Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ca khúc “dậy sóng Biển Đông”

An Nhi| 16/06/2014 06:26

(HNM) - Cuối tuần qua, cùng với việc tổ chức đại nhạc hội


Âm nhạc là môn nghệ thuật có sự phản ứng nhanh nhạy, với nhiều sáng tác mới nhất về đề tài biển, đảo trong thời điểm Biển Đông dậy sóng. Nhiều tác giả liên tục công bố sáng tác mới; tiếng nhạc hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, đến với những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.



Khi làn sóng âm nhạc hướng về biển, đảo quê hương đang vào cao trào, Hội Nhạc sĩ Việt Nam quyết định đưa những bài hát mới đến với công chúng đầy đủ hơn, tạo kênh tổng hợp để các nhạc sĩ gửi gắm những đứa con tinh thần và Hội tiến hành phổ biến. Chỉ sau hơn một tháng phát động, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được hàng trăm sáng tác mới, có những tác phẩm vừa rời ngòi bút của nhạc sĩ vài giờ đồng hồ, đã góp mặt trong tuyển tập.

Cái tên tập 1 "Dậy sóng Biển Đông" đủ cho thấy nội dung của hầu hết ca khúc mới có mặt trong đó. Con sóng lớn từ Biển Đông đã nâng tâm hồn nghệ sĩ lên cao trào, làm bật ra những giai điệu thúc giục lòng người. Bên những tác giả trẻ, tập 1 có sự góp mặt của rất nhiều nhạc sĩ tài năng của làng nhạc nước nhà, như Trọng Bằng, Doãn Nho, Nguyễn Cường, Phạm Minh Tuấn, Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Trọng Đài, Phạm Ngọc Khôi, Cát Vận... 61 ca khúc, mỗi tác giả chọn một điểm nhấn riêng, giai điệu và phong cách khác nhau nhưng có điểm chung là "âm nhạc đều từ biển mà ra, mà thăng hoa", như nhạc sĩ Lê Mây đã nói. Có nghĩa là người nghe dễ dàng nhận ra hơi thở của biển cả phả vào ca khúc, những gửi gắm của người nhạc sĩ về tình yêu và lòng quyết tâm.

Mở đầu tập ca khúc là tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Bằng mang tựa "Câu trả lời của chính nghĩa", ca từ giản dị mà đanh thép, khẳng định ý chí bảo vệ biển, đảo của quê hương. Nhạc sĩ Cát Vận, Chủ nhiệm CLB Âm nhạc và báo chí (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) nhận định: Có rất nhiều điều đặc biệt, chưa từng có xuất hiện trong tập sáng tác này. Những vấn đề trước đây ít khi được nhắc đến thì nay đi vào ca khúc một cách nhẹ nhàng.

Những gì thuộc về quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc liên quan vùng biển này, cả đất cả người, cả biển trời bao la đều đã được "nhạc hóa", từ "Bà mẹ Gạc Ma" (Phạm Minh Tuấn), "Khúc tưởng niệm Gạc Ma" (Phan Minh Tuấn) đến lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư: "Biển Đông đầu sóng ngọn gió" (Vũ Hoàng). Các nhạc sĩ viết về lực lượng hải quân tàu ngầm - "Những chiến sĩ đi trong lòng biển" (Vũ Trọng Tường), viết về lực lượng không quân hải quân - "Bay lên! Không quân hải quân" (Trần Ngọc Lâm), viết về hậu phương lớn đang hết lòng hướng về những người đang vững vàng ở nơi tuyến đầu - "Hãy lắng nghe triệu trái tim Việt" (Cát Vận), "Thiêng liêng Tổ quốc Việt Nam" (Tô Hải), "Mệnh lệnh trái tim" (Nguyễn Ngọc Thiện), "Hướng về Biển Đông" (Nguyễn Văn Hiên), "Sóng Bạch Đằng vỗ mãi tới Biển Đông" (Văn Thành Nho)...
Một chủ đề đặc biệt nữa được viết nhiều, có sức truyền cảm và lay động là Trường Sa. Những ca khúc có trong tuyển tập đều do các nhạc sĩ đã từng đến quần đảo này sáng tác, bởi vậy, giai điệu, ca từ đều có sức nặng lan tỏa cảm xúc: "Sóng dội Trường Sa" (Nguyễn Cường), "Cây phong ba ở Trường Sa" (Trọng Đài), "Em gái Xê Đăng ở Trường Sa" (Trần Nhật Dương), "Về với Trường Sa" (Vũ Thiết), "Em yêu Trường Sa" (Nguyễn Việt), "Mến yêu Trường Sa" (Văn Vượng), "Bài ca người lính trẻ Trường Sa" (Doãn Nguyên); "Âm thanh chiều Trường Sa" (Phan Hồng Sơn)...

Có thể nói đây là tập ca khúc rõ tính thời sự nhất từ trước đến nay. Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ giới thiệu các ca khúc này dưới nhiều hình thức, tiếp tục kêu gọi sáng tác về đề tài biển, đảo Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ca khúc “dậy sóng Biển Đông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.