Tăng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2023; sửa quy định về các trường hợp lĩnh bảo hiểm xã hội một lần; tiếp tục bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với một số viên chức… là những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2023.
Tăng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2023
Để bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở các thời kỳ trước, hằng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều điều chỉnh lại mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (còn gọi là hệ số trượt giá).
Có hiệu lực từ ngày 20-2-2023, Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH đã công bố hệ số trượt giá mới như sau:
Bảng 1: Đối với người tham gia BHXH bắt buộc
Bảng 2: Đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Hệ số trượt giá năm 2023 đã được điều chỉnh tăng đáng kể so với năm 2022. Tăng mạnh nhất là hệ số trượt giá tính cho giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995 (tăng 0,16). Còn các giai đoạn khác hầu hết cũng được điều chỉnh tăng hệ số trượt giá với mức thấp nhất là 0,03 (trừ năm 2021 và 2022 do không tăng).
Mặc dù đến tháng 2, Thông tư 01 mới có hiệu lực nhưng các hệ số trượt giá được quy định tại thông tư này được áp dụng luôn cho các trường hợp hưởng chế độ BHXH từ ngày 1-1-2023.
Sửa quy định về các trường hợp lĩnh BHXH một lần
Có hiệu lực từ ngày 15-2-2023, Thông tư 18 năm 2022 của Bộ Y tế đã sửa hướng dẫn về các trường hợp mắc bệnh được hưởng (BHXH 1 lần. Theo đó, người lao động sẽ được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong hai diện sau:
- Đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trước đây, người lao động thuộc trường hợp này còn phải đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
- Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
Tiếp tục bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với một số viên chức
Tháng 2 này cũng đánh dấu thời điểm chính thức hiệu lực của loạt thông tư mới điều chỉnh về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của một số viên chức như sau:
- Đối với kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động; kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động; kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động áp dụng theo Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 13-2-2023.
- Đối với viên chức thiết bị, thí nghiệm áp dụng theo Thông tư 21/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12-2-2023.
- Đối với viên chức giáo vụ áp dụng theo Thông tư 22/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12-2-2023.
Thống nhất mức thu phí đăng ký cư trú trên cả nước
Thông tư 75/2022/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú, có hiệu lực kể từ ngày 5-2-2023. Theo đó, việc thu lệ phí đăng ký cư trú trên toàn quốc sẽ được áp dụng chung theo mức sau đây mà không có sự phân biệt giữa các tỉnh, thành.
- Đăng ký thường trú: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 20.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 10.000 đồng/lần đăng ký.
- Đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú (cá nhân, hộ gia đình): Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 15.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 7.000 đồng/lần đăng ký.
- Đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 10.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 5.000 đồng/lần đăng ký.
- Tách hộ: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 10.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 5.000 đồng/lần đăng ký.
Trước đó, mức thu lệ phí đăng ký cư trú do HĐND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc mức đăng ký cư trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.
Hướng dẫn mới về mức ngoại tệ cá nhân được phép chuyển ra nước ngoài
Có hiệu lực cùng ngày với Thông tư 18 của Bộ Y tế (ngày 15-2-2023), Thông tư 20/2022/TT-NHNN đã có những hướng dẫn cụ thể về hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Theo đó, cá nhân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều như học tập, chữa bệnh, công tác, trợ cấp cho thân nhân… nhưng bị giới hạn ở mức sau:
- Ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích học tập, chữa bệnh: Căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.
- Ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích đi công tác, du lịch, thăm viếng: Căn cứ nhu cầu hợp lý của cá nhân và đảm bảo số tiền trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người tại nước ngoài.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài: Căn cứ vào thông báo của phía nước ngoài.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp thân nhân đang ở nước ngoài:
+ Các ngân hàng được phép quyết định trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ.
+ Mức ngoại tệ mua, chuyển trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền thừa kế: Căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích định cư ở nước ngoài: Căn cứ vào giá trị tài sản hình thành trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư.
Ba nhóm công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan nhà nước
Thay thế cho Nghị định 68 năm 2000 kể từ ngày 22-2-2023, Nghị định 111/2022/NĐ-CP đã có những sửa đổi liên quan đến các công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Theo đó, các công việc này được chia thành 3 nhóm, bao gồm:
1- Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm:
- Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp thuộc nhóm (2).
- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức.
2- Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm:
- Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan.
- Lái xe phục vụ bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.
- Người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.
3- Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Tương ứng với các công việc trên, lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước cũng chỉ được ký một trong hai loại hợp đồng là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.
Trước đây, còn có thể ký hợp đồng thuê khoán tài sản; hợp đồng kinh tế và các loại hợp đồng khác.
Không giảm giá vé xem phim cho người già, trẻ em bị phạt đến 10 triệu đồng
Thêm một chính sách mới có hiệu lực tháng 2-2023 là việc xử phạt đối với các cơ sở điện ảnh không miễn giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác.
Theo Nghị định 128/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15-2-2023), rạp chiếu phim vi phạm sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Ngoài ra, Nghị định 128 năm 2022 cũng tăng mạnh mức phạt đối với một số vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh:
- Sản xuất phim có nội dung tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác: Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 10-20 triệu đồng).
- Sản xuất phim có nội dung kích động bạo lực, thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân: Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 30-40 triệu đồng).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.