Pha trộn xăng, làm giả niêm chì xe bồn, gắn chíp điện tử điều khiển từ xa... là những chiêu giới kinh doanh bất chính thường sử dụng để
Chip điện tử được cơ quan chức năng lấy ra từ một trong 6 cột bơm xăng tại 2 cửa hàng thuộc Công ty CP Chất đốt Hà Nội hôm 24/12. Ảnh: Sơn Dương |
Gắn chip điện tử điều khiển từ xa
Đây là chiêu gian lận phổ biến được các cửa hàng sử dụng để thay đổi chỉ số trên trụ bơm. Việc gắn chip điện tử tại cột bơm khiến cho lượng xăng thực tế mà khách hàng nhận được ít hơn so với số hiển thị trên đồng hồ.
Mới nhất ngày 24/12, lực lượng liên ngành của Hà Nội kiểm tra 2 cây xăng trên đường Trần Khát Chân và Yên Viên, thuộc quản lý của Công ty CP Chất đốt Hà Nội và phát hiện tại mỗi cây xăng đều có 3 cột bơm và cả 3 cột đều gắn chip nhằm gian lận xăng của khách hàng.
Khi đoàn kiểm tra ập tới, các nhân viên vẫn đang bơm xăng cho khách hàng. Tổ công tác phát hiện một nhân viên dùng thiết bị điều khiển từ xa để điều khiển chíp gắn trong cột bơm. Với thủ đoạn này, cứ bơm 20 lít xăng cây xăng ăn gian được một lít.
Điều đáng nói, đây không phải là "sự cố" dùng chip gian lận đầu tiên xảy ra tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty CP Chất đốt Hà Nội. Hồi 2009, cửa hàng xăng dầu Kim Giang (Thanh Xuân) đã bị đoàn kiểm tra liên ngành thành phố phát hiện gắn chip điện tử làm sai lệch chỉ số đồng hồ.
Bơm nối, bấm cò
Theo đó, các nhân viên bán xăng lợi dụng sự lơ là mất tập trung nhiều khách hàng để bơm nối số nhiều xe liên tiếp, đồng hồ cột bơm xăng chạy đến con số lớn và rất lẻ, khách khó kiểm soát.
Ngoài ra, chiêu ăn gian bấm cò được nhân viên bán hàng áp dụng cho những khách hàng đổ xăng theo số tiền chẵn như 30.000, 40.000, 50.000 đồng… nếu có sự can thiệp bằng kỹ thuật (tương tự sử dụng chip) vào cột bơm. Nếu khách hàng vào cây xăng yêu cầu đổ 50.000 đồng thì khi đổ tới 30.000 đồng, nhân viên bán xăng chỉ cần bấm cò hai lần lập tức số tiền sẽ nhảy lên 50.000 đồng.
Hồi năm ngoái, một số cây xăng trên đường Minh Khai, Phạm Văn Đồng hay Nghiêm Xuân Yêm (Hà Nội) cũng đã bị người dân phanh phui chiêu gian lận này trên các diễn đàn.
Một người bơm một người bấm số
Theo phản ánh của nhiều độc giả tại một số cửa hàng đồng hồ báo tổng số tiền thay đổi chỉ số nhanh đến mức chỉ trong tích tắc. Anh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đã từng chứng kiến đồng hồ tại một cây xăng trên đường Trần Khát Chân dừng ở tổng số tiền 12.340 đồng nhưng rất nhanh “biến” thành tổng số 20.000 đồng đã cài đặt từ trước. “Cú nhảy” tiếp theo thậm chí còn ngoạn mục hơn khi tổng số 38.220 đồng trở thành 50.000 đồng trong một giây.
Trong khi đồng hồ hiển thị một cách khó hiểu thì sự xuất hiện cùng lúc của hai nhân viên tại một vòi bơm, thay vì mỗi người phụ trách một vòi khiến anh phải đặt nghi vấn cửa hàng xăng dầu gian lận. Do gặp tình trạng này nhiều lần, anh Hưng đã đôi co với cửa hàng song không có sự thay đổi buộc vị khách này phải quay lại video để chứng thực. Khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp này thừa nhận việc một người bơm và một người khác bấm số là hoàn toàn sai quy chế.
Pha trộn xăng
Cuối năm 2011, người tiêu dùng TP HCM hoang mang khi 11 địa điểm bán xăng gian lận được Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố công bố, nhiều nơi chỉ số octan của xăng RON 92 chỉ nhỉnh hơn xăng RON 83. Đây là hình thức pha xăng gian lận diễn ra phổ biến lâu nay. Nhiều điểm bán xăng đổ trực tiếp xăng RON 83 vào bồn RON 92, người mua khó phân biệt dù hai loại xăng này có màu khác nhau.
Kiểm tra tại một cơ sở tại quận 12 cho thấy trong bồn RON 92 của cây xăng này tồn 1.300 lít, mẫu kiểm tra cho thấy chỉ số octan chỉ đạt 83,4. Chủ doanh nghiệp từ chối cho biết lý do mà chỉ thừa nhận đã hủy toàn bộ số hàng sai phạm trên và bơm vào loại xăng đúng chất lượng.
Làm giả niêm chì xe bồn
Xe bồn vận chuyển hàng cũng tạo ra nhiều cơ hội để giới "ăn xăng" kiếm lời. Có nhiều cách để lái xe bồn ăn chặn xăng. Để rút bớt nhiên liệu, nhà xe làm hầm phụ trong bồn xăng. Thông thường bồn xăng được thiết kế với các bồn nhỏ có vách ngăn, khoảng trống ở các vách ngăn để giảm áp lực cho xăng khi lưu thông trên đường. Chính khoảng trắng giữa các vách ngăn, tài xế sẽ khoan để tạo kẽ hở rút trộm xăng xuống hầm phụ. Thậm chí nhiều chủ xe đã tháo hẳn niêm chì ở nắp bồn để rút xăng, sau đó bơm xăng kém chất lượng vào bù lại và sử dụng niêm chì giả.
Găm hàng chờ tăng giá
Do nắm được chu kỳ điều chỉnh giá bán, trước thời điểm tăng giá, hiện vẫn còn không ít cửa hàng chủ yếu là tư nhân viện lý do mất điện, sửa chữa máy móc, hết hàng để dừng bán xăng, găm hàng chờ tăng giá trục lợi.
Dù cơ quan quản lý đã có chế tài với các mức phạt tiền đối với hành vi “găm hàng”, từ 10-15 triệu đồng, có thể tăng lên 30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm. Nhưng trên thực tế, hiện tượng các cây xăng từ Nam ra Bắc đồng loạt thông báo “hết hàng”, “mất điện” có thời điểm diễn ra phổ biến trước mỗi dịp xăng dầu “nhấp nhổm” tăng giá.
Về vụ việc tại 2 cửa hàng của Công ty CP Chất đốt Hà Nội cũng như tình trạng gian lận xăng dầu, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết đã phối hợp và đề nghị Cục Quản lý thị trường có biện pháp xử lý về hành vi gian lận thương mại. Vị này cũng cho biết thêm, hiện nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng đã rất cụ thể với hành vi vi phạm lần đầu và tái phạm. Cụ thể, hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng, cùng với đó là tước giấy phép kinh doanh trong thời gian 1-6 tháng và toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sẽ phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Nguyễn Trọng Tín cũng khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị ở dưới tiến hành rà soát, xử lý với vi phạm này. Tuy nhiên, ông Tín không nói rõ biện pháp xử lý và thời hạn cụ thể. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.