(HNMO) – Chiến tranh Việt Nam từng được khắc họa sống động qua những bức ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài. Tuy nhiên giờ đây, thế giới sẽ có dịp được hiểu thêm về cuộc chiến này thông qua những tấm hình quý báu do chính người Việt ghi lại.
|
Những nhiếp ảnh gia Việt Nam đã ghi lại những bức hình phản ánh một cách chân thực cuộc chiến tranh Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau. |
Đối với nhiều người trên thế giới, lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam được biết đến qua những bức ảnh đã trở thành biểu tượng như ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn của nhiếp ảnh gia Malcolm hay bức ảnh "Em bé napalm" của Nick Út, phóng viên hãng tin AP.
Hầu hết những bức ảnh nổi tiếng về cuộc chiến đều do các nhiếp ảnh gia và hãng tin phương Tây thực hiện. Tuy nhiên Việt Nam cũng có hàng trăm nhiếp ảnh gia – những người đã ghi lại hình ảnh của cuộc chiến từ rất nhiều góc độ khác nhau, bất chấp những điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm.
180 bức ảnh quý được chụp trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ 1965 - 1975 được xuất bản trong cuốn sách “Another Vietnam: Pictures of the War from the Other Side” (tạm dịch Có một Việt Nam khác: Những bức ảnh chiến tranh từ phía bên kia) đã được nhiếp ảnh gia người Anh Tim Page và các cộng sự thu thập từ Việt Nam.
Cuốn sách khi lần đầu được ra mắt năm 2002 đã nhanh chóng được trao giải Best Seller hạng mục sách ảnh lịch sử quân sự. Để có được những bức ảnh quý giá, nhóm tác giả đã nhiều năm đi tìm gặp các phóng viên chiến trường miền bắc, để nghe họ kể lại những câu chuyện tác nghiệp, lật lại những tấm phim âm bản được cất kỹ, mà trong đó có những tác phẩm quý ngay cả chủ nhân của nó cũng không nghĩ tới.
Hầu hết tất cả những nhiếp ảnh gia này đều tự học nghề để tác nghiệp và làm việc trong các cơ quan như Thông tấn xã Việt Nam, Mặt trận Giải phóng dân tộc hay các tờ báo chính thức khác.
“Chúng tôi phải hết sức cẩn thận bởi vì chúng tôi chỉ có lượng phim rất hạn chế do cơ quan phát cho. Đối với chúng tôi, mỗi bức ảnh không khác nào một viên đạn”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Lưu cho biết.
Các phương tiện kỹ thuật là vô cùng quý giá. Có khi nhiếp ảnh gia chỉ có duy nhất một cuộn phim 70 tấm để chụp trong cả cuộc chiến.
Không chỉ thế, họ còn phải đương đầu với đủ những hoàn cảnh nguy hiểm, thậm chí phải đối mặt với cái chết do bom đạn hay môi trường độc hại. Nhờ có họ mà những tư liệu chân thực về chiến trường, về đời sống của người dân và các chiến sỹ được ghi lại.
Dưới đây là một số bức ảnh tiêu biểu trong bộ sách.
|
Một chiến sĩ du kích chèo thuyền trên sông Cửu Long năm 1970, khi khu vực này đã bị dải chất khai quang. Người Mỹ phá hủy cây cối bằng chất độc hóa học để khiến du kích và bộ đội không còn nơi ẩn nấp. |
|
Bức ảnh chụp năm 1974, ghi lại hình ảnh phụ nữ cũng đi kéo lưới đánh cá trên sông Cửu Long. Công việc nặng nhọc này trước đó chỉ dành cho nam giới. |
|
Bức ảnh chụp năm 1972, ghi lại một nhóm các nhà hoạt động cách mạng tại rừng Năm Căn. Tất cả đều đeo mặt nạ để che giấu danh tính với những người còn lại, phòng trường hợp bị địch bắt và thẩm vấn. |
|
Tháng 6/1972, các dân quân du kích rà soát tại khu vực một máy bay Mỹ bị bắn rơi bằng vũ khí hạng nhẹ tại ngoại thành Hà Nội. Viên phi công đã bay sát ngọn cây để né tránh radar, nhưng các máy bay hoạt động ở độ cao đó dễ dàng trở thành mục tiêu của các loại vũ khí nhẹ. |
|
Tháng 9/1965, với những mục tiêu giả treo trên dây, một nhóm dân quân tập ngắm bắn máy bay tại Thanh Trì, Hà Nội. Dù chỉ dùng những khẩu súng trường có từ thời Thế chiến II như trong ảnh, người Việt Nam vẫn có thể làm hư hỏng hoặc bắn rơi máy bay Mỹ. Nhóm dân quân trong ảnh đã giành được danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” 3 năm liền. |
|
Ngày 30/4/1975, rất nhiều giày, ủng chiến đấu bị lính ngụy vứt lại trên đường tháo chạy. |
|
Bộ đội miền bắc xung phong trong một trận đánh gần tuyến đường 9 chiến lược tại nam Lào. Chiến dịch Lam Sơn 719 do quân đội ngụy triển khai hòng kiểm soát tuyến đường này đã thất bại. |
|
Công nhân xây dựng thảo luận việc sửa chữa cầu Hàm Rồng sau một trận bom năm 1973. |
|
Năm 1966, bộ đội hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên núi Trường Sơn. |
|
Ngày 15/9/1970, một chiến sỹ du kích người Campuchia có tên Danh Son Huol được đưa tới phòng phẫu thuật dã chiến, trong rừng đước ngập nước tại Cà Mau. Bức ảnh giá trị chưa từng được tác giả xuất bản do nghĩ rằng nó không có gì đặc biệt. |