(HNM) - Công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND TP Hà Nội vẫn mang nặng tính hình thức, hiệu quả không cao. Trước yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của HĐND, nhiều người kỳ vọng HĐND TP Hà Nội sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác này, tạo bước đột phá về trách nhiệm của đại biểu với người dân đã bầu ra mình.
Từ nhiều năm nay, bên cạnh các cơ quan của Thành ủy, UBND TP, Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng tổ chức hoạt động tiếp công dân định kỳ. Từ khi hợp nhất đến nay, đại biểu luân phiên tiếp dân theo tổ vào sáng thứ Năm hằng tuần tại hai địa điểm (số 34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông). Thời gian tiếp là một buổi sáng từ 8h30-11h30. Đây là điều không phải HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ nào cũng làm được.
Tuy nhiên, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư của đại biểu HĐND TP vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mỗi buổi làm việc tại trụ sở tiếp dân, các đại biểu chỉ tiếp được 12-15 công dân và đại diện đoàn công dân. 70% trong số đó là công dân đã được các đại biểu khác tiếp. Sự trùng lắp này khiến hiệu quả tiếp công dân không cao. Trong khi công dân mới cần gặp đại biểu thì không được gặp, công dân khác lại được tiếp nhiều lần. Sở dĩ có sự trùng lắp này vì chưa hình thành được quy trình chuẩn cho công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư cho đại biểu. Công tác phục vụ tiếp công dân cũng chưa được tổ chức tốt. Nếu được tổ chức tốt, lực lượng phục vụ nắm được hồ sơ tiếp công dân, hoàn toàn có thể từ chối các cuộc tiếp công dân đã được tiếp để dành cho các công dân khác. Đại biểu HĐND TP tiếp nhận đơn thư của công dân mới chỉ làm được việc phân loại và chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền với lời đề nghị xem xét, giải quyết. Do không nắm được kết quả giải quyết, nên nhiều khi đại biểu vẫn gửi đơn đến các cơ quan cho dù vụ việc đã có quyết định giải quyết. Vì không kiểm soát được việc tiếp nhận đơn thư của các đại biểu khác, có trường hợp, hai ba đại biểu cùng gửi đơn của một công dân vì cùng một vụ việc đến cùng một cơ quan giải quyết gây ra không ít phiền phức.
Công tác tiếp công dân với cách tổ chức như hiện nay khó nâng cao được trách nhiệm của đại biểu HĐND TP, cũng như chưa tạo điều kiện cho cử tri giám sát hoạt động của các đại biểu mình bầu ra. Minh chứng là các đại biểu thường tiếp công dân đến từ nhiều nơi khác nhau, nên khó có điều kiện để hiểu sâu về tình hình cụ thể. Thêm vào đó, khoảng cách giữa hai lần tiếp công dân của đại biểu lên tới 3-4 tháng, vừa khiến đại biểu dễ sao nhãng công tác này, vừa khiến mối dây liên kết giữa đại biểu và công dân càng thêm mờ nhạt. Theo phân tích của Thường trực HĐND TP, thực tế còn xảy ra hiện tượng đại biểu này trông chờ đại biểu khác trong việc đôn đốc giải quyết các vụ việc, đơn thư.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất HĐND TP nên tập trung đổi mới bằng cách tổ chức cho các đại biểu xuống địa bàn ứng cử để tiếp công dân định kỳ hằng tháng. Cách này cùng lúc giải quyết được nhiều bất cập hiện nay. Trước hết, phạm vi đơn thư hay vấn đề mà công dân đặt ra với đại biểu được thu hẹp từ chỗ toàn thành phố tập trung về trong một quận, huyện. Đại biểu có điều kiện gắn bó chặt chẽ hơn với cử tri nơi ứng cử, nắm bắt tốt hơn tình hình địa bàn. Đây là cơ hội để đại biểu thể hiện cụ thể hơn trách nhiệm của mình với những người đã bầu ra mình. Với cách này, cử tri sẽ thấy đại biểu xuống với dân, về nơi ứng cử, chứ không phải đại biểu đợi dân đến với mình như tiếp dân tại hai trụ sở cố định hiện nay. Tích cực hơn, cách này tạo điều kiện cho công dân theo dõi sát hơn hoạt động của đại biểu mình bầu ra, là "sức ép" cần thiết thôi thúc ý thức trách nhiệm của đại biểu.
Tuy nhiên, đi kèm với cách thức trên, cần có sự đổi mới hoàn toàn về công tác phục vụ tiếp công dân đối với đại biểu HĐND TP. Trong đó, chủ yếu là làm sao có được sự kết nối với các cơ quan tiếp công dân khác của thành phố như của Thành ủy, UBND TP để hình thành cơ sở dữ liệu liên quan đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của TP. Mỗi đại biểu khi tiếp công dân cần phải có trong tay những cơ sở dữ liệu cần thiết về tình hình khiếu nại tố cao chung trên địa bàn, những vấn đề nổi cộm, những vụ còn tồn đọng, những bức xúc cơ bản, nhất là tiến độ giải quyết các vụ việc này. Điều này đòi hỏi sự chủ động của đại biểu cùng sự trợ giúp của bộ phận giúp việc. Tuy nhiên, muốn việc này thành quy củ, Thường trực HĐND TP nên chăng xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa các tổ đại biểu với chính quyền địa phương nơi ứng cử vấn đề này?
Hiện nay, Thường trực HĐND TP đang xây dựng Đề án đổi mới công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016. Hy vọng những nội dung đổi mới sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng: Nếu đại biểu chưa chủ động nắm bắt, tìm hiểu kết quả và tiến độ giải quyết đơn thư để thông tin, trao đổi, hướng dẫn công dân thì rất khó đổi mới. Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, HĐND TP phải quy định rõ hơn trách nhiệm của các đại biểu trong thực thi nhiệm vụ này. Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi: Hằng tháng bộ phận tiếp công dân phải phân loại đơn thư, kết quả các cấp đã giải quyết để gửi về các tổ đại biểu để có thông tin, theo dõi được kết quả và thông tin cho công dân. Có như thế mới giúp cho công tác tiếp công dân hiệu quả hơn. HĐND TP cần quy định rõ trách nhiệm này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.