Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bước chân thần tốc…

Duy Mười - Trần Diệp| 19/04/2015 06:11

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất, song ký ức về những ngày tháng hành quân ra trận cùng chiến thắng hào hùng của quân và dân ta trong Đại thắng mùa xuân 1975 vẫn luôn khắc đậm trong tim chúng tôi…

Quân ta tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu


Náo nức đường ra trận

Trung tuần tháng 3-1975, khi chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi vang dội, các thị xã Buôn Mê Thuột, Pleiku, Kon Tum… được giải phóng thì đơn vị chúng tôi, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B vẫn bị "chôn chân" tại công trường đắp đê Sông Đáy. Hằng ngày, đọc báo, nghe đài biết nơi này, nơi kia đang thắng lớn, nhiều anh em thốt lên: Cứ đà này khi đơn vị mình vào chiến trường có lẽ chỉ nhặt ống bơ… Thế nhưng, sáng 28-3, lệnh cấp trên truyền xuống: "Các phân đội dừng đắp đê, cử người đo nghiệm thu khối lượng, bàn giao công trường… nhận quân trang, quân dụng… lên đường đi chiến đấu…". Ai nấy mừng rỡ, nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị cho ngày ra trận. Tại nơi đơn vị trú quân (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) các gia đình đều "mở tiệc" bằng những đĩa bánh kẹo, trái cây, thuốc lá… tiễn chân bộ đội lên đường vào Nam chiến đấu. Sáng sớm hôm sau (29-3), hàng trăm ô tô vận tải "Zin 3 cầu" đưa chúng tôi về hậu cứ ở xã Hùng Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), tiếp tục chuẩn bị cho cuộc hành quân. Đúng 5h00 ngày 30-3-1975, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B của chúng tôi chính thức hành quân vào chiến trường miền Nam đang thắng lớn…

Đoàn xe như "con trăn khổng lồ" lướt nhanh trên quốc lộ 1. Bất kể ngày đêm, trời nắng hay trời mưa, hành quân liên tục, bộ đội ăn, ngủ nghỉ ngay trên thùng xe... Đi đến đâu người dân cũng đứng chờ ở hai bên đường reo hò, vẫy chào. Những lúc đoàn dừng chân, nhiều mẹ, nhiều chị mang nước chè xanh đến "mời các con, các chú uống cho đỡ khát…". Những lời "chúc lên đường mạnh giỏi, hẹn ngày chiến thắng…" vang suốt đường hành quân. Đến Đông Hà (Quảng Trị), đoàn xe rẽ phải rồi ngược quốc lộ 9, qua Bản Đông… xuôi về hướng nam qua đại ngàn cao nguyên Bô-lô-ven của đất nước Triệu voi. Một đêm trung tuần tháng 4, đoàn xe vượt ngầm A-tô-pơ (ngã ba Đông Dương) đưa chúng tôi trở lại đất mẹ Việt Nam. Xuôi Quốc lộ 14, qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… đã được giải phóng, ngày 20-4, đơn vị chúng tôi có mặt tại điểm tập kết của Quân đoàn 1, thị trấn Đồng Xoài, tỉnh Phước Long (nay là Thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu…

Bi hùng cửa ngõ phía Bắc

Chiều 22-4, trên đường đi nhận bổ sung súng đạn, lương thực (trước khi vượt Sông Bé), chúng tôi đã hứng chịu trận bom đầu tiên của địch. Một chiến sĩ tên là Lộc (quê Bắc Ninh) bị mảnh bom cắt gần đứt lìa ống chân bên trái. Nằm trên cáng đến trạm quân y, Lộc thốt lên tiếc nuối: "Thế là em không được vào giải phóng Sài Gòn rồi, các anh nhớ chiến đấu cả phần của em đấy nhé…". Đồng chí Trung tá, Phó Chủ nhiệm chính trị Phòng Hậu cần Sư đoàn 320B, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 64 của chúng tôi cũng hy sinh trong trận bom ác nghiệt này…

