nhân vẫn tiếp xúc với yếu tố gây bệnh như hút lá/thuốc lào trực tiếp hoặc thụ động; đun bếp củi, than, rơm rạ. Đặc biệt, khi trời rét, có gia đình dùng bếp than để sưởi. Ngoài việc bị ngộ độc nguy hại đến tính mạng còn có thể gây bệnh.
Chưa kể, bệnh nhân không tuân thủ chế độ dự phòng đợt cấp của bệnh. Vào mùa lạnh, người bệnh hay bị nhiễm virus, vi khuẩn. Mặc dù bác sĩ khuyên bệnh nhân tuân thủ việc dự phòng đợt cấp như tiêm phòng cúm, sử dụng một số thuốc tăng cường khả năng miễn dịch và đảm bảo chế độ dinh dưỡng nhưng nhiều bệnh nhân không thực hiện.
Không chủ quan khi trời rét
Triệu chứng của COPD: ho dai dẳng; ho khạc đờm về buổi sáng; khó thở khi gắng sức sau đó khó thở tăng dần; đau tức ngực... Khi có các triệu chứng nghi ngờ trên, cần đến bệnh viện khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. |
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc bởi những hậu quả do đợt kịch phát của bệnh nếu không được kiểm soát, có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị dài ngày gây tốn chi phí, tàn phế, thậm chí tử vong.
Vì vậy, theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, người bị COPD cần tuân thủ điều trị, hướng dẫn của bác sĩ; cùng với đó, cần tích cực luyện tập nhằm phục hồi chức năng hô hấp. Với người bị COPD nhẹ hoặc trung bình, có thể luyện tập như đi bộ, đạp xe đạp, mỗi ngày từ 30 phút đến 1 tiếng tùy theo khả năng chịu đựng của cơ thể. Người bị nặng hơn có thể tập sức bền của cơ và tập khả năng gắng sức như đi bộ trong nhà, tập tạ nhẹ để tập sức bền của tay, tập hít thở cho cơ hoành nhằm giúp khả năng vận động hô hấp tốt.
Đặc biệt, khi thời tiết trở lạnh, nhất là rét đậm, rét hại là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân. Vì vậy, “những bệnh nhân này không được chủ quan, cần giữ ấm khi ra ngoài trời lạnh; không ra ngoài trời quá sớm”, PGS.TS Chu Thị Hạnh khuyến cáo.
Cùng với đó, người bị COPD nên ăn đồ nóng, không ăn đồ lạnh, uống nước đá; có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn loãng, dễ nuốt, dễ hấp thụ, thức ăn đủ các chất đường, đạm, chất béo, vitamin, đặc biệt là tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi để cung cấp nhiều vitamin. Việc cần làm nữa là đi tiêm phòng vắc xin cúm nhằm tránh đợt cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.