(HNM) - World Cup 2010 đã kết thúc, một kỳ World Cup vừa hấp dẫn, vừa lạ lẫm lại vừa nghèo nàn theo một nghĩa nào đó. 64 trận đấu đã để lại trong lòng giới BĐVN nhiều điều hay và một câu hỏi được nhiều người mộ điệu nhắc đến, đó là những nhà quản lý và cầu thủ Việt sẽ học được gì ở đó?
Tuyển Nhật Bản (áo sẫm - quần trắng) là niềm tự hào của châu Á trên bản đồ bóng đá thế giới tại World Cup 2010. |
Dễ thấy nhất là học tập các đội châu Á như Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ là dân châu Á, thấp bé nhẹ cân hơn so với Âu, Phi, Mỹ, vậy mà tranh chấp tay đôi ngang ngửa, thậm chí nhiều phen lấn lướt đối thủ. Điều đáng quý, gốc rễ sức mạnh và sự tự tin của họ chính là nhờ yếu tố tinh thần. Tinh thần thi đấu của các đội châu Á quả là tuyệt vời! Còn nữa, có cảm tưởng các đội châu Á đều giỏi đá phạt, phải chăng họ đã ý thức được sự thiệt thòi về tầm vóc của mình nên quyết luyện những miếng "võ" kia? Và như thế là rất đúng và rất khôn ngoan. Chuyện đã qua rồi nhưng cứ nhớ lại hình ảnh cầu thủ Triều Tiên rơi nước mắt khi chào cờ, nhiều người xem Việt Nam lại có suy nghĩ khi nhớ đến cảnh chào cờ của sân nhà khi có trận đấu sinh tử.
Sẽ có ích gì cho bóng đá vùng trũng khi có những người theo nhau đổ riệt cho cái gọi là bóng đá thực dụng! Xin bày tỏ quan điểm riêng, chẳng có thứ bóng đá thực dụng và cũng chẳng còn thứ bóng đá duy ý chí. Ngay khái niệm về bóng đá đẹp cũng làm rối ren hệ thống từ vựng của sân cỏ, bởi bản thân từ đẹp đã có biết bao cách hiểu. Có người thích đẹp là múa máy, là điệu đà, là thêu dệt mãi rồi mới đưa bóng vào lưới; người khác lại cho rằng "catenaccio" cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Hiện nay, đa số đồng nhất khái niệm đẹp với tính hiệu quả và đó là sự tiến bộ về nhận thức, nhất là khi bóng đá đã trở nên thứ công nghệ đi cùng biết bao bản hợp đồng béo bở.
Tây Ban Nha lên ngôi, Brazil bị loại và nhiều trường hợp tương tự, xin bạn bè tôi chớ tức thời khen "quan văn tốt áo" và tức thời liệt kê đủ cái kém của kẻ thua trận hôm nay, bởi biết đâu ngay ngày mai mọi thứ lại đảo lộn. Ở ta cũng thế, đã chắc gì lối đá xứ Nghệ là chưa đẹp, nếu lớp cầu thủ đi trước của họ từng bá chủ V-League? Trở lại sân nhà, nghĩ chuyện khiêm tốn học hỏi cái hay, cái đẹp từ World Cup lại thấy ra nhiều cái hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.