LTS - Hàng chục con tàu
Bài 1: Hẩm hiu phận tàu
Trong lần cùng đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đi khảo sát trên luồng sông địa bàn thành phố mới đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt con tàu trọng tải hàng chục nghìn tấn neo đậu trên các luồng sông Sài Gòn đã bị hoen gỉ theo thời gian.
Tàu Trãi Thiên 86 hoen gỉ trên sông nước. |
Điểm danh những “đống sắt hoang”
Tại Cảng Phú Hữu (quận 9), hai con tàu Trãi Thiên 68 và 86 neo đậu tại luồng sông từ giữa năm 2011 và "án binh bất động" đến tận bây giờ. Không hoạt động, dầm mưa, dãi nắng trên sông nước suốt hơn 2 năm qua, hai con tàu đã xuống cấp nghiêm trọng, thân tàu bị gỉ sét nặng. Theo cơ quan chức năng, tàu Trãi Thiên 68, 86 là loại tàu chở hàng khô, nặng hơn 3.000 tấn do Công ty cổ phần Đông Thiên Phú Miền Nam (trụ sở tại huyện Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh) quản lý. Tuy nhiên, đến nay chủ tàu vẫn để hai con tàu trị giá "triệu đô" dần biến thành đống sắt hoang phế trên sông nước.
Trong số những con tàu neo đậu lâu ngày phải kể ngay đến tàu Blue Viship trọng tải gần 12.500 tấn (do Công ty cổ phần Vận tải biển Viship quản lý). Neo đậu tại luồng sông Soài Rạp (huyện Nhà Bè) từ cuối tháng 12-2011 đến nay mà tàu vẫn… chưa thấy "nhúc nhích". Máy chính, máy đèn, tời dây, tời neo và nhiều trang thiết bị hàng hải của tàu hiện không hoạt động được. Tương tự, tàu Vinashin Bay trọng tải hơn 20.000 tấn (do Công ty TNHH MTV Hàng hải Viễn Đông quản lý) cũng đã neo đậu từ tháng 6-2010 đến nay. Do không hoạt động nên các bộ phận như: Máy chính, máy đèn, tời dây, tời neo và trang thiết bị hàng hải đều tê liệt. Đáng lưu ý là tàu Sông Gianh được đóng mới tại Việt Nam và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines) từ năm 2008 với trị giá 400 tỷ đồng, chỉ mới chở được 1 chuyến hàng từ Quảng Ninh vào TP Hồ Chí Minh đã "nằm nghỉ" tại phao B.Mar 02 trên sông Sài Gòn từ ngày 13-12-2008 tới nay. Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh, hiện có 12 con tàu đang neo đậu dài ngày tại các luồng sông trên địa bàn thành phố. Trong đó có một số con tàu nặng hàng chục nghìn tấn, với thời gian neo đậu ít nhất cũng vài năm và… chưa biết bao giờ mới được khai tử.
Không riêng TP Hồ Chí Minh, tại tỉnh Đồng Nai, tròn 5 năm qua (từ tháng 10-2008), ụ nổi Dock M83 vẫn nằm chình ình mặc cho sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng trên thượng lưu sông Thị Vải. Ông Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai cho biết, Dock M83 có thông số kỹ thuật GRT 21140, dài 171 mét, rộng 41 mét, cao 21,5 mét và nặng gần 29.000 tấn, thuộc chủ sở hữu của Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (địa chỉ tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). "Đến nay con tàu vẫn nằm "chết" và không biết bao giờ mới di dời được", ông Trọng xót xa.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, từ 4 năm nay (cuối tháng 5-2009), con tàu Vinashin Atlantic trị giá 910 tỷ đồng đậu cách vị trí mũi Vũng Tàu 6 hải lý vẫn nằm yên, nhiều trang thiết bị máy móc không thể hoạt động được. Điều đáng nói, chủ tàu là Công ty TNHH Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) gần như bỏ không, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Nợ hàng chục tỷ đồng
Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, đối với tàu Vinashin Atlantic, trong 4 năm qua đã nợ khoảng hơn 15 tỷ đồng phí neo đậu. Hiện công ty đã mất khả năng trả nợ và vừa rồi công ty này đã kiến nghị được Bộ Tài chính miễn phí neo đậu đến hết tháng 7-2013. Còn những tháng trở lại đây công ty hứa sẽ trả đầy đủ phí neo đậu và sớm thực hiện thủ tục bán tàu trong tháng 10. Tuy nhiên, đến thời điểm này tàu vẫn bất động, khoản nợ tiếp tục nặng thêm.
