Khoảng 60% não của bé được cấu thành từ chất béo. Chất béo giúp ngăn cách các dây thần kinh, cải thiện khả năng học tập cũng như phát triển chức năng của mắt.
Không những thế, chất béo còn cung cấp năng lượng và giúp cơ thể hấp thu vitamin. Điều quan trọng là cha mẹ không được hạn chế lượng chất béo cho con trong hai năm đầu đời vì đó là lúc bộ não của bé phát triển rất nhanh.
Trong những năm đầu đời, trẻ tăng trưởng và phát triển nhanh cả về thể chất và tinh thần. Trọng lượng cơ thể trẻ tăng gấp đôi sau 6 tháng, tăng gấp 3 sau một năm và gấp 4 lúc 2 tuổi. Trọng lượng não cũng tăng nhanh sau khi sinh: lúc sinh não chỉ nặng 350g, lúc 1 tuổi nặng gấp 3 lần (khoảng 1.100g). Não bộ và các mô thần kinh đặc biệt giàu chất béo.
Với trẻ dưới 1 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp phải trên 40% với trẻ 1-2 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp khoảng 30-35% tổng năng lượng khẩu phần. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ vì trong sữa mẹ hàm lượng chất béo cao lại giàu DHA và EPA là những axit béo đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bộ não trẻ.
Sau 6 tháng, khi trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) cần sử dụng phối hợp cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật trong bữa ăn cho trẻ.
Hãy cung cấp đủ cho bé 3 nguồn chất béo sau đây:
1. Sữa mẹ và sữa bột
Trong 6 tháng đầu đời, bé nhận được tất cả các chất béo cơ thể cần từ sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa chất béo mà người mẹ có được thông qua chế độ ăn uống của bản thân. Ngoài sữa mẹ, sữa công thức cũng được bổ sung những chất béo thiết yếu. Khi bé bắt đầu ăn thức ăn rắn, bé vẫn tiếp tục nhận được lượng chất béo quan trọng từ sữa mẹ và sữa bột trong năm đầu tiên.
2. Các sản phẩm khác
Sữa bò là một nguồn chất béo dồi dào khi bé được 12 tháng tuổi. Sữa chua và phômai miếng nhỏ cũng là những nguồn chất béo hữu ích cho bé. Bên cạnh đó, chất béo còn được tìm thấy trong thức ăn thực vật như dầu ăn. Bạn nên thường xuyên khuấy một lượng nhỏ dầu olive vào thức ăn đã nghiền dành cho bé.
Quả bơ cũng là nguồn chất béo phong phú. Vì vậy, hãy thử nghiền quả bơ chín với một cái thìa và cho em bé của bạn thưởng thức.
3. Cá và thịt
Cá là nguồn chất béo lành mạnh. Tuy nhiên, cần tránh cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá cờ... Cung cấp cho bé những loại cá chứa thủy ngân thấp, như cá hồi, hai lần một tuần. Hãy chắc chắn rằng cá là không xương và được nghiền hoặc xay nhuyễn.
Thịt là nguồn chất béo bão hòa, có thể có hại với số lượng lớn. Bạn có thể cung cho bé loại thịt màu đỏ, thịt gia cầm được nghiền nhỏ, khi bé có thể ăn một mình. Hãy cân bằng chế độ ăn uống của bé với các nguồn chất béo còn lại.
Lưu ý: Mặc dù bạn không cần hạn chế lượng chất béo cho bé nhưng không nên cho con tiêu thụ quá nhiều đường hoặc muối. Hạn chế chất béo và đường không lành mạnh được tìm thấy trong loại bánh quy, bánh trộn chocolate và các loại thực phẩm như cốm xào thịt gà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.