Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những công dân KT2

ANHTHU| 16/12/2004 08:37

Trên tấm bản đồ vẽ tay được đặt giữa bàn làm việc, Trung tá Vũ Quang Thắng, Trưởng CA phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) chỉ cho chúng tôi cái góc nhọn của một hình tam giác, nhô thẳng vào đất của phường Văn Mỗ, thị xã Hà Đông (Hà Tây). Đó chính là khu vực 203 hộ dân, gồm 738 công dân của phường đang sinh sống trên địa bàn tỉnh bạn.

Trên tấm bản đồ vẽ tay được đặt giữa bàn làm việc, Trung tá Vũ Quang Thắng, Trưởng CA phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) chỉ cho chúng tôi cái góc nhọn của một hình tam giác, nhô thẳng vào đất của phường Văn Mỗ, thị xã Hà Đông (Hà Tây). Đó chính là khu vực 203 hộ dân, gồm 738 công dân của phường đang sinh sống trên địa bàn tỉnh bạn.

Lai lịch những hộ KT2

Ông Nguyễn Bá Duyên, Tổ trưởng tổ dân phố số 44 kể cho chúng tôi nghe về lai lịch của một số hộ KT2 trong tổ của ông: Trước họ công tác tại Cty Khảo sát thiết kế điện, thuộc Bộ Điện lực (nay là Cty Tư vấn xây dựng điện I), có trụ sở tại quận Đống Đa. Và họ cũng đăng ký thường trú tại quận Đống Đa. Sau cơ sở của Cty đã được phân cho đơn vị khác. Thế là họ khăn gói chuyển xuống khu vực đang ở bây giờ, thuộc phường Thanh Xuân Nam.

Nếu chỉ có vậy chắc đã không xảy ra sự rắc rối. Số là năm 1996, quận Đống Đa tách một phần để thành lập quận Thanh Xuân. Thế là những hộ thuộc diện “tản cư” trên bị rơi vào tình trạng: Người ở Thanh Xuân Nam, hộ khẩu Đống Đa (thực tế là do lúc đó các hộ không chịu chuyển khẩu về quận Thanh Xuân). Đã thế, khi Nghị định 364 về xác định địa giới hành chính ra đời, người ta cứ đo thẳng đường chim bay để phân chia ranh giới, dẫn đến tình trạng những người có hộ khẩu thường trú ở Đống Đa đăng ký tạm trú ở Thanh Xuân lại sống trên đất của tỉnh Hà Tây.

Những điều bất ổn

Nhiều hộ dân ở khu vực này cho biết, hằng tháng họ vẫn sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố và thực hiện mọi quyền công dân của mình tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, về mặt ANTT thì lại được phường Văn Mỗ của thị xã Hà Đông bảo đảm. Thế nên mới có chuyện, vào trung tuần tháng 9-2004, khi cả 2 bên cùng lơi lỏng một chút, lập tức con nghiện kéo về ùn ùn, hút chích ma túy ngang nhiên ở một số hẻm. Trước tình hình bức xúc của bà con, CA phường Thanh Xuân Nam đã lên kế hoạch vây bắt. Nhưng do thông tin bị lộ nên các đối tượng đều trốn mất.

Thực ra, nói họ là công dân của Thanh Xuân Nam cũng chưa hoàn toàn chính xác, bởi về mặt nhân khẩu thì do phường Thanh Xuân Nam quản lý, nhưng về mặt địa giới hành chính cũng như mọi mặt về ANTT thì lại do Văn Mỗ phụ trách. Theo cách gọi của cơ quan quản lý hành chính nhà nước thì những người chuyển đi nơi khác sinh sống mà chưa cắt hộ khẩu tại nơi đăng ký thường trú được gọi là KT2 đi. Với cách gọi như thế, vận vào thực tế của một số hộ dân đang sinh sống tại các tổ 42, 43, 44, 45, 46 của phường Thanh Xuân Nam vẫn chưa phải là KT2, nhưng lại được quản lý theo chế độ của KT2. Như thế cũng có nghĩa là mọi xác minh, xác nhận vẫn do CA Thanh Xuân đảm nhiệm.