Đáng nói hơn, hiện có khoảng 6 thuyền viên trên tàu vẫn chưa được trả đồng lương nào trong thời gian qua, trong khi điều kiện sống của họ trên tàu rất khổ cực. Tàu không có dầu, không có điện, tất cả các thiết bị đều mất khả năng hoạt động, một ngọn đèn cũng không thể thắp sáng, thậm chí nguồn nước sinh hoạt cũng không có. Trung bình mỗi tháng, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đều phải tiếp tế lương thực và đồ uống cho các thuyền viên trên tàu, nếu không thì các thuyền viên này rơi vào tình trạng đói khát dài ngày. "Có thể nói, chủ tàu bây giờ buông cho các cơ quan chức năng. Các thuyền viên nhiều lần gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu. Còn Cảng vụ đã gửi văn bản không dưới 10 lần, yêu cầu các chủ tàu giữ tàu an toàn và lo cho đời sống thuyền viên được đầy đủ, đồng thời sớm có phương án phán quyết đối với con tàu", ông Chiến bức xúc cho biết.
Trên luồng sông Đồng Nai, ụ nổi M83 của Vinalines cũng là một biểu trưng của sự lãng phí lớn. Ụ nổi M83 được Vinalines mua từ năm 2008 và sửa chữa với tổng chi phí 480 tỷ đồng, đến nay cũng đang trong tình trạng không thể hoạt động. Ông Đỗ Văn Sâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai cho biết, hiện phía Vinalines chưa thanh toán khoản nợ hơn 22 tỷ đồng thuê các dịch vụ cho tàu này nên Cảng Đồng Nai đã chấm dứt hợp đồng, ngưng cung cấp dịch vụ và yêu cầu Vinalines di dời ra khỏi vùng nước của cảng. Tuy vậy, đến nay ụ nổi này vẫn nằm bất động do phía Vinalines không có kinh phí.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm qua đã làm cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sụt giảm, từ đó dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực vận tải của đội tàu biển, nhiều tàu không được đưa vào khai thác phải nằm chờ dài ngày. Ngoài ra, những vướng mắc của chủ tàu và các tổ chức tài chính tín dụng không được giải quyết kịp thời hoặc qua thời gian dài chưa có hướng giải quyết khiến tàu phải neo đậu dài ngày. Điều này khiến cho các chủ tàu mất dần khả năng chi trả và làm cho các khoản nợ ngày càng tăng lên.
Môi trường bị đầu độc
Những con tàu này đa phần chỉ hoạt động được vài ba lần rồi sau đó trở thành một đống phế liệu trên các luồng sông, luồng biển. "Điều đáng nói, mỗi ngày qua đi, nước biển gặm nhấm dần con tàu, không chỉ gây mất an toàn hàng hải mà các đống gỉ sét này còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh lo lắng.
Trong chuyến khảo sát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng thừa nhận khó có thể lường hết nguy cơ ô nhiễm từ những con tàu bị bỏ hoang này. Tại 2 con tàu Trãi Thiên 68 và 86 đang neo đậu tại Cảng Phú Hữu (quận 9), nguồn nước và mưa gió đang gặm nhấm dần thân tàu, các lớp sơn, lớp gỉ sét đang được trôi thẳng xuống nước, khiến cả một vùng nước chuyển sang màu vàng đục và trôi đi khắp luồng sông. Cũng tại huyện Nhà Bè, hai con tàu Shipmarin 09 và 10 do Công ty TNHH MTV Vận tải Shipmarine quản lý cũng nằm "đắp chiếu" 3-5 năm nay. Các lớp sơn của thân tàu hiện đã bị bào mòn gần hết, gỉ sét tiếp tục đổ xuống sông. "Nếu 2 con tàu này vẫn tiếp tục không được nhòm ngó đến thì nó vẫn tiếp tục nằm đó. Vì thế, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cần được xem xét và có phương án giải quyết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái", lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cảnh báo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.