(HNM) - Ngày 4-11, các nước Pháp, Anh và Mỹ đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liệt nhóm Hồi giáo Ansar al-Sharia ở Libya vào danh sách khủng bố với lý do: Nhóm này có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) và nhiều tổ chức cực đoan khác.
Ansar al-Sharia bắt đầu hình thành trong thời kỳ nội chiến ở Libya và chính thức xuất hiện sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị bắn chết. Hiện tại, nhóm Hồi giáo cực đoan này có khoảng 5.000 thành viên. Theo văn bản đề nghị của ba nước trên, kể từ năm 2012, nhánh Ansar al-Sharia ở Benghazi đã lập ra nhiều trại huấn luyện khủng bố nhằm hỗ trợ các tổ chức vũ trang ở Iraq, Syria và Mali.
Nhóm Hồi giáo Ansar al-Sharia ở Libya. (Ảnh: Worldbulletin) |
Nhóm này chính là thủ phạm trong vụ tấn công tổ hợp khí đốt In Amenas của Algeria vào năm 2013 và vụ tấn công nhằm vào phái bộ ngoại giao Mỹ ở Benghazi năm 2012 khiến Đại sứ Mỹ và 3 công dân nước này thiệt mạng. Trong thời gian qua, nhánh Ansar al-Sharia ở Benghazi cũng đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các lực lượng an ninh ở Libya, trong khi nhánh Ansar al-Sharia ở Derna cũng vừa bị cáo buộc dính líu tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. Cuối tháng 7 vừa qua, Phát ngôn viên của Ansar al-Sharia còn khẳng định, Benghazi đã trở thành Tiểu vương quốc Hồi giáo. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ansar al-Sharia giành quyền kiểm soát Benghazi và một tháng sau khi nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) công bố thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong một cuộc họp hồi tháng 9, bên lề hội nghị Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius từng tuyên bố nhóm Ansar al-Sharia sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt như một phần trong nỗ lực nhằm ngăn Libya lún sâu hơn vào tình trạng bạo lực. Mỹ cũng từng có những kế hoạch nhằm làm suy yếu Ansar al-Sharia. Tuy nhiên, thủ lĩnh của nhóm này là Mohamed al-Zahawi không ngần ngại tuyên bố, Washington sẽ "thảm bại" hơn cả ở Iraq khi can thiệp vào Libya.
Trên thực tế, cái tên Ansar al-Sharia đã xuất hiện ở ít nhất 7 quốc gia vùng Bắc Phi. Chúng có chung lý tưởng và mục tiêu hoạt động. Tuy nhiên, Ansar al-Sharia ở mỗi quốc gia vẫn là một nhóm độc lập chưa có sự liên quan chặt chẽ với nhau về mặt cơ cấu tổ chức. Theo kế hoạch, 15 nước thành viên của ủy ban chịu trách nhiệm về các biện pháp trừng phạt Al-Qaeda thuộc HĐBA LHQ sẽ bỏ phiếu thông qua đề nghị này vào ngày 19-11. Nếu đề nghị này được thông qua, Ansar al-Sharia sẽ chính thức bị đưa vào danh sách khủng bố của LHQ, đồng nghĩa với việc các thành viên của nhóm này sẽ không được cấp thị thực, bị phong tỏa tài sản và cấm vận vũ khí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.