Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhức nhối vi phạm pháp luật về đê điều

Đỗ Minh| 28/05/2012 06:49

(HNM) - Năm nay được dự báo là năm có nhiều diễn biến bất thường trong mưa bão. Tuy nhiên tình trạng vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão (PCLB) trên địa bàn Hà Nội diễn ra rất nhiều và phức tạp, nếu không có phương án xử lý kịp thời, sẽ phát sinh nhiều nguy hiểm khó lường.


Xây dựng lò gạch trên bãi sông tại huyện Phú Xuyên.

Vi phạm pháp luật về đê điều, PCLB trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm tồn đọng chưa được xử lý đã phát sinh nhiều vụ mới với mức độ vi phạm nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, từ năm 2008 đến hết quý I năm 2012, trên địa bàn TP xảy ra 1.616 vụ vi phạm, riêng quý I năm 2012 đã xảy ra 74 vụ. Vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; xây dựng lò gạch trên bãi sông, đổ đất, phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông; xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ; khai thác cát không phép. Đặc biệt nghiêm trọng là các vi phạm tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng và chiều cao lớn trên bãi sông ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ; đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng lấn chiếm bãi sông, lòng sông...

Đáng chú ý, trong số những vụ vi phạm trên, có 7 điểm vi phạm nghiêm trọng đã được Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT kết luận yêu cầu xử lý là: Vi phạm san lấp tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng trong hành lang bảo vệ đê của Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm (huyện Từ Liêm); Công ty cổ phần Thương mại Nam Thăng Long (huyện Từ Liêm) xây dựng các hạng mục không phép trên bãi sông; đổ phế thải ở ngoài bãi sông khu vực cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ) với khối lượng lớn, trong thời gian dài; Tình trạng đổ phế thải và tôn cao mặt bằng ở gầm cầu Thanh Trì để làm chỗ gửi xe cao hơn khu vực bãi sông 1-1,2m (thuộc địa bàn quận Hoàng Mai); Tập kết cát, sỏi, vật liệu với khối lượng lớn ở bờ hữu sông Hồng khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long, huyện Từ Liêm; xã Thống Nhất, thị trấn Vạn Điểm, huyện Thường Tín; xây dựng lò gạch, đổ chất thải ở bờ hữu sông Hồng khu vực các xã Hồng Thái, Phú Minh, huyện Phú Xuyên... Những hành vi này ảnh hưởng rất lớn đến việc thoát lũ của sông Hồng.

Tuy nhiên, kết quả xử lý, giải tỏa vi phạm còn thấp (mới xử lý được 741 vụ, còn tồn đọng 875 vụ). Các vi phạm đã được xử lý hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Hiện, Chi cục Đê điều và PCLB đang phối hợp với chính quyền cơ sở và các ngành liên quan đưa ra phương án xử lý. Đối với vi phạm đổ phế thải ở ngoài bãi sông khu vực cầu Nhật Tân, Chi cục đã có văn bản đề nghị quận Tây Hồ xử lý, trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực. Đối với các vi phạm còn lại, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác định mức độ và tính chất vi phạm để yêu cầu các đơn vị khắc phục theo đúng quy định. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nhắc nhở nhưng việc đổ phế thải dưới gầm cầu Thanh Trì vẫn chưa được giải quyết. Các đơn vị vẫn bất chấp ý kiến của cơ quan quản lý đê điều, ngang nhiên vi phạm trong sự im lặng của chính quyền sở tại. Tại huyện Phú Xuyên, các lò gạch ven sông hiện vẫn án binh bất động do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền nên vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa có nguy cơ làm sụt lún triền đê, gây ảnh hưởng tới an toàn đê.

Để xử lý dứt điểm các vi phạm, chống tái vi phạm, ngành nông nghiệp cần tập trung xây dựng hệ thống đường hành lang ven đê, hình thành ranh giới để người dân không lấn chiếm. Tại khu vực nội thành, cần sớm cắm mốc chỉ giới thoát lũ, đồng thời quy hoạch bãi sông, bến sông, quy định rõ khu vực được khai thác cát, khu vực tập kết vật liệu xây dựng, bãi đổ phế thải... giúp cho công tác quản lý dễ dàng. Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho rằng, để giải quyết dứt điểm các vi phạm, việc phối hợp liên ngành phải chặt chẽ. Vấn đề khai thác cát cần được ngành công an kiểm soát chặt, tránh hình thành những bãi tập kết, chất chứa cát trên đê. Ngoài ra, chính quyền cơ sở sớm quy hoạch các bãi sông cho phù hợp, bảo đảm cho việc thoát lũ, không để người dân lấn chiếm hoặc đổ phế thải gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối vi phạm pháp luật về đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.