Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bước chân trở lại

Anh Tuấn| 25/03/2010 07:38

(HNM) - Còn vài ngày nữa, ông Dan Tucker, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam tròn 70 tuổi. Trên đỉnh đèo Phước Tượng (Phú Lộc, Huế) giữa trưa nắng như chan lửa, chúng tôi cùng Dan Tucker lần theo ký ức, qua từng gốc cây, hố bom, công sự, khe nước... để tìm nơi chôn 27 chiến sỹ đặc công Việt Nam hy sinh khi tấn công trận địa pháo trên đỉnh đèo năm 1969.

Đi được một quãng, Dan Tucker dừng lại, lấy khăn thấm mồ hôi lẫn nước mắt, giọng rưng rưng: Đây là sinh nhật đáng nhớ nhất trong đời tôi. Sau hơn 40 năm sống trong nỗi day dứt khôn nguôi, đến giờ mới có dịp trở lại Việt Nam để chỉ cho các bạn nơi tôi đã cho chôn các chiến sỹ Việt Nam hy sinh. Điều này giúp xoa dịu nỗi đau của tôi, của những cựu binh Mỹ và cả người thân của các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh, xoa dịu nỗi đau của chúng ta trong quá khứ...

Ông Dan Tucker đang dò tìm trên bản đồ địa điểm chôn các liệt sỹ Việt Nam.


Nỗi đau không của riêng ai!
Trước khi lên đèo Phước Tượng, đoàn tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ do Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo huyện Phú Lộc và 5 cựu binh Mỹ do ông Dan Tucker dẫn đầu đã vào thắp hương tại nhà ông Hồ Công Lợi ở ngay dưới chân đèo. Ông Lợi nguyên là chỉ huy đơn vị đặc công đã tấn công trận địa pháo của Dan Tucker năm 1969. Ông Lợi đã mất năm 2003, bởi những căn bệnh mà "mầm" của nó bắt nguồn từ những mảnh đạn còn găm trong người ông chưa lấy ra được.

Ông Dan Tucker cho biết: Cuối năm 2009, tôi được tiếp cận những tư liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam do Đoàn cựu chiến Mỹ (VVA) thực hiện. Qua phim tư liệu về những trận đánh ác liệt giữa quân cách mạng và quân đội Mỹ tại Thừa Thiên Huế, tôi đã liên lạc và tìm đến với VVA, tình nguyện theo đoàn sang Việt Nam, cung cấp hồ sơ, các thông tin liên quan đến trận đánh tại đèo Phước Tượng. Ông Lợi là nhân vật có trong cuốn phim, người năm 1995 đã giúp các cựu binh Mỹ tìm hài cốt của những người lính của cả hai phía.

Trong nhà ông Lợi có một tấm ảnh khá to, treo ở gian giữa ghi dòng chữ: "Du kích Lương Thị Giác, Bí thư xã, chỉ huy đội du kích đánh nhiều trận khiến Mỹ, ngụy phải kinh sợ" làm mọi người chú ý. Trong ảnh là một thiếu nữ dáng nhỏ nhắn, tay cầm khẩu AK, vai đeo dù pháo sáng, khuôn mặt đầy nữ tính pha trộn với những nét từng trải đến độ gai góc của một người chỉ huy dày dạn qua mưa bom, bão đạn, đôi mắt sáng và nhìn thẳng như sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, không gì có thể làm chùn bước. Chị Giác - O du kích nhỏ xã Lương Lộc năm xưa là vợ chiến sỹ đặc công Hồ Công Lợi. Anh chị quen nhau qua các trận đánh. Chị là dân quân xã, thường xuyên dẫn đường cho các đơn vị đặc công về đánh cứ điểm, chi khu. Một lần anh Lợi bị thương nặng, không thể đưa lên rừng, đơn vị "gửi" lại xã chăm sóc. Chị Giác hằng ngày thay rửa vết thương, chăm lo cho anh. Thế rồi như chị nói, "bị đặc công “tập kích” lúc nào không biết"...

Bà Giác ôm đứa cháu nội, cười hiền hậu, kể chuyện chiến đấu ngày trước cho những người từng ở bên kia chiến tuyến, họ cứ tròn mắt mà nghe. Ra thế, cô du kích chỉ huy "đám việt cộng nữ" xuất quỷ, nhập thần, có lúc súng ống cọc cạch mà dám cả gan "choảng" nhau với thủy quân lục chiến Mỹ ngay trên quốc lộ, giữa ban ngày... từng bao phen làm đối phương điêu đứng, là đây sao?

- Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng hằng ngày, chúng tôi vẫn đón tiếp các gia đình từ khắp các địa phương trong cả nước chưa tìm được mộ con em mình hy sinh tại chiến trường Trị Thiên - Huế, đến nhờ chúng tôi tìm giúp - Bà Giác chậm rãi nói. Chồng tôi kể, những trận đánh trên đèo Phước Tượng rất ác liệt, anh em hy sinh nhiều, trong số đó, đa phần chưa xác định được nơi chôn cất. Những năm gần đây, gia đình tôi và các anh em ở địa phương cũng đã tìm được hài cốt nhiều liệt sỹ, nhưng trên đèo còn nhiều lắm. Lần này các ông từ Mỹ sang, giúp chúng tôi tìm lại đồng đội, thật đáng quý vô cùng. Thay mặt những gia đình chưa tìm được người thân hy sinh, tôi chân thành cảm ơn các ông!

- Số lượng người chết trận của hai bên có khác nhau, nhưng nỗi đau đều không đong đếm được - Dan Tucker xúc động nói. Những người còn sót lại tìm ngày một khó khăn hơn, nhưng với sự nỗ lực của cả hai phía, tôi tin chúng ta sẽ tìm được nhiều hơn. Cầu mong Chúa cho tôi hôm nay có trí nhớ tốt, để tôi chỉ đúng chỗ cách đây hơn 40 năm tôi đã chôn các chiến sỹ Việt Nam.

Các anh giờ nằm đâu?
Đèo Phước Tượng nằm cạnh Quốc lộ 1A. Nhìn qua tấm ảnh mà ông Dan Tucker cầm theo thì trong những năm chiến tranh, đây là quả đồi trọc, cây cối đã bị bom phát quang dọn sạch. Trên đỉnh đèo có căn cứ pháo binh Tomahawk.

- Chúng tôi bố trí 6 khẩu pháo 155 ly, từ đây có thể kiểm soát tuyến đường 1 đoạn từ Phước Tượng tới Lăng Cô và toàn bộ huyện lỵ Phú Lộc. Do nằm ở vị trí yết hầu, nên trận địa pháo thường xuyên được sự "chăm sóc" của đặc công Việt Nam - Dan Tucker kể. Có ngày chúng tôi bị quân giải phóng phá hỏng 4 khẩu, phải gọi trực thăng chuyển pháo mới từ Đà Nẵng ra. Tôi được điều ra thị sát trận địa pháo đúng vào ngày bộ đội Việt Nam đánh dữ dội, người chỉ huy trận địa pháo phía chúng tôi chết. Tôi là sỹ quan có cấp bậc cao nhất lúc bấy giờ nên được cử làm chỉ huy. Sau trận đánh đêm 18, rạng sáng 19-6-1969, chúng tôi thu gom được xác của 27 chiến sỹ Việt Nam. Có người đề nghị tôi nên chôn gần hố rác cho tiện, đỡ phải đào bới, vì đây là vùng đất đá, rất khó đào. Tôi không đồng ý và yêu cầu phải đào một hố to, đủ sâu, chôn các chiến sỹ của Việt Nam xuống đó. Tôi không cho ai động vào bất cứ vật gì có trên người các chiến sỹ.

O du kích Lương Thị Giác lúc trẻ và bà Giác hôm nay. Ảnh: Tâm Hành


Đèo Phước Tượng bây giờ đã khác xưa, đồi trọc đã thành rừng. Dan Tucker đề nghị cho được leo lên đỉnh đồi, nơi có sân bay trực thăng thả quân, để từ đó ông đi bộ xuống và hình dung dần ra nơi bố trí trận địa, kho vũ khí... và nơi chôn các chiến sỹ. Mới cuối tháng ba mà nắng như đổ lửa. Leo một quãng, chúng tôi lại phải nghỉ. Một người dân ở Phú Lộc được "tăng viện" đến giúp chúng tôi. Đó là ông Lưu Bình Phúc - người đã giúp Đoàn cựu binh Mỹ năm 1995 lên đèo Phước Tượng tìm hài cốt các quân nhân Mỹ. Ông Phúc mang theo rất nhiều ảnh của chuyến đi tìm lần đó. Ông Phúc còn khoe, mới tìm được một thẻ bài của lính Mỹ, thẻ ghi: KETCHEY. BOBBY R. RAI 8743784. A. B. Ông Dan Tucker xin ghi lại số thẻ để về tra lai lịch người lính. Trên đường leo lên đỉnh đèo chúng tôi cũng nhặt được khá nhiều mảnh mìn sát thương, vỏ đạn, dao, dĩa, cúc áo... của lính Mỹ trước đây.

