Hà Nội kết nối

Những cao tốc trợ lực cho miền Tây "cất cánh"

Nhóm phóng viên 24/12/2023 - 10:57

Ngày 24-12, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành đi vào hoạt động, nâng số km cao tốc miền Tây lên gần 200km.

a799.jpg
Đoạn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào sử dụng từ nngày 24-12-2023.

Những niềm vui lớn

Tháng 1-2021, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được chính thức khởi công xây dựng, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông – Vận tải). Theo thiết kế, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Giai đoạn 1, cao tốc có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Khi xây dựng hoàn chỉnh, tuyến đường được thiết kế 6 làn xe, vận tốc 100km/h.

Với việc cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đi vào hoạt động, dải cao tốc nối từ thành phố Hồ Chí Minh đến thủ phủ của miền Tây là thành phố Cần Thơ đã thông tuyến. Trước đó, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương dài gần 62km, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làm dừng khẩn cấp, vận tốc khai thác 120km/h đã đi vào hoạt động từ tháng 6-2012. Đến tháng 4-2022, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài hơn 51km, quy mô 4 làn xe đã chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công xây dựng. Nay, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tiếp tục nối dài “đường thiên lý” ở miền Tây.

a803.jpg
Một đoạn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

“Mọi sự thay đổi diễn ra quá nhanh chóng”, ông Trương Hữu Nghĩa, chủ một doanh nghiệp vận tải ở tỉnh Vĩnh Long nhận xét, “người dân chúng tôi từng nghĩ phải rất lâu mới có thêm cao tốc cho miền Tây, bởi đã từng 8 năm chờ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương hoàn thành; 13 năm trông chờ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào sử dụng. Vậy mà chỉ trong vòng 3 năm xây dựng, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đã thông tuyến. Giờ chạy xe từ Cần Thơ về thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ, thay cho 4 giờ như trước kia”.

Như vậy, nếu tính cả 51km cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã hoàn thành, khai thác từ năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 200km đường cao tốc.

Còn dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu được khởi công từ tháng 2-2020 dài hơn 6km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cây cầu dây văng quy mô lớn này là sản phẩm 100% do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế, xây dựng. Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành. Cây cầu mới sừng sững bắc qua sông Tiền, song song với cây cầu Mỹ Thuận do Chính phủ Australia giúp đỡ xây dựng và khai thác từ năm 2000.

a804a.jpg
Cầu Mỹ Thuận 2 song song với cầu Mỹ Thuận 1 bắc qua sông Tiền.

Ông Lưu Xuân Tuyến, Phó Trưởng ban điều hành Liên danh Nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chính - VNCN E&C chia sẻ: "Cầu Mỹ Thuận 2 là thành quả đáng tự hào cho tinh thần nội lực và tâm huyết của con người Việt trên quê hương mình, như một mình chứng cho sự kiên cường, bền chí, không ngừng học hỏi và nỗ lực làm nên những điều phi thường của tất cả chúng ta".

Trợ lực cho miền Tây cất cánh

Nhiều tỉnh, thành khác ở vùng Tây Nam Bộ cũng đang cùng các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai hàng loạt cao tốc trục dọc (cả phía Đông và phía Tây) và trục ngang khác, với quyết tâm sớm nâng cấp hạ tầng giao thông vùng phát triển nhanh theo hướng hiện đại, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

a802.jpg
Những dự án hạ tầng giao thông lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai xây dựng.

Những dự án lớn đáng chú ý gồm: Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang dài 37,65km và cao tốc Hậu Giang – Sóc Trăng đã được khởi công từ tháng 1-2023. Dự án có quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, vận tốc khai thác 100km/h, dự kiến hoàn thành năm 2025. Tiếp đó là dự án cao tốc trục ngang An Giang – Sóc Trăng dài hơn 188km, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, vận tốc khai thác 80km/h đã được khởi công xây dựng từ tháng 6-2023 với tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2027.

Về cao tốc trục dọc Bắc Nam phía Tây, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đoạn cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài gần 29km từ tỉnh Đồng Tháp đi thành phố Cần Thơ (tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng) đã đóng thầu để triển khai các bước tiếp theo, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp đánh giá, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm hình thành tạo nền tảng tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối liên thông giữa các đô thị, các cực tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

a798.jpg
Tổng thể quy hoạch các dự án cao tốc trục dọc và trục ngang tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các dự án nêu trên là một phần trong 13 dự án giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng được triển khai và hoàn thành riêng trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lân cho biết, dự kiến đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 548 km đường bộ cao tốc. Giai đoạn 2026-2030, khoảng 637 km đường cao tốc nữa tiếp tục được hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cao tốc trợ lực cho miền Tây "cất cánh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.