(HNM) - Hình ảnh tuyệt đẹp
Nhiều thế hệ cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt 8-3 còn nhớ tới niềm vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện chiều 8-3-1965. Người ân cần nhắc nhở mỗi cán bộ, công nhân viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xây dựng Thủ đô… Khi đế quốc Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội những đôi tay mềm mại quen nối chỉ, xe sợi, cầm thoi, dệt vải… đã buộc phải cầm súng. Hệ thống phòng không lập tức được triển khai nhanh chóng. Từ các cửa phân xưởng, hệ thống hào giao thông được xây bằng gạch chắc chắn, đường hào chữ chi chạy xung quanh nhà máy; khi có báo động, công nhân xách súng chạy theo hào giao thông đến trận địa. Năm 1966, nhà máy tổ chức được một tiểu đoàn tự vệ gồm 5 đại đội, 134 trung đội, 2 tiểu đội trực thuộc; bộ phận hành chính tổ chức các đội công binh, hóa học, cứu sập, cứu thương, thông tin liên lạc…
Khu tập thể Nhà máy Dệt 8-3 bị bom Mỹ đánh phá năm 1972.
Phối hợp với trận địa cao xạ của Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, tự vệ nhà máy bố trí lưới lửa theo hai tuyến: tuyến trên cao gồm 8 tổ súng trường, 2 đại liên, 1 trung liên, đặt trên nóc phân xưởng đay, sợi, dệt. Tuyến mặt đất gồm 7 tổ, bố trí trận địa ở phân xưởng Nhuộm, Thoi suốt, Cơ khí. Đội hình chiến đấu hiệp đồng chặt chẽ với trận địa của Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Kẹo Hải Châu, Nhà máy Xay Lương Yên, tạo thành lưới lửa phía đông nam thành phố. Từ năm 1967, 100 chiến sĩ tự vệ của nhà máy lập thành một đại đội mang tên đại đội Nhà máy Dệt 8-3, là quân bổ sung tăng cường cho chiến trường miền Nam. Ngày 10-12-1967, chị Lưu Thị Xuân đã cùng đồng đội bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Ngày 13-8-1968, chỉ với 14 viên đạn 12 ly 7, đội trực chiến lại bắn rơi một máy bay không người lái. Khẩu đội của chị Nguyễn Thị Đông và chòi quan sát của chị Trần Thị Yên đã góp phần quan trọng vào chiến công của tự vệ nhà máy. Ông Vũ Ngọc Tuyền, nguyên Bí thư Đảng ủy nhà máy tự hào kể: “Ở một nhà máy mà lực lượng lao động chủ yếu là nữ, chị em đã phát huy tốt vai trò của dân quân tự vệ Thủ đô. Chúng tôi mời hẳn các anh trên Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô về huấn luyện bắn máy bay Mỹ, nên tiểu đoàn tự vệ nhà máy rất mạnh, không thua kém Nhà máy Cơ khí Mai Động vốn có đông anh em. Chị em tự vệ nhà máy đúng là xứng danh dòng dõi Bà Trưng”.
Những ngày B52 tan xác cháy sáng bầu trời
Là một trong những trọng điểm đánh phá của Mỹ trong chiến dịch không kích, hủy diệt Hà Nội mang tên Linebaker, khu tập thể của công nhân đã phải gánh chịu cảnh tan hoang, đổ nát. Ngày 4-7-1972, Mỹ đã ném bom trúng nhà A5 và A6, giết hại 9 người, làm bị thương 24 người, tiêu hủy tài sản của hơn 100 gia đình.
