Theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP, quận Hoàng Mai được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 9 xã thuộc huyện Thanh Trì. Hoàng Mai có diện tích 4104,10 ha, dân số 187.332 người. Từ ngày 1-1-2004 quận mới Hoàng Mai đã chính thức đi vào hoạt động. Để chào mừng sự kiện này, vào giao thừa tết Giáp Thân, tại khu đô thị Đền Lừ, đã rực sáng những chùm pháo hoa nhiều màu sắc...
Khu đô thị mới ĐịnhCông
thuộc quận mới Hoàng Mai.
Ảnh: HNM
Quận Hoàng Mai có diện tích 4104,10 ha, dân số 187.332 người. Từ ngày 1-1-2004 quận mới Hoàng Mai đã chính thức đi vào hoạt động. Để chào mừng sự kiện này, vào giao thừa tết Giáp Thân, tại khu đô thị Đền Lừ, đã rực sáng những chùm pháo hoa nhiều màu sắc.
Cổ Mai (tục gọi là Kẻ Mơ) nằm liền kề cửa ô phía Nam của kinh thành Thăng Long. Đất Cổ Mai được khai phá từ rất sớm, theo dấu vết lịch sử, ngay từ 3000-4000 năm trước khu vực này đã có người sinh sống mà vết tích là một số công cụ như rìu đá, vòng đá tìm thấy trong khu mộ táng ở bờ sông Kim Ngưu và mộ thời Đông Hán tại gò Mã Vẽ nằm giữa hai làng Hoàng Mai và Tương Mai. Năm 1390, tướng Trần Khát Chân lập công lớn bắn chết Chế Bồng Nga trên sông Hải Triều (sông Luộc) cứu thành Thăng Long khỏi bị quân Chiêm tàn phá. Ghi nhớ công ơn của vị tướng trẻ tài ba, vua Trần Thuận Tông đã lấy ấp Cổ Mai phong thưởng cho Trần Khát Chân và Trần Hãng. Đất thái ấp Cổ Mai chạy từ cửa ô Cầu Dền, ô Đống Mác đến hai xã Trần Phú và Yên Sở, huyện Thanh Trì. Trải qua 7 thế kỷ, với bao nhiêu biến thiên của lịch sử, dấu vết thái ấp của Trần Khát Chân vẫn còn lưu giữ đậm nét ở nơi đây. Đó là việc các làng Tương Mai, Khuyến Lương, Yên Duyên thờ Trần Khát Chân làm thành hoàng làng. Ngày nay, trên đất Hoàng Mai còn một số địa danh liên quan đến các hoạt động kinh tế của thái ấp như Đống Sành, đồng Mui Trâu, đình Đụn. Trên cánh đồng Nghê còn nhiều con giống bằng đá, đó là nền phủ đệ của họ Trần. Về sau, dân cư đông đúc, Kẻ Mơ chia thành nhiều thôn: Hồng Mai (nay là phố Bạch Mai), Hoàng Mai, Mai Động, Tương Mai. Mỗi thôn chuyên sản xuất một loại mặt hàng và đều trở thành nổi tiếng. Hoàng Mai có rượu tiến vua được Nguyễn Trãi ghi trong sách Dư địa chí;Tương Mai có xôi lúa; Mai Động có đậu Mơ... Đất làng Hoàng Mai có nhiều di tích có giá trị về kiến trúc và lịch sử. Đó là chùa Nga Mi do Lý Đạo Thành khởi dựng từ triều Lý. Đình Hoàng Mai thờ Trần Hương (hay còn gọi là Trần Hãng) em của Trần Khát Chân. Cùng với các giếng cổ, ở thôn Đông có đình thờ Lý Đạo Thành. Tại đình Tương Mai có pho tượng Trần Khát Chân tạc bằng đá xanh và cuốn thần tích Cổ Mai bí ký.Bên dòng Lư Giang còn có đền thờ Phạm Thổ Tu và Phạm Ngưu Tất là hai tì tướng của Trần Khát Chân. Trước đây, hàng năm vào mùa thu, tại bến sông, các làng Hoàng Mai, Yên Duyên có tổ chức thi bơi chải. Trong lịch sử, Kẻ Mơ là vùng đất học. Vào triều Mạc, Tương Mai có hai vị đậu tiến sĩ. Trong các khoa thi hương của triều Nguyễn từ năm 1837 đến 1906, Hoàng Mai có 9 người đậu cử nhân. Riêng khoa thi năm 1879 họ Nguyễn ở thôn Đông có 3 người đậu cử nhân. Với ý nghĩa nhiều mặt, vừa qua theo đề nghị của thành phố, tên gọi Hoàng Mai đã được Chính phủ đặt tên cho một quận mới ở thủ đô.
