(HNM) - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có một số điều chỉnh nhằm giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh (TS) và đơn vị tổ chức như: Thời gian thi được rút ngắn; TS dự thi ngay tại tỉnh, thành phố nơi cư trú; không có sự phân biệt cụm thi giữa TS chỉ xét tốt nghiệp THPT với TS vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển cao đẳng, đại học...
Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố sẽ chủ trì tổ chức một cụm thi dành cho tất cả thí sinh tại địa phương. Ảnh: Nhật Nam |
Trước băn khoăn, năm nay HS khá vất vả, thậm chí có phần thiệt thòi khi dự thi ở năm đầu tiên với hình thức trắc nghiệm, áp dụng với tất cả các bài (trừ ngữ văn), ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra học kỳ I của HS lớp 12 cho thấy, các em cơ bản nắm vững kiến thức và ôn tập tốt. Thời gian tới, các em tiếp tục phát huy, ôn tập trong chương trình lớp 12 theo hướng dẫn của giáo viên, không học tủ, học lệch và học thêm tràn lan; tham khảo các đề thi minh họa để có định hướng ôn tập tốt. |
Chỉ có một loại cụm thi
Một trong những thay đổi đáng chú ý tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là tại mỗi tỉnh, thành phố chỉ tổ chức một cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì, dành cho tất cả TS tại địa phương. Cách thức này cũng sẽ giải quyết được những cấn cá về sự phân biệt, không công bằng đối với TS chỉ xét tốt nghiệp THPT và TS thi ĐH, CĐ khi dành cho mỗi đối tượng TS một loại cụm thi như năm trước. Để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan trong khâu tổ chức thi, Bộ GD-ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ đến các cụm thi để phối hợp tổ chức thi. Như vậy, trong kỳ thi năm nay, giáo viên sẽ vất vả hơn, nhưng các TS và người nhà TS không phải đi xa, giúp giảm bớt áp lực và tốn kém.
Một thay đổi lớn khác là, thay vì tổ chức trong 4 ngày như năm trước, kỳ thi năm nay chỉ diễn ra trong 2 ngày rưỡi, từ ngày 22 đến ngày 24-6-2017, sớm hơn một tuần. Em Nguyễn Lan Anh, Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) cho biết, dù lịch thi được đẩy sớm hơn, song em và các bạn trong lớp không cảm thấy lo lắng quá, bởi đã được các thầy giáo, cô giáo chuẩn bị khá kỹ về tâm thế và kiến thức. Thời tiết tháng 6 cũng không quá nắng nóng như tháng 7.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng, việc điều chỉnh thời gian thi vào tháng 6 là hợp lý. Nhà trường đang triển khai chương trình học kỳ II, kết thúc chậm nhất vào ngày 25-5. Thời gian ôn tập từ thời điểm đó đến khi thi là vừa sức, không quá dài khiến học sinh (HS) căng thẳng, mệt mỏi.
Điểm mới thu hút sự quan tâm của TS tại quy chế thi vừa ban hành là, ngoài ba bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ), TS được lựa chọn dự thi cả hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để tăng thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ, đồng thời khuyến khích các em học tập toàn diện hơn.
Kiểm tra tập trung toàn thành phố vào tháng 3
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Quy chế thi THPT quốc gia, ngoài việc nghiên cứu, phổ biến nội dung quy chế đến từng HS, các nhà trường tại Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ ôn tập để các em tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi có chất lượng. Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để có thêm nguồn học liệu, HS được tập dượt nhiều hơn với các bài thi theo cấu trúc đề thi minh họa, Hà Nội đã tổ chức cho giáo viên thiết kế đề kiểm tra và đã có 150 đề kiểm tra các môn được gửi về Sở GD-ĐT. Các đề này sẽ được thẩm định, bổ sung, hoàn thiện, sau đó tập hợp lại gửi về các nhà trường. Yêu cầu với giáo viên trong từng tiết dạy là cần chú ý vận dụng linh hoạt hình thức kiểm tra, đánh giá, chú trọng tới việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đối với các môn khoa học xã hội, giáo viên cần chú ý gắn bài học với các vấn đề thời sự của đất nước.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng, Hà Nội đang chuẩn bị kế hoạch để tổ chức cho HS lớp 12 toàn thành phố kiểm tra tập trung đối với các bài thi như với kỳ thi THPT quốc gia vào khoảng tuần thứ 3, tháng 3 tới. Các điểm thi dự kiến được bố trí tại các trường THPT hoặc liên trường; giám thị coi thi được đổi chéo giữa các đơn vị; bài thi được dọc phách, chấm tập trung… Kết quả của kỳ kiểm tra tập trung này là thước đo chung cho các cấp quản lý về chất lượng giáo dục từng trường, từ đó kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo tổ chức dạy học, ôn tập cho HS đạt hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.