Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhức nhối sau những ngày vui

Tuệ Diễm| 17/02/2016 07:10

(HNM) - Trong những ngày Tết, chứng kiến và cấp cứu các nạn nhân tai nạn giao thông, đánh nhau... nhưng miệng sặc mùi bia rượu, các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vốn quen giành giật sự sống với tử thần, cứu sống bệnh nhân vẫn không kìm được nỗi đau trong ngày đáng lẽ phải vui. Và giờ này, các y, bác sĩ nơi đây vẫn chưa được nghỉ bù vì số ca nhập viện vì dư âm Tết vẫn cao.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục tăng sau tết Nguyên đán.


Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong 9 ngày nghỉ tết Bính Thân 2016, tổng số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu ở đây lên đến 2.271 ca, tăng 1,7% so với 9 ngày nghỉ Tết năm ngoái. Trong đó, tập trung chủ yếu là các trường hợp tai nạn giao thông (554 ca), tai nạn trong sinh hoạt (106 ca); đả thương (58 trường hợp)… Điều đáng nói, số bệnh nhân tử vong cũng như bệnh quá nặng không thể cứu chữa cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Số bệnh nhân bị tử vong tại bệnh viện này lên đến 45 trường hợp, tăng 16 ca (tăng 155,2%); số người bệnh nặng xin về lên đến 141, tăng 49 trường hợp (tăng 153,3%) so với dịp nghỉ tết Ất Mùi.

Nhưng Tết đi qua, tỷ lệ người nhập viện cấp cứu bởi dư âm vẫn tiếp tục tăng. Có mặt tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi thấy cảnh bệnh nhân nặng liên tục từ các tỉnh, thành phía Nam được chuyển về đây. Vừa chấm dứt kíp trực kéo dài trong 9 ngày Tết, bác sĩ Lê Phước Đại - Quyền trưởng ca trực - lại bắt đầu xoay vòng với một kíp trực mới, mà chưa được nghỉ ngơi ngày nào, bởi những ca tai nạn thương tâm, những vụ ẩu đả vẫn được chuyển về đây. "Ngay ngày làm việc đầu tiên sau Tết, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận hơn 350 ca bệnh. Đã có 3 bệnh nhân tử vong…" - bác sĩ Lê Phước Đại thở dài. Cũng theo bác sĩ Đại, suốt 8 năm đảm nhận nhiệm vụ tại Khoa Cấp cứu, anh chưa một lần được ăn Tết với gia đình. Và cứ mỗi dịp Tết, sau một kíp trực, các y, bác sĩ ở đây lại có nhiều nỗi tâm tư. Bởi nhiều năm qua, cứ Tết đến thì người dân đến cấp cứu lại tăng vọt so với ngày thường, tỷ lệ tử vong cũng vậy.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Yến Ngọc, có 5 năm liền làm việc tại Khoa Cấp cứu cho biết, nỗi ám ảnh những ngày này là tiếp nhận những ca tai nạn giao thông thương tâm và ca cấp cứu vì đâm chém. Ngọc cho biết: "Ngày nào tôi trực cũng tiếp nhận các ca đả thương. Trong đó, có một ca thương tâm, bệnh nhân bị đâm trúng tim, được đưa vào đây cấp cứu, nhưng đã chết. Đó là một thanh niên còn rất trẻ, phía trước còn cả một tương lai. Chắc có lẽ các em không phải sống xa nhà, không phải đón Tết xa quê nên không cảm nhận được những phút giây của sự đoàn tụ. Vì thế mà mâu thuẫn nhỏ trong ngày Tết cũng đẩy đến cái chết thương tâm".

Cùng chung tâm trạng với điều dưỡng Ngọc, điều dưỡng Trương Công Trận đã có 16 năm phục vụ tại Khoa Cấp cứu, cho biết: Khi chứng kiến những người bệnh nhập viện vì say xỉn dẫn đến đâm chém nhau, anh rất trăn trở: "Tầm 3 năm trở lại đây, tôi thấy tình trạng đánh nhau phải đi cấp cứu trong và sau Tết tăng. Qua hỏi han, động viên người nhà thì biết những vụ đâm chém, mâu thuẫn xuất phát từ những lý do đơn giản cũng dẫn đến cái chết thương tâm. Nhiều người được gần gũi, sum họp với gia đình tại sao không hưởng thụ mà phút bốc đồng để xảy ra tình trạng đáng tiếc" - Trương Công Trận nói!

Câu hỏi đó của các y, bác sĩ, những người vốn đã quen với dao mổ, với cảnh tang thương vì thế vẫn còn nhức nhối và chưa có câu trả lời!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối sau những ngày vui

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.