Vào những ngày đầu xuân, dạo một vòng quanh quận mới Hoàng Mai, chúng tôi biết nơi đây còn nhiều di tích lịch sử văn hóa. ở làng Mai Động có đình thờ Tam Trinh, vị tướng, nhà giáo có công cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Tô Định. Tại đình các thôn của xã Vĩnh Tuy có đền thờ Nha Cát đại vương mà sự tích gắn liền với chiến công của vua Lê Thánh Tông những năm đi mở đất. Thời Hùng Vương, đất Vĩnh Tuy có tên gọi là Vĩnh Hưng. Khi trở thành phường để khỏi trùng tên với phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) xã Vĩnh Tuy đã trở về với tên gọi xa xưa là Vĩnh Hưng (có nghĩa là mãi mãi hưng thịnh). Từ đất Vĩnh Hưng, theo đường Lĩnh Nam, ta đến bến Thúy ái, nơi diễn ra trận đánh lớn của quân Tây Sơn đánh tan thủy quân Trịnh, mở đường tiến vào Thăng Long năm 1786. ở vùng quanh đầm Đại Từ, cả 7 làng (thuộc phường Đại Kim, Hoàng Liệt) đều có đền thờ Bảo Ninh Vương, học trò thủy thần của Chu Văn An, người đã nêu cao nghĩa khí với dân và truyền thống tôn sư trọng đạo. Đặc biệt ở thôn Khuyến Lương (phường Trần Phú) là nơi duy nhất của Hà Nội có đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Tiếp thu truyền thống hiếu học, trên đất địa linh đã sinh lắm người tài. Đó là dòng họ Bùi, quê ở Định Công, giữa thế kỷ XV đã đến lập nghiệp ở làng Thịnh Liệt. Khởi tổ họ Bùi là Bùi Xương Trạch (1451-1529) đậu tiến sĩ năm 1478 làm Thượng thư chưởng lục hộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông có bài Quảng văn đình ký.Con ông là Bùi Vịnh (1508-1545) đậu bảng nhãn năm 1532 làm tới Đông các đại học sĩ. Cháu 7 đời của ông là Bùi Huy Bích (1744-1818) đậu Hoàng giáp năm 1769 làm đến Tham tụng, soạn bộ Hoàng Việt thi văn tuyển. ở làng Kim Lũ (phường Đại Kim) có dòng họ Nguyễn. Khởi tổ là Nguyễn Công Thể (1683-1757) đậu Hội nguyên năm 1715, làm đến Tham tụng, Tế tửu Quốc Tử Giám, có công dàn xếp với nhà Thanh giữ nguyên vẹn đất đai ở biên giới phía Bắc. Thế kỷ XIX, họ Nguyễn có Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) giỏi thơ văn được tôn làm Thần Siêu. Ông là tác giả công trình kiến trúc phong cảnh độc nhất vô nhị ở nước ta, đó là Đài Nghiên Tháp Bút bên hồ Hoàn Kiếm.
Đất quận Hoàng Mai không chỉ là quê của nhiều danh nhân văn hóa, trong tiến trình phát triển, Hoàng Mai còn tạo dựng được nhiều nghề truyền thống. Đó là nghề làm quạt ở làng Lủ, nghề dát bạc ở làng Giáp Lục, nghề kim hoàn ở phường Định Công. Tại Định Công hiện có đền thờ ba anh em họ Trần là Tổ của nghề kim hoàn Việt Nam.
Trải qua năm tháng, biết gạn lọc tinh hoa, nhiều phường ở quận Hoàng Mai còn chế được các món ăn ngon, lâu nay đã trở thành đặc sản. Điều này được thể hiện rất rõ qua ca dao, ngạn ngữ Hà Nội:
- Nước vối Cầu Tiên, bún sen Tứ Kỳ.
- Rượu Kẻ Mơ, cá rô đầm Sét.
- Bún ngon bún mát Tứ Kỳ
- Pháp Vân cua ốc đồn thì chẳng ngoa.
Hoặc: - Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng.
Với phương châm lấy xưa phục vụ nay và biết phát triển trên nền văn hóa phong phú, hy vọng chẳng bao lâu nữa, Hoàng Mai sẽ trở thành một quận giàu đẹp và hiện đại của thủ đô.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.