(HNM) - Theo một cán bộ UBND huyện Thanh Trì, mặt bằng của dự án Khu đô thị Tây nam Kim Giang I tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, mới ở dạng
Chuyển nhượng đất trong vùng dự án…
Trong vai người có thu nhập thấp, cần mua nhà ở, phóng viên Báo Hànộimới được một người đàn ông ở Ngõ 214, đường Nguyễn Xiển nhiệt tình... cảnh báo: Đất phía cuối ngõ dễ "dính" quy hoạch dự án (DA) của Khu đô thị Tây nam Kim Giang I, không nên mua. Nếu mua, nên chọn những căn hộ phía ngoài, giáp đất của thổ cư của một số khu tập thể mới an toàn. Để tạo độ tin tưởng, người này chỉ tay dẫn chứng: Căn nhà kia rộng 20m2, vừa được bán đầu năm 2015 với giá 800 triệu đồng, căn này rộng 74m2 cũng được bán cuối năm 2014 với giá 1,8 tỷ đồng… Hiện tôi đang bán căn nhà rộng 70m2, giá 2 tỷ đồng.
Những công trình vi phạm trật tự xây dựng ở Ngõ 270 đường Nguyễn Xiển. |
Thăm dò phía cuối ngõ, một người dân cho hay: Trong hai năm qua vẫn có rất nhiều người tìm mua đất vì không ai biết mốc giới của DA được cắm ở đâu. Ở đây có một số người chuyên xây nhà chỉ để bán chứ không… để ở. Qua tìm hiểu, được biết toàn bộ khu vực này khi đã quy hoạch vào DA Khu đô thị Tây nam Kim Giang I, mốc giới đã được xác định, công tác kiểm kê, GPMB đã được triển khai nhưng việc xây dựng, lấn chiếm vẫn tiếp diễn, tập trung ở Ngõ 214 và 270 - đường Nguyễn Xiển. Nguy hiểm hơn, tại đây còn xuất hiện một số đối tượng "xã hội đen" nhảy dù vào đất của người khác xây nhà để bán với giá chỉ vài trăm triệu đồng/căn. Các đối tượng này không bao giờ lộ mặt, nhưng sẵn sàng "hành động" với những ai động chạm đến quyền lợi. Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm nhưng không ít người vẫn rơi vào bẫy và bàng hoàng khi biết đó không phải là đất của những người đã bán cho mình; lại càng hoang mang hơn khi biết đất đã có quyết định thu hồi cho DA Khu đô thị Tây nam Kim Giang I. Gần đây nhất, một cán bộ của Đội Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì cũng đã bị một đối tượng lạ "khủng bố" bằng tin nhắn, chặn đường đánh bằng mũ bảo hiểm. Thậm chí, cán bộ này còn bị bám theo từ nhà với đe dọa "không được đi làm"… trong khi trước đó ít ngày, cán bộ này từng tham gia kiểm tra vi phạm ở khu vực DA Tây nam Kim Giang I.
Từ nhiều năm nay, Ngõ 270 và một phần của Ngõ 214 đường Nguyễn Xiển là khu vực khá "nhạy cảm". Đây là khu vực giáp ranh, đan xen giữa xã Tân Triều (Thanh Trì) và phường Hạ Đình (Thanh Xuân). Điểm nổi trội, dễ nhận thấy của khu vực này là tồn tại quá nhiều vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng. Chỉ trên phần bờ đất của rẻo mương tại Ngõ 270, đường Nguyễn Xiển là vị trí giáp ranh giữa xã Tân Triều (Thanh Trì) với phường Hạ Đình (Thanh Xuân) đã có đến vài chục căn nhà. Phần lớn đây là những nhà tạm bợ, chủ căn hộ tự đặt số nhà, số ngõ. Còn phía cuối Ngách 55, Ngõ 214 đường Nguyễn Xiển cũng là những căn nhà lợp mái tôn... Gần đó, cả một diện tích đất rộng lớn đã bị ngập trong phế thải vật liệu xây dựng. Để giữ được hiện trạng ổn định, không có vi phạm mới phát sinh là sự vất vả, gian nan, đổi bằng nhiều công sức, thời gian lực lượng chức năng. Chính vì thế, chính quyền các địa phương có đất liền kề với DA kiến nghị cơ quan chức năng sớm đẩy nhanh tiến độ GPMB DA Tây nam Kim Giang I để ổn định tình hình…
Người thuộc diện thu hồi đất không hợp tác
Dự án đầu tư xây dựng công trình GPMB và san nền sơ bộ Khu đô thị Tây nam Kim Giang I được Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố triển khai từ năm 2007 và đến năm 2010, chuyển giao lại cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì (nay là Chi nhánh Phát triển Quỹ đất Thanh Trì). Tổng số hộ có đất, tài sản nằm trong chỉ giới thu hồi là 417 hộ, trong đó 20 hộ có đất ở và 397 hộ có đất nông nghiệp (NN). Đến tháng 11-2013, UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (BT, HT) đối với 309/417 hộ, tuy nhiên mới chỉ có 171 hộ chấp hành, số còn lại chưa đồng tình.
"Nút thắt" lớn và khiến nhiều hộ dân có đơn kiến nghị đều liên quan đến chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm với người bị thu hồi trên 30% tổng diện tích đất NN. Khi triển khai GPMB, theo Quyết định 33/2008/QĐ-UBND ngày 9-6-2008 của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì đã công bố chính sách BT, HT chuyển đổi nghề và tạo việc làm. Theo đó, người bị thu hồi trên 30% diện tích đất NN được giao sẽ được HT bằng giao đất ở với diện tích 60m2. Sau đó, do chính sách BT, HT GPMB thay đổi nên tại thời điểm Chi nhánh Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì triển khai GPMB thì Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2008 của UBND thành phố đang có hiệu lực.
