(HNMO) - Ngày 28-7, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố báo cáo “Xu hướng nhu cầu vàng” quý II-2022, trong đó đánh giá nhu cầu tiêu dùng vàng của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, báo cáo ghi nhận nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam lên tới 14 tấn trong quý II-2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý II-2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý II-2021 lên 4,5 tấn trong quý II-2022.
Theo Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) WGC Andrew Naylor, sự gia tăng nói trên là do nhà đầu tư lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, do đó tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.
Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) trong quý II-2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 948 tấn. Tuy nhiên, nhờ dòng vốn ETF (quỹ hoán đổi danh mục) mạnh mẽ trong quý 1, nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 12% so với nửa đầu năm 2021 ở mức 2.189 tấn.
Nhìn vào toàn cảnh nhu cầu thế giới, sau đợt phục hồi ban đầu vào tháng 4 về rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát gia tăng, giá vàng đã sụt giảm trong quý II-2022 khi các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung sang lãi suất tăng nhanh và đồng USD gia tăng mạnh mẽ.
Trong khi đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng duy trì tình trạng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 245 tấn trong quý vừa qua. Nhu cầu tăng mạnh đáng chú ý tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng dịch Covid-19. Do đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng toàn cầu đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 526 tấn trong nửa đầu năm.
Trong lĩnh vực trang sức, nhu cầu vàng trong quý II-2022 đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 453 tấn, nhờ nhu cầu tại Ấn Độ tăng trở lại, tăng thêm 49% so với quý II-2021. Tình hình tăng trưởng mạnh mẽ tại Ấn Độ đã giúp cân bằng với mức nhu cầu giảm đáng kể 29% tại Trung Quốc lục địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.