(HNM) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vỉa hè, đường xung quanh các chợ, khu tập thể, khu đô thị... tại nhiều quận nội thành trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị biến thành chợ tự phát (chợ cóc). Một trong những nguyên nhân khiến "chợ cóc" xuất hiện nhiều chính là do thói quen tùy tiện dừng xe mua bán… của người dân.
Gây ô nhiễm, ách tắc giao thông
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội còn 51 điểm “chợ cóc”, chợ tạm. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng cao nên tại các đường, phố, ngõ nhỏ của Hà Nội đã hình thành thêm nhiều nhóm chợ tự phát, gây ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, khoảng 10 ngày trở lại đây, tại vỉa hè khu vực đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm) xuất hiện hàng chục sạp quần áo lớn nhỏ bày giăng kín vỉa hè... Tương tự, phố Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm) vốn có một "chợ cóc" hoạt động từ sáng sớm đến 20h hằng ngày với hàng trăm hộ kinh doanh thực phẩm, hoa quả, đồ ăn tươi sống..., nay lại càng thêm ách tắc giao thông do lượng hàng hóa ùn ùn đổ về dịp cận Tết. Chị Lương Thu Hằng, sinh sống tại phố Nguyễn Đổng Chi phản ánh: "Mấy ngày nay, đường phố chật chội, ách tắc do vỉa hè bị các hộ kinh doanh lấn chiếm bày hàng hóa, lòng đường bị chiếm dụng để xe. Khắp nơi bốc mùi hôi thối từ rác thải tồn đọng".
Tại phố Doãn Kế Thiện, quận Cầu Giấy, một "chợ cóc" cũng xuất hiện, hoạt động 6h00-9h00 sáng và 16h30-19h00 hằng ngày với hàng chục xe thồ bán các loại hoa quả dựng ngay dưới lòng đường, khiến giao thông khu vực này luôn tắc nghẽn. Cùng khu vực quận Cầu Giấy, phố Trần Quốc Vượng có khoảng 30 hộ lấn chiếm hè, đường để bán đồ ăn chín, rau củ quả, thực phẩm...
Tương tự, khu vực đường Cầu Mới, gần chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cũng hình thành một "chợ cóc" với hàng trăm hộ kinh doanh chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau củ quả... Hoặc tại ngõ 92 phố Lương Yên, đoạn ngã ba Lương Yên - đê Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) thường xuyên bị ùn tắc do một "chợ cóc" tồn tại... Chợ tự phát cũng phát sinh nhiều ở khu tập thể cũ thuộc các phường: Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân); ở các khu chung cư như Khu đô thị Linh Đàm, khu chung cư HH (quận Hoàng Mai)...
Lý giải tình trạng “chợ cóc” gia tăng trên một số tuyến phố, lãnh đạo các địa phương cho biết, do nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tăng, các địa phương lại thiếu chợ truyền thống, cùng thói quen tiện đâu mua đấy của người tiêu dùng nên việc hình thành một “chợ cóc” rất nhanh chóng. Ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, các gia đình tận dụng nhà mặt phố, chiếm dụng vỉa hè để bán hàng, lâu dần biến thành chợ tự phát. Còn theo bà Lê Bích Hằng, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), lực lượng chức năng của phường thường xuyên kiểm tra, giải tỏa, thu giữ hàng hóa và xử phạt vi phạm lấn chiếm hè, đường buôn bán. Tuy nhiên, do phần lớn người kinh doanh từ nhiều nơi đến nên khi lực lượng chức năng rời đi vi phạm lại tái diễn.
Nghiêm túc chấn chỉnh
Trước tình hình trên, các địa phương đã có kế hoạch mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự giao thông, đô thị dịp Tết. Tại lễ ra quân Năm an toàn giao thông 2019 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố.
Theo Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động Công an quận Hoàn Kiếm, công an quận đã phối hợp với công an các phường duy trì tổ công tác nhắc nhở các hộ kinh doanh bảo đảm trật tự đô thị, đồng thời xử lý những trường hợp chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Từ tháng 12-2019 đến nay, công an quận đã xử phạt trên 1.600 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, giao thông, 12 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường; trong đó có nhiều trường hợp kinh doanh lấn chiếm hè, đường.
Từ đầu tháng 1-2020, UBND quận Đống Đa cũng tổ chức ra quân bảo đảm trật tự đô thị. Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, với "chợ cóc" tại khu Cầu Mới, tập thể Vĩnh Hồ, đảo tròn Khâm Thiên..., lực lượng chức năng cũng đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa không đúng nơi quy định.
Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo các quận khẳng định sẽ kiên quyết yêu cầu các phường rà soát, thống kê toàn bộ “chợ cóc” và lên kế hoạch giải tỏa từng điểm, bàn giao lại cho khu dân cư tự quản lý. Trước mắt, kiên trì tổ chức lực lượng tuần tra, xử phạt. Đặc biệt, một số quận như Thanh Xuân, Đống Đa..., đã chỉ đạo UBND phường phải có thông báo nhắc nhở công dân vi phạm trên địa bàn. Ngoài biện pháp nêu trên, các địa phương cũng tăng cường phối hợp giải quyết vi phạm tại khu vực giáp ranh để nâng cao hiệu quả xử lý; quy hoạch hộ kinh doanh vào chợ truyền thống đã xây dựng; vận động người dân thay đổi thói quen mua bán, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, văn minh đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.