Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chuyện chưa biết về bộ phim “Biệt động Sài Gòn”

ANHTHU| 01/05/2005 07:46

Hơn 20 năm trước, bộ phim “Biệt động Sài Gòn” (BĐSG) của đạo diễn Long Vân ra mắt và ngay lập tức đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả trên cả nước. Dựa vào những nguyên mẫu có thật, BĐSG kể lại những câu chuyện đã xảy ra khi miền Nam còn đầy những dấu giày và tiếng súng của quân xâm lược. Họ là những chiến sĩ biệt động thành kiên trung gan dạ, sẵn sàng ôm vũ khí tấn công vào tận sào huyệt địch.

NSƯT Thanh Loan trong vai ni cô Huyền Trang trong BĐSG

Hơn 20 năm trước, bộ phim “Biệt động Sài Gòn” (BĐSG) của đạo diễn Long Vân ra mắt và ngay lập tức đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả trên cả nước. Dựa vào những nguyên mẫu có thật, BĐSG kể lại những câu chuyện đã xảy ra khi miền Nam còn đầy những dấu giày và tiếng súng của quân xâm lược. Họ là những chiến sĩ biệt động thành kiên trung gan dạ, sẵn sàng ôm vũ khí tấn công vào tận sào huyệt địch.

Sau này, bộ phim còn được công chiếu rất nhiều lần vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, kịch bản bộ phim này bắt nguồn từ loạt ký sự dài 30 kỳ miêu tả về những chiến sĩ biệt động lừng danh gắn liền với những chiến công huyền thoại của họ đăng trên báo Quân đội nhân dân ngay sau ngày giải phóng của một phóng viên chiến trường: Nhà báo Nguyễn Thanh.

Năm đó, theo sự phân công của cấp trên, nhà báo Nguyễn Thanh đi máy bay vào Biên Hòa, đến Giầu Dây rồi nhập vào một đơn vị biệt động cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ông đã được tận mắt chứng kiến sức tiến công dũng mãnh của quân dân ta, những hy sinh mất mát của anh em đồng chí, cũng như sự tàn bạo của kẻ thù khi ngăn chặn bước tiến công của quân ta. Sau giải phóng, công việc còn ngổn ngang, nhà báo Nguyễn Thanh phải tìm đủ mọi cách mới gặp được những chiến sĩ biệt động thành đánh giỏi nhất. Đó là các anh Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu, vào phim đổi thành Tư Chung), Bảy Bê (tức Nguyễn Thanh Xuân, vào phim đổi thành Sáu Tâm), các anh Ba Đen, Ba Náo, Ba Nhân... Ông cũng gặp cả ni cô Huỳnh Liên, là nguyên mẫu nhân vật ni cô Huyền Trang xinh đẹp, dũng cảm. Ông Tư Chu nguyên là Phó tư lệnh BĐSG ở nội đô, nhưng sống cùng với dân để chỉ huy cả một mạng lưới biệt động. Nhà báo Nguyễn Thanh cho biết Tư Chu là người đàn ông có hình dáng bình thường chứ không cao to, sang trọng như diễn viên Quang Thái khi vào vai này. Chính vì vậy, ông mới “lẫn” vào dân để “mai danh ẩn tích” chỉ huy chiến dịch cho đến ngày toàn thắng. Nhà báo Nguyễn Thanh cho biết: “Tư Chu không phải là một ông chủ hãng sơn nào cả, mà phần ấy tôi đã lấy nguyên mẫu từ một ông chủ hãng sơn Bạch Tuyết - một nhà tư sản nhưng có tấm lòng ủng hộ cách mạng để “ghép” vào thành nhân vật Tư Chung mang màu sắc điện ảnh đặc sắc như khán giả từng biết. Còn ni cô Huyền Liên ngoài đời cũng là một phụ nữ đẹp. Ni cô là người đã giúp đỡ đơn vị do Nguyễn Thị Tám A chỉ huy đánh nhiều trận hay, nhưng sự mất mát hy sinh cũng nhiều không sao kể xiết”.

Ngày ấy, khi giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thanh, Ban biên tập báo Quân đội Nhân dân còn lo ông không đủ sức tái hiện (vì tuổi còn trẻ), và vì đó là một đề tài khó, nhiều đầu mối liên quan đến người còn người mất nên tài liệu rất ngổn ngang. Trong mấy tháng trời, ông đã lặn lội tới các địa danh như: Đồng Tháp, Củ Chi, Tây Ninh... cùng ăn, cùng ngủ và cùng nhậu với các cựu binh biệt động để tìm kiếm, khai thác tài liệu. ấn tượng nhất đối với ông khi đó là sự thông minh, mưu trí của những người chiến sĩ hoạt động trong điều kiện gian khổ, mà vẫn duy trì kỷ luật chiến đấu rất chặt chẽ. Ở đó, Nguyễn Thanh cũng được nghe kể chuyện về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng nuôi giấu cả một đơn vị biệt động, cất giấu hàng chục tấn vũ khí, đạn dược. Bên cạnh đó là những nhà tư sản nhưng có tấm lòng yêu cách mạng, đã có những đóng góp vật chất không nhỏ. Trải qua những chuyến đi thực tế gian khổ, cuối cùng nhà báo Nguyễn Thanh cũng có được một kho tư liệu quý giá mang về Hà Nội. Rồi sau đó nghiên cứu, chọn lọc, ráp nối các sự kiện, các công việc lại và viết một tháng trời được tới 20 kỳ. Sau đó, theo yêu cầu của đồng chí Trần Công Mân, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân lúc ấy, ông phải viết “đuổi” hơn chục kỳ nữa. Ngày nào cũng mải miết viết rồi lập tức đưa đi nhà in. Thậm chí sửa bản bông cũng phải tiến hành ngay tại nhà in. Ký sự này khi đó đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

30 năm đã trôi qua, nhưng bây giờ nhắc lại, nhà báo Nguyễn Thanh lại bồi hồi, bởi ông cảm động trước cảnh công nhân nhà in cứ dán mắt vào đọc tác phẩm của mình. Sau này, khi chuyển thể thành kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”, ông có gia cố thêm đôi chút tư liệu về cuộc đời của mỗi nhân vật cho phù hợp. Và từ đó đến nay, “Biệt động Sài Gòn” đã được công chiếu rộng rãi trên Đài truyền hình Trung ương mỗi dịp tháng 4 về...

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyện chưa biết về bộ phim “Biệt động Sài Gòn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.