Bà Nguyễn Thị Minh Liên, nữ tự vệ của phân xưởng Dệt, người đã vinh dự là đại biểu tự vệ xuất sắc của Hà Nội trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1968 và được tặng huy hiệu Bác Hồ năm 1970 về thành tích xuất sắc trong hội thao quân sự toàn thành phố kể lại: Ngày ấy, lũ trẻ nhà tôi sơ tán về quê cả. Tôi cứ phải chia thời gian, tuần nào đạp 25km thăm con lớn ở quê mình, đem đường kính và mì sợi về, tuần nào cũng làm lọ ruốc rồi đạp 50km thăm con bé và mẹ chồng ở quê chồng. Dọc đường đi, hễ có báo động thì quẳng xe đạp cạnh hố cá nhân, báo yên lại lên xe đạp tiếp. Nhờ trời, tôi vẫn an lành để nuôi hai con, thi đua với chồng tôi đang chiến đấu ở miền Nam. Cái cảnh chị em tự vệ ở lại nhà máy hầu hết đều xa con, chồng đi bộ đội, cụm lại nấu cơm độn mì sợi, nhưng vẫn sẵn sàng đánh Mỹ bất kể ngày đêm, các cháu có hình dung nổi không? Và chúng tôi vẫn lạc quan yêu đời hát sau giờ tan ca: Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công; đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân, nghe náo nức trong lòng, Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ... Nó đánh khu tập thể từ tháng 7, chị em vẫn kiên gan, bám nhà máy cách đó chỉ 2km để sản xuất và canh giữ trời. Hệ thống báo động được thiết kế riêng bằng đèn đỏ (Vì tiếng máy rất lớn nên hầu như không nghe được còi báo động). Cứ nhìn thấy đèn đỏ báo hiệu thì nhanh chóng xách súng ra trận địa. Trừ hướng bắc giáp với phố Minh Khai, các hướng khác đều có trận địa cao xạ tầm thấp 12 ly 7 và 14 ly 5. Tôi ở trận địa phía khu Mơ Táo (giáp phố Tân Khai bây giờ). Ngày 28-12, Mỹ dội bom xuống nhà máy. Phân xưởng Sợi, Dệt, Nhuộm, bị bay hết mái, cháy ngùn ngụt may lúc đó ca sáng đã tan nên không thiệt hại về người. Chúng tôi gồng vai khắc phục hậu quả, đến ngày 31-12, hơn 200 máy của phân xưởng dệt lại tiếp tục sản xuất”.
Ông Vũ Ngọc Tuyền, cán bộ của nhà máy nhớ lại: “Tự vệ Nhà máy 8-3 đã hiệp đồng chiến đấu với tự vệ Nhà máy Mai Động rất tốt. Chính là ta phải bố trí trận địa để đón lõng chúng ở hướng đông nam, nên trong cả hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, tự vệ nhà máy đều được thành phố quan tâm. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân đã về thăm nhà máy ngay sau khi bị Mỹ ném gần 100 quả bom trong 4 đợt bom phá, 1 đợt bom cháy. Chúng tôi đã xây dựng nên tiểu đoàn tự vệ Dệt 8-3 nức tiếng Hà Nội thời đạn bom.
Quá khứ như một dòng sông, đọng lại những hạt phù sa bồi đắp cho cuộc sống xanh tươi. Những ngày ấy mãi mãi là niềm tự hào, vinh quang của mỗi người dân Hà Nội. Và tập thể Nhà máy Dệt 8-3 của tuổi thơ tôi, của hàng nghìn công nhân dệt, cái chấm nhỏ trên bản đồ Mỹ muốn hủy diệt, bị thảm họa tháng 7-1972, 40 năm sau, lại hiện lên trên bức ảnh trong cuộc triển lãm tại Trung tâm Ngôn ngữ văn minh Pháp tháng 11 vừa qua. Người viết bài này, khi ấy 13 tuổi, cũng chính là người chứng kiến cảnh tan hoang đó. Trong giá rét căm căm, tôi đạp xe ra khỏi khu tập thể. Từ chiếc loa phóng thanh to treo trên đầu nhà D1, tôi vẫn nghe da diết bài hát Hà Nội đêm không ngủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Đêm nay trời Hà Nội vang rền tiếng súng/ Lửa rực cháy khắp phố phường yêu dấu…” Không đừng được, tôi quay lại nhà. Căn phòng khóa im ỉm, mẹ đi làm ca rồi kia mà! Lại đạp xe đi, vẫn giai điệu tha thiết, tự hào: “Trong chiến tranh vẫn nụ cười rạng rỡ, gương mặt sáng Thủ đô…”. Tất cả như mới hôm qua, khi tôi ngắm nhìn bức ảnh cũ thân thương, mà hôm nay đã trở thành chuyện cổ tích. Khu tập thể vẫn còn nhà A1, nơi Bác Hồ đến thăm năm 1965; còn dãy A5, A6, nơi bom Mỹ đã từng khoan sâu hoắm… Tiểu đoàn tự vệ năm xưa người còn người mất. Chính bức ảnh trong triển lãm đã thôi thúc tôi viết về những người tự vệ trong lửa đạn đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho hòa bình mà giờ đây, những câu chuyện đã ẩn sâu trong con phố nhỏ mang tên phố “8-3”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.