(HNM) - Dư luận trong những ngày qua vô cùng phẫn nộ sau khi đoạn video clip quay cảnh một bảo mẫu hành hạ bé gái khoảng 3 tuổi trong khi tắm cho bé được phát tán trên mạng. Một lần nữa, hồi chuông báo động đến toàn xã hội về nạn bạo hành trẻ em lại được gióng lên. Phải làm gì để ngăn chặn thực trạng này? Câu hỏi trên đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các em học sinh và thầy, cô giáo.
Em Trần Thanh Hiền, lớp 12 Trường THPT Kim Liên:
Em thấy chưa bao giờ dư luận xã hội lại bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Và cũng chưa bao giờ số trẻ em bị đánh đập, hành hạ xuất hiện trên mặt báo nhiều như thời gian qua. Hết vụ người bảo mẫu tên là Hoa bạo hành trẻ em, vụ vợ chồng Giang - Thơm tra tấn tàn bạo em Hào Anh chưa phai trong tâm trí người dân, thì nay lại đến vụ bảo mẫu Phụng hành hạ em bé mới 3 tuổi. Tại sao khi xã hội đang ngày càng phát triển, càng hiện đại mà đạo đức, tình cảm của một số người lại suy giảm đến như vậy? Em mong các cấp chính quyền cần đưa ra những biện pháp mạnh để trừng trị đích đáng, trả lại tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên và vui tươi cho trẻ em.
Em Hoàng Minh Hiếu, lớp 8 Trường THCS Ngọc Thụy:
Những đứa trẻ đáng yêu kia có tội tình gì mà sao lại phải gánh chịu đòn roi, những hành vi nhẫn tâm của người lớn như vậy? Em nghĩ rằng luật pháp cần đưa ra những bản án thật nghiêm khắc với những con người độc ác, bởi có vậy thì những người phạm tội mới có thể tỉnh ngộ. Mặt khác, sự trừng trị mạnh tay với những người phạm tội ác cũng sẽ là bài học cảnh tỉnh, răn đe kẻ khác. Nếu không, em nghĩ xã hội sẽ còn tiếp diễn những kiểu hành hạ trẻ em dã man hơn nữa.
Cô giáo Đặng Thị Tỵ, Trường THCS Ngọc Lâm:
Những vụ bạo hành trẻ em bị phanh phui gần đây cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một số người và làm cho các bậc phụ huynh cảm thấy bất an. Đây cũng chỉ là "phần nổi của tảng băng". Đâu đó trong xã hội vẫn còn có những trường hợp trẻ em bị bạo hành bởi người trông trẻ và bởi chính người thân của các em. Chính vì vậy, tôi vô cùng vui mừng khi có những người đã dũng cảm ghi hình những kẻ thủ ác đó để đưa ra ánh sáng. Trẻ bị bạo hành không chỉ là nỗi đau của gia đình mà đó còn là nỗi đau của toàn xã hội. Bởi vì khi trở thành nạn nhân của những hành động độc ác kia, những đứa trẻ không may đó sẽ bị suy giảm trí tuệ, ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý sau này. Và khi lớn lên, mỗi đứa trẻ bị bạo hành sẽ mang trong lòng sự tổn thương và hận thù, điều đó sẽ có tác động xấu đến xã hội. Tôi mong rằng, bên cạnh việc đưa ra những biện pháp nghiêm trị những kẻ đã gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần cho các em, các cấp chính quyền cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp bảo vệ các em. Cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho các nhà trẻ, trường mầm non và tăng cường tuyên truyền giáo dục về quyền trẻ em, cách bảo vệ trẻ em. Phải tuyên truyền đến từng khu phố, từng gia đình để làm thay đổi nhận thức người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.