Theo Quyết định này thì chính sách HT cho người bị thu hồi trên 30% diện tích đất NN sẽ không được HT, chuyển đổi nghề bằng giao đất ở nữa. Tuy nhiên, do DA đang thực hiện chuyển tiếp nên ngày 23-3-2011, UBND thành phố có Văn bản 1982/UBND- KH&ĐT, đồng ý cho UBND huyện Thanh Trì bố trí giao đất ở cho các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất NN tại xứ đồng Bờ Lờ và khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An tại xã Thanh Liệt với điều kiện các hộ phải có đơn bằng văn bản, thể hiện rõ nguyện vọng nhận HT bằng tiền hay bằng đất.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, khảo sát, nhiều hộ dân không hợp tác kê khai, không có đơn đề nghị được hưởng chính sách HT chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng giao đất nên ngày 22-11-2013, UBND huyện Thanh Trì căn cứ Quyết định 108/2009/QĐ-UBND, phê duyệt phương án BT, HT cho 309/417 hộ. Song còn 138/309 hộ không đồng ý với phương án BT, HT.
Đề xuất "chưa đủ cơ sở để xem xét…"
Về việc phần lớn người bị thu hồi đất không đồng tình với phương án BT, HT, ông Nguyễn Huy Hiển, cán bộ Ban Bồi thường, GPMB huyện Thanh Trì cho biết: Trong tổng số 309 hộ được công khai phương án chỉ có 73 hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất NN có đơn đề nghị được HT bằng giao đất ở nên huyện đã phê duyệt phương án giao đất cho các hộ này; các hộ còn lại không có đơn đề nghị nên UBND huyện đã hỗ trợ tiền với mức gấp 5 lần giá đất NN. Sau khi công khai phương án đã phê duyệt, 82 hộ có đơn đề nghị được HT chuyển đổi nghề bằng giao đất ở.
Trên cơ sở đó, ngày 9-6-2014, Hội đồng BT, HT và TĐC huyện Thanh Trì đã xem xét, thẩm định điều chỉnh phương án HT chuyển đổi nghề, từ bằng tiền sang bằng HT đất ở cho các hộ theo Thông báo số 48/TB-VP ngày 24-5-2013 của UBND thành phố. Tuy nhiên, trong khi đang xem xét để phê duyệt phương án điều chỉnh thì Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, do đó, UBND huyện đã tạm dừng không phê duyệt phương án điều chỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì đã thực hiện điều tra, khảo sát nhưng chưa phê duyệt phương án của 108 hộ, trong đó 20 hộ có đất ở và 81 hộ có đơn đề nghị được hưởng HT chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất ở. Như vậy, đến thời điểm hiện nay vẫn còn 82 hộ không đồng tình với phương án BT, HT đã được phê duyệt phương án và 81 hộ chưa được phê duyệt phương án BT, HT đều có nguyện vọng được BT, HT bằng giao đất ở.
Để bảo đảm tiến độ GPMB và theo đề xuất của UBND xã Tân Triều, ngày 29-8-2014, UBND huyện Thanh Trì đã gửi văn bản, đề nghị UBND thành phố chấp thuận cho UBND huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện theo cơ chế, chính sách cho các hộ dân nêu trên được hưởng HT bằng giao 60m2 đất ở. Sau khi xem xét, UBND thành phố đã đồng ý với nội dung tại Tờ trình 943/TTr-BCĐ ngày 27-10-2014 của Ban Chỉ đạo GPMB thành phố. Theo đó, với 82 hộ đã được phê duyệt phương án BT, HT, vì không hợp tác để điều tra, kiểm đếm, không có đơn đề nghị được hưởng HT bằng tiền hay bằng đất ở trước thời điểm UBND huyện phê duyệt phương án là lỗi của các hộ dân, do đó liên ngành thống nhất giữ nguyên phương án BT, HT bằng tiền đã được phê duyệt. Còn 81 hộ chưa có phương án BT, HT nhưng đề nghị được BT, HT bằng giao đất ở là không phù hợp với Luật Đất đai hiện hành.
Tuy nhiên, người dân vẫn không đồng tình với trả lời của các cấp, không nhận tiền và tiếp tục gửi đơn kiến nghị… Do đó, ngày 4-8-2015, UBND huyện Thanh Trì tiếp tục có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của thành phố. Tại Văn bản số 8037/UBND-TNMT ngày 12-11-2015, UBND thành phố chỉ đạo huyện Thanh Trì vẫn giữ nguyên phương án BT, HT bằng tiền cho các hộ dân mà UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt vì "chưa đủ cơ sở để xem xét".
Như vậy, nếu các hộ dân không thực hiện phương án BT, HT đã được phê duyệt thì việc cưỡng chế để thực hiện GPMB sẽ phải triển khai. Chưa kể, trên phần đất của DA còn khoảng 200 công trình xây dựng trái phép trên đất công và đất NN đến nay chưa điều tra hiện trạng… Với thực trạng ngổn ngang như vậy, công tác GPMB không biết đến bao giờ mới "thông". Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, chính quyền phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Trân Triều, huyện Thanh Trì trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn khu vực giáp ranh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.