Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những công nhân 4.0

Đan - Hiệp| 01/05/2018 07:29

(HNM) - Những người chúng tôi muốn nói đến là các công nhân đang làm việc tại hai nhà máy sản xuất điện thoại di động tầm cỡ thế giới ở Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT) của Công ty Samsung điện tử Việt Nam.


Phòng tập gym miễn phí tại ký túc xá của Công ty Samsung điện tử (Bắc Ninh).


Nhà máy của những kỷ lục

Thay vì cánh đồng lúa như 11 năm trước, khu vực Nhà máy SEV (xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) với 45 nghìn lao động đang làm việc hiện nay đã phát triển như một thành phố thu nhỏ. Đến thăm nhà máy vào một ngày cuối tháng 4-2018, được tham quan dây chuyền sản xuất, khu vực bếp ăn, chăm sóc sức khỏe, ký túc xá… chúng tôi mới hiểu, để quản trị được một đội ngũ nhân viên đông đảo như vậy thì điều đầu tiên cần làm đó là phải tạo được tác phong làm việc chuyên nghiệp ở tất cả các bộ phận, từ tổng giám đốc đến người tạp vụ. Mọi thứ ở đây đều ngăn nắp, quy củ và vận hành như một cỗ máy chính xác được lập trình sẵn và chuyên nghiệp như những nhà máy ở Hàn Quốc mà chúng tôi từng có dịp đến thăm.

Được biết, hai nhà máy SEVT, SEV gồm tổng cộng 110 nghìn công nhân, mỗi năm sản xuất khoảng 180 triệu chiếc điện thoại và máy tính bảng, xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Để “cỗ máy khổng lồ” đó vận hành trơn tru, với tuổi đời trung bình của công nhân là 23, đòi hỏi phải có cách tổ chức khoa học rất cao. Hằng ngày, hơn 160.000 suất ăn được phục vụ tại đây. Số thực phẩm được tiêu thụ là 17 tấn gạo, 20 tấn rau, 11 tấn thịt và cá, 10,5 tấn dưa hấu, 31.000 quả trứng. Cùng với đó là 800 chuyến xe buýt đưa đón nhân viên đi và về tại 2 nhà máy. Đặc biệt, nhà máy luôn có khoảng 4.000 nhân viên nữ đang mang thai; 9.000 nhân viên nữ đang nghỉ thai sản và 5.000 nhân viên đang nuôi con nhỏ… Được giới thiệu về “những con số biết nói” ấy, một đồng nghiệp đi cùng đoàn tươi cười thốt lên: “Ở đây không chỉ tự hào sản xuất ra những chiếc điện thoại “Made in Vietnam” bán ra toàn cầu mà còn là nhà máy sản xuất… nhiều em bé nhất Việt Nam”. Ngẫm ra thật đúng vậy!

Để hỗ trợ công nhân yên tâm sản xuất, ký túc xá với 30.000 chỗ ở đã được xây dựng tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Ở đây, mỗi công nhân chỉ phải đóng 50.000 đồng/người/tháng nhưng được sử dụng miễn phí rất nhiều tiện ích hiện đại: Phòng tập gym, phòng hát karaoke, phòng chiếu phim, phòng giặt là… Các phòng ở của công nhân đều được trang bị điều hòa nhiệt độ 24/24 giờ. Ở dây chuyền sản xuất, nhiều khu vực đã được bố trí thêm ghế ngồi, có phòng chức năng chuyên biệt để chị em phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ có thể nghỉ ngơi giữa ca nhằm bảo đảm sức khỏe.

Là lứa công nhân đầu tiên vào làm việc tại SEV từ năm 2008, Hoàng Văn Hùng (bộ phận cơ khí chính xác của SEV) cho biết: “Sở dĩ tôi gắn bó lâu như vậy bởi chế độ đãi ngộ ở đây tốt; được rèn luyện tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp”. Còn với Phạm Thị Hằng (bộ phận vỏ nhựa), Vi Thanh Hiền (bộ phận lắp ráp điện thoại) là những nữ công nhân đã gắn bó với SEV từ 7 đến 9 năm mà chúng tôi có dịp tiếp xúc thì họ đều mong muốn nhà máy sẽ phát triển hơn, ngày càng định vị được giá trị những sản phẩm “Made in Vietnam” trên bản đồ công nghệ thế giới.