Có sự trợ giúp tận tình của ông Phúc, chúng tôi dễ dàng tìm ra vị trí sân bay trực thăng, nơi bố trí các khẩu pháo, kho đạn... ngày xưa. Thế nhưng, quá trưa mà vẫn chưa tìm được đâu là nơi chôn các chiến sỹ. Dưới tán hoa sim đang nở tím đến nhức mắt kia chăng? Hay dưới gốc cây cổ thụ đã đổ mục? Và ngay dưới khe nước cỏ cao quá đầu người này nữa?... Các anh đang nằm nơi đâu? Không phải đợi đến khi có người Mỹ quay lại chỉ chỗ, ta mới tổ chức tìm kiếm, mà trước đó, ở đèo Phước Tượng này, chúng ta cũng đã tổ chức bao đợt tìm những điểm được cho là có chôn các liệt sỹ. Hầu hết các địa phương trong cả nước đều có các đơn vị quy tập mộ liệt sỹ. Bởi, vẫn còn biết bao liệt sỹ nằm lại các chiến trường? Còn bao bà mẹ, người vợ, thân nhân các anh đang ngày đêm mòn mỏi ngóng trông trong nước mắt được đón các anh về cố hương.

Theo chúng tôi được biết, kể từ năm 1993, đại diện tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA) đã sang Việt Nam và bắt đầu chương trình "Sáng kiến Cựu chiến binh" (VITF). Qua đó, họ thu thập thông tin, tài liệu, bản đồ... liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến đấu để giúp Việt Nam tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Cho đến nay, VVA đã cung cấp thông tin liên quan đến 9.100 bộ đội hy sinh, giúp quy tập hài cốt khoảng 980 liệt sỹ. Ông Jack Devine, Phó Chủ tịch VVA cho biết: "Chúng tôi liên lạc với tất cả các hội viên, hỏi về các trận chiến họ đã tham dự, tìm hiểu xem họ còn giữ được các nhật ký, những bức ảnh, thông tin về các binh lính phía Việt Nam hy sinh hay không? Có rất nhiều trường hợp chúng tôi thu được thông tin chính xác về các mộ chí. Các di vật thu được sau đó sẽ được chuyển lại cho gia đình các liệt sỹ". Sự hợp tác của các cựu chiến binh Mỹ, trong đó có ông Dan Tucker thật đáng trân trọng!

Thay lời kết
Cuối cùng, sau gần 5 giờ tìm kiếm trong nắng nóng, Dan Tucker đã xác định được nơi đã chôn 27 chiến sỹ của ta, ông đã trao lại toàn bộ tài liệu liên quan để các đơn vị của ta tiến hành công tác quy tập hài cốt liệt sỹ. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảm động nói: Tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều cựu chiến binh Mỹ như ông Dan Tucker trở lại Việt Nam để cùng với Chính phủ và nhân dân Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bộ đội Việt Nam đã hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Mong rằng thời gian tới VVA sẽ tiếp tục có những hoạt động phối hợp với Việt Nam nhằm tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam và cả những binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Cả một vùng đồi rộng, cây cối um tùm ngay lập tức được phát quang. Chắc là chỉ ít ngày nữa thôi, các đơn vị quy tập hài cốt liệt sỹ sẽ được huy động để thực hiện công việc tại địa điểm đã được xác định. Những nén hương trầm được thắp lên. Một phút mặc niệm. Chúng tôi cứ để nước mắt tự tuôn trào lẫn với mồ hôi trong nắng nóng miền Trung. Dưới đám cỏ cây vô tri kia là các anh sao? Hơn 40 năm lạnh lẽo ai hay? Mấy ngày nữa thôi, các anh sẽ được về trong vòng tay của người thân. Và nỗi đau sau chiến tranh của nhiều gia đình sẽ được xoa dịu phần nào...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bước chân trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.