Từ Đồng Xoài, đoàn xe cơ giới không di chuyển được nữa, phần vì hầu hết các tuyến đường đã bị bom đạn phá hỏng, phần vì máy bay địch không ngừng oanh kích, nên đơn vị chúng tôi phải "vận động" vượt núi, băng rừng tiến vào mặt trận. Đoàn quân di chuyển suốt ngày đêm, với quyết tâm "thần tốc, thần tốc hơn nữa…". Trưa 25-4 đơn vị có mặt tại khu rừng cao su thuộc đồn điền Phú Riềng, tỉnh Bình Dương. Buổi chiều cùng ngày, trong đội hình Quân đoàn 1, Sư đoàn 320B được giao nhiệm vụ cùng một số đơn vị tấn công, thọc sâu vào nội đô Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu, chi khu Gia Định". Theo kế hoạch và nhiệm vụ được giao, Sư đoàn 320B không đánh chiếm các mục tiêu hai bên đường mà tranh thủ thời gian, thời cơ hành quân thần tốc, giải phóng các mục tiêu trọng yếu trong nội đô Sài Gòn. Sáng 28-4, Trung đoàn 64, cơ động từ Bắc Bình Chuẩn áp sát đường 16 nhằm hướng Tân Uyên - Lái Thiêu - Sài Gòn. Hồi 6h30, sáng 29-4, Trung đoàn 64 đến gần Quận lỵ Tân Uyên (Bình Dương) thì gặp quân địch án ngữ ở hai bên đường 16. Báo cáo của trinh sát cho biết, lực lượng địch ở đây là Tiểu đoàn Bảo an 316 đã bị bộ đội địa phương của ta đánh tiêu hao, tan rã một bộ phận. Trung đoàn trưởng Ngô Công Nội giao cán bộ tác chiến truyền lệnh cho Tiểu đoàn 7 yêu cầu Đại đội 2 đánh địch để bảo đảm hành lang cơ động cho trung đoàn tiếp tục di chuyển. Tuy nhiên, quân địch phản kích rất dữ dội. Hàng trăm quả đạn cối 81, M79 cùng đại liên từ Chi khu quân sự Tân Uyên bắn ra như vãi chấu, khiến gần 20 CBCS bị thương, hy sinh, buộc Chỉ huy Đại đội 2 phải cho anh em dừng tấn công, củng cố lực lượng. Đợt tấn công lần thứ 2 sau đó ít phút, vẫn vấp phải sự ngoan cố kháng cự của địch. 10h30, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 320B điều động Trung đoàn 48 có xe tăng yểm trợ mới tấn công giải phóng được quận lỵ Tân Uyên, nơi có Chi khu quân sự Tân Uyên, một trong những chốt ngoan cố tại cửa ngõ phía bắc Sài Gòn.

Rời quận lỵ Tân Uyên nghi ngút khói lửa đạn bom, 16h00 ngày 29- 4, đơn vị chúng tôi cơ động theo đội hình Sư đoàn 320B, Quân đoàn I tiến vào giải phóng nội đô Sài Gòn. Qua Tân Ba, Dĩ An, Lái Thiêu… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh tượng hàng chục chiếc xe tăng, xe thiết giáp, xe cơ giới và rất nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng của địch vứt bỏ ngổn ngang trên đường.

Vỡ òa niềm vui chiến thắng

Sáng sớm 30-4, Trung đoàn 27 và Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B nổ súng tấn công Chi khu quân sự Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Triệu, rồi cùng các đơn vị trong đội hình Quân đoàn I tiến vào đánh chiếm trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, Chi khu Gia định, các mục tiêu khác trong nội đô Sài Gòn cho đến khi lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập vào hồi 11h30 ngày 30-4-1975, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Không khí những ngày đầu giải phóng tại Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh thật tưng bừng. Hằng ngày, trên những tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố xe cộ đi lại như mắc cửi. Các công viên, vườn hoa, quảng trường, đại lộ… đều rực rỡ cờ hoa và "bạt ngàn màu xanh áo lính". Bộ đội mắc võng san sát dưới gốc cây, cột điện, hè phố… Tiếng cười nói râm ran khắp mọi nơi, giọng Nam, giọng Bắc tíu tít hỏi tìm anh em, bà con đồng hương… Và ai nấy, từ bộ đội đến người dân nét mặt đều vui tươi, phấn khởi như trẩy hội mùa Xuân. Trên giao lộ phía trước "Dinh Độc lập" lúc nào cũng đông đúc. Mấy ông thợ "chụp ảnh lấy ngay" liên tục bấm máy ghi hình tặng các anh bộ đội giải phóng… Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại trung tâm thành phố. Bác Tôn, người con ưu tú của Thành đồng Tổ quốc đã thay mặt Đảng, Nhà nước chúc mừng bà con nhân dân cùng những đoàn quân giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bước chân thần tốc…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.