Những năm gần đây, khi mạng xã hội trở thành một kênh giao tiếp quan trọng trong đời sống, chúng ta thường xuyên chứng kiến những cuộc tranh luận không có hồi kết của nhiều nhóm cư dân trên cộng đồng mạng.
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Đó có thể là những tranh luận xoay quanh chủ trương của một bộ, ngành, tổ chức nào đó. Như vụ tích hợp môn Sử của ngành giáo dục, vụ đại học Kinh công mở đào tạo ngành Y, vụ thay cây xanh của Hà Nội, hay gần đây nhất là cuộc tranh luận về chủ trương xây dựng đường phố kiểu mẫu ở thủ đô, việc ông Bob Kerrey đứng đầu đại học Fulbrihgt…
Đó cũng có thể là những cuộc tranh luận xoay quanh các danh hiệu, giải thưởng… của Nhà nước, của các hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Âm nhạc… thậm chí cả những cuộc tranh luận diễn ra như cơm bữa về những chuyện như hành xử xấc lấc của ca sĩ A với nhạc sĩ già B, hay chuyện đi với chồng người khác của ngôi sao C v.v. và v.v.
Chúng ta đều hiểu, tranh luận, theo cách đơn giản nhất là dùng những lý lẽ, quan điểm cá nhân để cùng nhau làm sáng tỏ sự thật, đúng sai về một vấn đề, một sự việc... Nó là một sinh hoạt bình thường trong cuộc sống. Những cuộc tranh luận lành mạnh tạo ra những góc nhìn, tiếng nói đa chiều, thúc đẩy sự tiến bộ.
Tuy nhiên điều thường thấy trong cuộc sống chúng ta, đặc biệt là trên báo chí và trên các trang mạng xã hội, các cuộc tranh luận thường nhanh chóng biến thành những cuộc cãi vã, thậm chí thành những xung đột.
Cuộc thì người tranh luận thiếu nhất quán trong lập trường quan điểm, đánh tráo khái niệm, khi không đủ lý lẽ để chiến thắng thì quay sang quy kết đối phương, nhân danh uy tín cá nhân người khác, nhân danh quyền lực tinh thần cộng đồng chụp mũ, quy kết biến những cuộc tranh luận trở thành những cuộc chỉ trích, đấu tố.
Cuộc thì thay vì việc nhằm vào lý lẽ của nhau để tranh luận, người ta lại nhằm vào nhau, dùng ngôn từ công kích, chì chiết, miệt thị nhau nhằm hạ thấp quan điểm của người đang tranh luận với mình, “Cả vú lấp miệng em”, biến cuộc tranh luận thành cuộc cãi vã, đụng độ cá nhân.
Thậm chí có cuộc, người tham gia tranh luận không thực sự hiểu vấn đề mình đang tranh luận, lý lẽ mơ hồ, “Ông nói gà bà nói vịt” dần dần dẫn đến xuyên tạc, bóp méo, vu khống người đang tranh luận với mình.
Không ít cuộc tranh luận đã trở thành những cuộc ẩu đả ngôn từ, gây “sát thương” cho người trong cuộc. Hậu quả là không những không làm sáng tỏ được vấn đề mà còn đem đến sự thù hận, những cuộc chia rẽ, tẩy chay nhau.
Một chủ trương gây tranh cãi xuất hiện, thay vì dùng lý lẽ, kiến thức để chỉ ra những thiếu sót, bất cập của nó, người ta lại quay ra chửi bới, miệt thị không chỉ những người đưa ra hoặc thực hiện chủ trương mà cả những người đang cùng tranh luận, kiểu “Cùng loài ăn hại thuế của dân nên mới nói thế!” .
Một vấn đề liên quan đến một cá nhân gây tranh luận, thay vì tìm lý lẽ riêng mà bàn luận một cách logic để làm sáng tỏ vấn đề, người ta lại quay sang suy luận cảm tính, chế diễu, mỉa mai, thậm chí bới móc quá khứ đời tư, những điều không liên quan đến chủ đề tranh luận, nhằm hạ thấp nhân cách, làm lu mờ quan điểm của đối tượng và của nhau.
Những kiểu tranh luận “ăn gian”, “đánh tráo” như khi người này nói “Tham nhũng là mặt trái của quyền lực”, lập tức người kia nói “nghĩa là theo ông làm quan thì được phép tham nhũng?”; Hay những câu nói kiểu “phán như Thánh!”, “Lại một anh hùng bàn phím!”, “Làm gì được cho đất nước mà to mồm thế?”, “Đừng nói nữa, cứ đi mà làm xem có được không!”… nhan nhản trong các cuộc tranh luận.
Tư duy cảm tính, ngụy biện, thói quen chỉ trích người khác, luôn mặc định là mình đúng… hay sự thiếu thiện chí, không đủ tôn trọng đối với người cùng tranh luận, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những ý kiến bất đồng với mình... Tất cả, đang làm nên một thứ văn hóa tranh luận đáng báo động hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.