Thay đổi để thích nghi

Sau 10 năm xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, đến nay, toàn bộ quy trình nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo những dòng điện thoại mới nhất của Samsung đều đã được thực hiện tại Việt Nam. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đã lên đến 57%. Đây là một nỗ lực lớn của các kỹ sư, công nhân Việt Nam tại hai nhà máy SEV, SEVT trong việc làm chủ các công nghệ hiện đại.

Bằng thời gian và những chính sách an sinh xã hội hiệu quả, đặc biệt là những chính sách ưu tiên đối với lao động nữ về chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi và bảo hiểm xã hội, Samsung đã cho thấy quyết tâm gắn bó lâu dài tại thị trường Việt Nam. Vì thế, chỉ trong khoảng 10 năm, số vốn đầu tư của Samsung hiện đã lên tới 17,363 tỷ USD, với các siêu dự án trải dài khắp lãnh thổ Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Samsung Việt Nam cho biết: Trong số 170 nghìn nhân viên tại tất cả các dự án của Samsung đang vận hành tại Việt Nam (Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh) thì có 30 nghìn người là kỹ sư; 10 nghìn là các nhân viên và 130 nghìn công nhân sản xuất. Xét về trình độ tay nghề của các nhân viên sản xuất thì 99% tương đương với công nhân Hàn Quốc. Còn với đội ngũ kỹ sư thì các bạn cần có thêm thời gian để học hỏi kinh nghiệm, vì trình độ ban đầu có thể đuối hơn so với bên Hàn Quốc, nhưng chỉ sau 1-2 năm thì kỹ năng nghề của các kỹ sư Việt Nam sánh ngang kỹ sư Hàn Quốc.

“Ở những năm đầu tiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, Việt Nam chỉ tham gia khâu cuối cùng khi sản xuất hàng loạt theo hướng dẫn chi tiết của chuyên gia Hàn Quốc. Còn bây giờ, ngay từ khâu thử nghiệm đầu tiên, chính những kỹ sư người Việt sẽ tiếp quản công nghệ từ đầu, tự nghiên cứu và sản xuất thử để cho ra những mẫu sản phẩm hoàn hảo trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt” - ông Bang Hyun Woo cho biết.

Để có được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề, Samsung cũng tạo điều kiện cho hàng nghìn nhân viên được học tập ngoại ngữ, nâng cao trình độ lên các hệ trung cấp và đại học. Hoàng Văn Hùng cho biết: “Gắn bó với SEV 10 năm, từ trình độ trung cấp và nay tôi đang theo học Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Những kiến thức thực tiễn và lý thuyết trên giảng đường sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi sau này, để có thể làm chủ nhiều công nghệ hiện đại hơn, đặc biệt là sức ép cạnh tranh chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, rô bốt đang đến rất gần”.

…Và với chúng tôi, những người được “mắt thấy tai nghe” nhiều điều khi tiếp xúc với Hùng, Hằng, Hiền và nhiều anh chị em công nhân khác tại SEV tin rằng, họ chính là những chủ nhân trực tiếp góp phần viết tiếp những “câu chuyện cổ tích” về sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ thế giới thời gian qua và giai đoạn tới. Đó là một thế hệ công nhân 4.0 mà chúng ta rất cần trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Sáng 29-4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Công ty Samsung Việt Nam tổ chức Vòng thi GSAT cho khoảng 4.000 kỹ sư và cử nhân tốt nghiệp đại học của Việt Nam được lựa chọn từ hơn 15.000 hồ sơ. GSAT là bài kiểm tra năng lực của Tập đoàn Samsung trên toàn cầu gồm ba phần cơ bản: Khả năng toán học, khả năng suy luận và tư duy bằng hình ảnh. Đây là vòng thi đầu tiên trong quy trình tuyển dụng nhân viên tốt nghiệp đại học của Tập đoàn Samsung trên thế giới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những công nhân 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.