Trung tá Phạm Văn Tàu, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính, CA quận Thanh Xuân cũng thừa nhận, trong một thời gian dài, CA quận Thanh Xuân vẫn quản lý những hộ dân trên theo diện KT2 đi. Nghĩa là họ là người có hộ khẩu ở Thanh Xuân Namnhưng đến ở tạm trú trên địa phận phường, xã khác. Như vậy cũng có nghĩa là những hộ dân ở đây muốn xin xác nhận vào sơ yếu lý lịch hoặc mọi thứ đơn từ gì đều phải trở về Thanh Xuân Nam. Thế nhưng cái khó không phải chỉ có vậy. Cũng bởi họ là KT2 nên theo quy định của Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CATP) và của UBND quận Thanh Xuân, CA Thanh Xuân chỉ được phép cho nhập hộ khẩu theo diện khai sinh mới, vợ theo chồng - chồng theo vợ hoặc bố, mẹ theo con và ngược lại. Ngoài ra thì chịu...

Theo Đại tá Đỗ Nghị, Phó giám đốc CA tỉnh Hà Tây thì không chỉ ở khu vực giáp ranh của Văn Mỗ và Thanh Xuân Nam có hiện tượng này. Hiện nay tại các khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và Hà Tây, có tới 173 hộ với 478 nhân khẩu có hộ khẩu thường trú tại Hà Đông đang sinh sống thường xuyên trên đất Hà Nội. Ngược lại, Hà Nội cũng có tới 1.471 hộ, 5.504 nhân khẩu đang sống trên địa bàn Hà Tây... Chính vì vậy, việc thống nhất về mặt nhà nước đối với quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tại các địa bàn giáp ranh là hết sức quan trọng và cần thiết, là yêu cầu chính đáng của những người dân đang sống ở những khu vực giáp ranh.

Chúng tôi là người Thanh Xuân Nam !

Bà Nguyễn Thị Khuôn, ở ngõ 5, tổ 44, phường Thanh Xuân Nam đã khẳng định với chúng tôi như vậy. Và đó cũng là lời khẳng định của hầu hết những hộ dân ở khu vực trên. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều hộ dân vẫn chưa nắm rõ, đó là nhiều hộ chỉ thuộc diện KT2 của Thanh Xuân Nam, nghĩa là có hộ khẩu thường trú ở cùng tỉnh (thành phố) và đã tạm trú dài hạn ở quận, huyện khác.

Bà Lại Thị Huệ là một ví dụ điển hình khi có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, hiện cũng thuộc KT2 tại Thanh Xuân Nam. Như vậy, nếu cái phần góc nhọn đó được chuyển giao cho phường Văn Mỗ (Hà Đông) quản lý toàn diện hay để Thanh Xuân Nam quản lý theo KT2 thì những hộ dân trên vẫn thuộc diện tạm trú. Cũng như những hộ thuộc phường Thanh Xuân Nam, ông Nguyễn Văn Dịp cho rằng, ít ra thì phải thống nhất giữa 2 địa phương để bên nào quản lý sẽ phải quản lý toàn diện, cả về hành chính, cả về ANTT.

Được biết, để đi đến thống nhất bên nào quản lý, giữa CA Hà Nội và CA Hà Tây đã có nhiều cuộc họp bàn song vẫn chưa đi đến thống nhất. Theo Trung tá Vũ Quang Thắng, không nhất thiết phải chuyển về Thanh Xuân Nam. Cái chính là cần sớm có quyết định để tránh sự chồng chéo, không bảo đảm về tình hình ANTT cũng như sinh hoạt của hơn 700 người dân đang sống trong cái “góc nhọn” kia. Đó cũng là mong muốn chính đáng của nhiều hộ dân KT2 trên.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những công dân KT2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.