Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những biến tấu của chiếc kimono

Quỳnh Dương| 18/12/2019 16:42

(HNMCT) - Trong tiến trình lịch sử, trang phục truyền thống có vai trò như chỉ dấu văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, do nhiều nguyên nhân, trang phục truyền thống ở nhiều quốc gia đã có một số thay đổi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện sống thực tế. Không ít người làm văn hóa lo ngại, những biến tấu nói trên sẽ dần khiến trang phục truyền thống mai một, thậm chí mất đi bản sắc. Ngay cả ở Nhật Bản, một trong những quốc gia đi đầu về bảo tồn văn hóa, nỗi lo này cũng luôn hiện hữu với chiếc áo kimono.

Hoa hậu Hoàn vũ 2007 Riyo Mori và bộ kimono cách tân đã giành giải quốc phục đẹp nhất.

Mới đây, trong bài viết có tiêu đề Kimono - ngành công nghiệp thời trang của Nhật Bản đang đối mặt với thách thức đăng trên tờ Japan Forward, tác giả Leslie Ann Takinami cho rằng, kimono đã phát triển qua hàng trăm năm, nhưng hiện tại, số người mặc kimono đang giảm sút rõ rệt và trang phục này đang đứng trước một tương lai không chắc chắn vì rất nhiều lý do.

Thứ nhất, giá thành có thể làm ra được kimono quá cao, có thể lên tới trên 2,3 triệu yên/bộ (tương đương 500 triệu đồng).

Thứ hai, cấu tạo kimono khá rườm rà, nhiều tầng lớp và không thể tự mặc một mình, nên ít thấy người dân Nhật Bản sử dụng trong các sinh hoạt đời thường.

Thứ ba, theo xu hướng thời trang ngày càng hiện đại, bộ áo truyền thống của xứ sở Mặt trời mọc cũng không thoát khỏi làn sóng cách tân, đổi mới và dần biến hóa, pha tạp, mất đi bản sắc. 

Điển hình là bộ kimono bị cách tân quá đà của người đẹp Emiri Miyasaka tại cuộc thi Miss Universe Japan (Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản) năm 2009. Ngay từ khi chưa được chính thức đến với cuộc thi, bộ ảnh quốc phục dự kiến của đại diện Nhật Bản đã khiến người dân nước này vô cùng tức giận. Người đẹp và ê kíp của cô mạnh dạn cắt hết phần chân váy dài và nhiều lớp kín đáo của kimono, để lộ phần nội y màu hồng.

Lối ăn mặc kệch cỡm này đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội tại Nhật Bản. Có ý kiến còn ví trang phục của Emiri Miyasaka với quần áo của diễn viên phim cấp 3 hoặc kỹ nữ. Sau cùng, Công ty IBG Japan - đơn vị nắm bản quyền Miss Universe Japan - phải sửa bộ trang phục để tránh bị dư luận tẩy chay.

Là trang phục truyền thống được người dân Nhật Bản tôn vinh, nên việc kimono bị biến thành chiếc váy dung tục hiển nhiên đã khiến công chúng phản ứng. Thế nhưng cách tân thế nào là đủ cũng là vấn đề gây ra làn sóng tranh cãi giữa các nhà thiết kế Nhật Bản. Một số nhà thiết kế cho rằng kimono là bộ mặt của Nhật Bản chứ không phải thời trang theo mùa.

Stasia Matsumoto, nhà tạo mẫu kimono và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tại công ty InKimono cho biết, cô rất vui khi nhìn thấy vẻ hạnh phúc của khách hàng mỗi khi họ được khoác lên mình bộ kimono truyền thống. Vừa giúp khách hàng mặc từng lớp vải lụa, Matsumoto hiểu ý nghĩa của từng nếp gấp, từng nút thắt, những quy tắc xã giao ít ai biết đến về cách đứng ngồi và ứng xử khi mặc trang phục này, chẳng hạn như cách không để tay áo trượt khỏi cánh tay và để lộ lớp da trần bên dưới.

Theo Matsumoto, khi mặc bộ kimono truyền thống là đang khoác lên mình một tinh thần trách nhiệm đối với những lớp áo thấm đẫm giá trị lịch sử lâu đời, phong phú bắt nguồn từ thời Heian (794 - 1185).

Tuy nhiên, với Anji Salz, một nhà tạo mẫu kimono tại Tokyo thì những quy tắc cầu kỳ và phức tạp của kimono đã làm nhiều người ái ngại. Sau khi trang phục phương Tây du nhập vào Nhật Bản, mọi người có thể phối đồ mà không cần phải tuân theo một quy tắc truyền thống nào cả.

Tuy những nghệ nhân theo trường phái cổ điển có thể phản đối việc lược bỏ bớt một vài quy tắc truyền thống gắn liền với kimono qua nhiều thập kỷ, nhưng đây là điều không thể tránh khỏi nếu muốn lưu giữ truyền thống mặc kimono đến ngàn đời sau. Theo Anji Salz, kimono cũng vậy, mọi người cần được mặc thoải mái theo cách của riêng mình.

Dù cách tân hay giữ nguyên phong cách trang phục truyền thống với kimono đang là chủ đề “bất phân thắng bại” ở Nhật Bản, song điều đáng chú ý là hầu hết các nhà thiết kế đều ủng hộ quan điểm rằng trong một số các chương trình biểu diễn, kimono có thể được thay đổi nhằm thể hiện sự sáng tạo của các nhà thiết kế, nhưng không nên biến bộ quốc phục này thành một sản phẩm phản cảm.

Chính vì thế mà trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2007, Hoa hậu Nhật Bản Riyo Mori cũng mặc một bộ kimono cách tân nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của khán giả quê nhà.

Ngay trên sân khấu cuộc thi, Riyo Mori đã nhận được tràng pháo tay không ngớt khi bước ra với bộ kimono cách điệu, xẻ vạt cao, đi guốc mộc và buông mái tóc dài đen tuyền đầy quyền lực. Có thể nói, cách cải tiến bộ kimono của Riyo Mori khá táo bạo, nhưng không hề phản cảm, khoe thân.

Khán giả quốc tế cũng như dư luận đất nước Mặt trời mọc đều dành lời khen có cánh cho cô, gọi cô là "chiến binh mạnh mẽ". Năm đó, trang phục của Riyo Mori lọt vào top những trang phục dân tộc đẹp nhất và cô cũng xuất sắc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ.

Điều đó cho thấy, dù xuất hiện ở đâu, trong cuộc sống hằng ngày hay trên sân khấu, trang phục truyền thống cũng cần phải được trân trọng. Bởi đó không chỉ là những sản phẩm may mặc phục vụ đời sống con người, mà sâu xa hơn còn là kết tinh của văn hóa của mỗi dân tộc, từ những gửi gắm về thẩm mỹ, tâm hồn đến những quan niệm về thế giới, thậm chí còn là quy ước về vị trí xã hội, tuổi tác của mỗi cá nhân.

Từ đây đặt ra yêu cầu đối với mỗi nhà thiết kế khi bắt tay cải biên, cách tân trang phục truyền thống đáp ứng điều kiện sống và nhu cầu của người dùng, là phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, trên cơ sở đề cao nền tảng văn hóa và tinh thần dân tộc.

Mọi sự cách tân đều có giới hạn, đi quá giới hạn đó sẽ khiến trang phục truyền thống bị biến dạng, méo mó, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc đánh mất một "báu vật" quốc gia mà lớn hơn là sự mai một những giá trị văn hóa đã được "mã hóa" qua trang phục truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những biến tấu của chiếc kimono

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.