Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bức thư tình của người họa sĩ

Thi Thi| 17/08/2011 06:53

(HNM) - Vũ gia trang và những người con, người bạn tài hoa gắn liền với gia tộc này một lần nữa được tái hiện trong cuốn sách "Tình yêu và nghệ thuật" của họa sĩ Vũ Giáng Hương, nguyên Chủ tịch UB Toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam. Trong đó có một phần riêng công bố những bức thư của bà và người chồng là Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài…

Họa sĩ Vũ Giáng Hương (thứ ba từ trái sang và bác sĩ Lê Cao Đài - người đeo kính) cùng cha mẹ và các anh chị em trong gia đình.

"Tình yêu và nghệ thuật" do NXB Thế giới ấn hành có một phần là toàn bộ chương I để dành nói về gia đình. Trong đó, bạn đọc có thể gặp lại nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan và vợ ông là nhà thơ Hằng Phương trong hồi ức sống động của người con gái - họa sĩ Vũ Giáng Hương. Từ "mảnh vườn trồng tóc tiên xanh ngắt. Cây hoa huỳnh màu vàng, mai vàng và hồng đỏ… giàn nho và sân đất…" đến những câu chuyện Vũ Ngọc Phan viết "Nhà văn hiện đại", rồi dịch sách ra sao… Và đặc biệt là qua đây, ta được gặp lại biết bao gương mặt nổi tiếng khác của văn đàn Việt Nam. Họ xuất hiện tự nhiên, gần gũi sau những lời kể rủ rỉ, chân tình của họa sĩ Vũ Giáng Hương. "Nhà văn Nguyễn Tuân hay đến chơi Vũ gia trang. Bác không nói nhiều, có nụ cười hóm hỉnh. Khi nào say, bác vui hẳn lên. Có hôm bác cầm quạt múa và hát. Bọn trẻ con chúng tôi ở gian ngoài, ngấp nghé xem và nghe, rất thích nhưng không dám vào". Rồi nữa Tô Hoài, Lưu Trọng Lư, Hữu Loan…

Tuy nhiên, nhiều người yêu mến Vũ gia trang có thể phần nào đã gặp những hồi ức sống động này trong hai cuốn sách trước đó là "Nhà văn Vũ Ngọc Phan - kỷ niệm 100 năm ngày sinh" và "Nhà thơ Hằng Phương - kỷ niệm 100 năm ngày sinh". Vì thế phần mới mẻ hơn cả nằm ở những trang sách công bố "Thư của Vũ Giáng Hương và Lê Cao Đài". Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài, người bạn đời của họa sĩ Vũ Giáng Hương là một chiến sĩ cách mạng, một trí thức suốt đời cống hiến cho y học nói chung và nghiên cứu về chất độc da cam nói riêng. Bản thân ông cũng là người bị nhiễm chất độc này sau những tháng ngày đi khảo sát ở Biên Hòa, Phú Cát, Đà Nẵng…

Những bức thư tình bao giờ cũng gợi cho người đọc sự tò mò nhất định. Hàng chục bức thư của một họa sĩ và một bác sĩ nổi tiếng cũng như vậy. Ở đó có tình yêu, có những xúc cảm lứa đôi riêng tư và đằm thắm. Nhưng sau tất cả, bạn đọc tìm thấy ở đó bóng dáng đất nước một thời vừa đau thương vừa anh dũng. Thấy con người Hà Nội tài hoa, thanh lịch và kiên cường trong những năm tháng chiến tranh. Đặc biệt, ta cảm nhận được phía sau rung động của tình yêu nam nữ thông thường là những sự đồng điệu về lý tưởng sống và cống hiến của hai người trẻ tuổi. "Bao giờ, anh Đài cũng nhớ rằng Giáng Hương của anh yêu anh nhiều lắm. Em luôn luôn theo dõi tin chiến sự. Những tin chiến thắng của chúng ta sẽ làm thu đông này bớt lạnh…".

Còn nhớ, Bảo tàng Dân tộc học đã từng tổ chức một triển lãm những bức thư tình, gây được tiếng vang không phải vì sự tò mò mà vì những thông điệp nhân văn của những bức thư đó gửi đến thế hệ hôm nay. Những bức thư trong trẻo cảm xúc lứa đôi, sâu nặng tình yêu gia đình, đất nước của họa sĩ Vũ Giáng Hương và bác sĩ Lê Cao Đài chắc chắn cũng là một phần thông điệp ấy.

Sau những bức thư, hình ảnh cuối cùng khi gấp sách là cảnh đôi chim câu trong bức tranh khắc gỗ "Đôi chim bồ câu" năm 1959 của Vũ Giáng Hương mà họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã từng nhắc tới trong cuốn sách "Nghệ thuật ngày thường". Một hình ảnh về hòa bình và tình yêu đôi lứa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bức thư tình của người họa sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.