(HNMO) - Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, có một số điểm nghẽn trong ngành Du lịch. Đó là cơ sở hạ tầng, thị thực, quảng bá du lịch…
Sáng 6-6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những điểm nghẽn của ngành Du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT& DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, điểm nghẽn đầu tiên là về hạ tầng. “Nhiều sân bay nhỏ, không đủ chỗ đỗ máy bay, hành khách phải chờ đợi lâu”, Bộ trưởng nói.
Tiếp đến là điểm nghẽn về thị thực. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh của ngành Du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 116 trên tổng số 136 quốc gia được đánh giá.
Về xúc tiến, quảng bá du lịch, kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam rất ít, một năm chỉ khoảng 2 triệu USD, trong khi đó, Thái Lan và Indonesia đầu tư đến gần 100 triệu USD để quảng bá, xúc tiến du lịch.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch của Việt Nam thiếu, nhất là với vị trí quản lý khách sạn 4-5 sao, gần như phải thuê người nước ngoài...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. |
Theo người đứng đầu ngành VH-TT&DL, để du lịch Việt Nam phát triển, cần sự phối hợp của toàn xã hội. Bộ trưởng mong các ngành, các cấp quan tâm hơn nữa, chung tay khắc phục tồn tại, để ngành Du lịch phát triển như kỳ vọng là sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế của liên kết vùng du lịch, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch 7 vùng du lịch. Trên cơ sở đó, các địa phương lập quy hoạch du lịch trên địa bàn.
Với chất vấn của đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang) về tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam thấp và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, theo điều tra xã hội học, tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam là khoảng 40%.
"Hiện nay, khách đến Việt Nam chủ yếu là tham quan, ăn ở, còn mua sắm rất ít. Vì vậy, chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Về vấn đề phát triển du lịch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) đề cập, Bộ trưởng cho biết, để du lịch khu vực này phát triển, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, như phát triển du lịch giải trí, miệt vườn, sinh thái...
Về xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tạo diện mạo mới cho ngành Du lịch, tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, xu hướng của thế giới hiện nay là ứng dụng CNTT để phát triển mọi lĩnh vực. Tại Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện đề án áp dụng CNTT để phát triển du lịch, đến nay đã làm được nhiều việc, như: Giới thiệu sản phẩm du lịch trên mạng, thúc đẩy các phương tiện thanh toán qua điện thoại di động, số hóa các di sản...
Đối với các tiêu chí về môi trường kinh doanh, an ninh, vệ sinh, nhân lực, mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin, mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch, cạnh tranh về giá, bền vững về môi trường, hạ tầng hàng không, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa..., Việt Nam vẫn còn những tiêu chí xếp hạng rất thấp so với khung thế giới, nhất là yếu tố bền vững về môi trường. Hiện nay, ở tiêu chí này, Việt Nam đang xếp hạng 128 thế giới. Để khắc phục tình trạng này, ngành Du lịch Việt Nam cần tích cực cải thiện những điểm còn yếu. Đồng thời, mỗi người dân, mỗi địa phương cần có những hành động thiết thực để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường và xây dựng nếp sống văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.