(HNNN) - Những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua ở Hà Nội diễn ra đúng thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng. Chính vì vậy, nhu cầu giao nhận hàng hóa tăng đột biến. Bất chấp cái nắng cháy rát da, các shipper (người vận chuyển, giao hàng) vẫn đổ ra đường để giao hàng, đặc biệt là giao đồ ăn, thức uống phục vụ nhu cầu mua hàng online để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Mùa hè, mùa dịch, mùa ship
Những ngày vừa qua, nhiệt độ giữa trưa ngoài đường tại Hà Nội có những ngày lên đến 40 - 45oC. Đây cũng là thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn ra vô cùng căng thẳng. Chính vì vậy mà nhiều người chọn cách “cố thủ” tại nhà, tại công ty, vừa để tránh cái nóng như đổ lửa, vừa để phòng tránh dịch bệnh. Nắng nóng, dịch bệnh làm đảo lộn sinh hoạt của người dân Thủ đô, nhưng nhu cầu ăn uống, mua sắm vẫn là rất lớn. Do đó, lượng đơn giao nhận hàng hóa tăng gấp 2 - 3 lần bình thường. Đây chính là thời cơ tăng thu nhập của những người làm nghề shipper.
Mặc cho thời tiết nắng nóng, các shipper vẫn miệt mài làm việc để lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Anh Trần Quang Tuấn Tú (19 tuổi), hiện đang là nhân viên giao hàng của ứng dụng Beamin, cho biết, những ngày này, giá ship cho mỗi đơn cao hơn bình thường khoảng 5.000 - 10.000 đồng. Với phương châm tích tiểu thành đại, các shipper luôn nỗ lực để có thật nhiều đơn hàng. Bên cạnh đó, giá trị trung bình đơn tăng, cộng thêm tiền thưởng từ phía ứng dụng giao hàng nên thu nhập của shipper cũng khá hơn thường ngày. “Đơn hàng mùa này thì chạy không xuể, ngày căng nhất mình nhận tới 40 đơn hàng. Nhiều khi còn chẳng có thời gian nghỉ ngơi, ăn trưa cũng phải vội vàng, tạm bợ. Vì còn đang phải dành thời gian cho việc học nên mình chỉ nhận giao hàng vào lúc rảnh, trước kia mỗi ngày thu về khoảng 200 - 300 nghìn đồng thôi. Nhưng vào những ngày này, thu nhập có thể tăng đến 600 nghìn đồng, trừ chi phí đi lại thì mình còn khoảng 500 nghìn đồng. Những người chạy ship full-time thì sẽ có thu nhập cao hơn” - anh Tú cho biết thêm.
Theo các shipper, lượng đơn hàng tập trung nhiều vào khung giờ từ 11h trưa đến 3h chiều. Đó lại chính là khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày. Anh Bùi Huy Thường (35 tuổi, nhân viên giao hàng) chia sẻ: “Đó là thời gian nghỉ ngơi của dân văn phòng, họ gọi đồ ăn và trà sữa nhiều lắm. Ai mà chịu khó cày cuốc thì thu nhập cũng khá. Có khi chạy mỗi khung giờ đó thôi đã bằng thu nhập nửa ngày rồi. Nhưng tầm này nắng quá nên nhiều shipper nghỉ. Như mình thì buổi sáng chỉ nhận đơn đến 11h, buổi chiều nhận đơn từ 15h thôi vì mình bị say nắng. Shipper thì ít, đơn hàng thì nhiều nên tình trạng quá tải đơn diễn ra như cơm bữa”.
Chị Hà Thị Hương (38 tuổi, chủ quán ăn tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Dạo này dịch diễn biến phức tạp, quán chỉ bán mang về thôi nên khách đặt nhiều lắm. Buổi trưa, có ngày shipper đến nườm nượp. Ngõ thì nhỏ, người giao hàng lại đông. Để phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhà tôi phải cắt cử người nhắc nhở shipper xếp hàng và đảm bảo khoảng cách an toàn”.
Do không thể đáp ứng đủ nhu cầu giao nhận của người dân, trong nhiều trường hợp, shipper buộc phải “chê” đơn, lấy lý do bận hoặc đã có đơn hàng để từ chối khéo. Chị Lại Anh Thư (23 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay: “Mấy hôm nắng nóng mình gọi cơm trưa cho anh chị em trong văn phòng, khi thì ship không nhận, khi thì bị hủy đơn. Có lần shipper còn chẳng gọi điện báo, cả văn phòng chủ quan ngồi đợi mãi không thấy đồ ăn giao đến, nhìn ứng dụng mới biết đơn đã bị hủy rồi”.
Không riêng gì khách hàng đặt đồ, đến những chủ shop online như chị Nguyễn Thị Bình (33 tuổi) cũng than phiền: “Thường ngày gọi ship dễ lắm nhưng những ngày nắng nóng thì gọi trước cả tiếng có khi không ai nhận. Có trường hợp ship hẹn rồi lại không thấy qua. Vậy là nhiều lúc tôi phải tự đi giao hàng luôn”.
Nghề ship - nụ cười và nước mắt
Găng tay, khẩu trang kín mít và chiếc áo khoác dày, đó là những vật dụng luôn đi kèm cùng nghề shipper để giúp các anh chị tránh được phần nào cái nắng của mùa hè oi ả. Cũng giống như bất cứ nghề nào khác, một ngày của shipper cũng lắm nụ cười và đôi khi nhiều nước mắt.
“Cái khiến shipper dễ bực mình nhất vào mùa này chính là đợi khách lâu. Ngày mát mẻ thì không sao nhưng những ngày nắng nóng, dưới nhiệt độ 40oC này mà phải đợi khách lấy đồ đến tận 15 - 20 phút thì đối với shipper quả là một cực hình. Vừa nóng, vừa lỡ cả công việc”. Anh Cao Hoàng Minh (41 tuổi, nhân viên giao hàng) nói. Theo như chia sẻ của các shipper, trong tất cả các hàng hóa thì ship đồ ăn là khó nhất. Đặc biệt là các mặt hàng như bún, phở, mỳ, bánh kem... vừa cồng kềnh, lại phải đảm bảo chất lượng của đồ ăn trong thời tiết nắng nóng. Ngoài đồ ăn, có những mặt hàng khác cũng mang lại rủi ro khi nhận ship như đồ điện tử, hàng dễ vỡ.
Khách hàng “bùng” đơn là trường hợp mà bất cứ người làm nghề ship nào cũng lo sợ. Có những đơn hàng đồ ăn giá trị lớn, shipper ứng trước tiền cho chủ cửa hàng rồi thu của khách sau, nhưng đến nơi khách hàng không nhận mà cũng không thể trả lại hàng. Đã có rất nhiều shipper gặp phải trường hợp như thế. Có người chọn cách bán lại cho đồng nghiệp, có người một mình “xử lý” hết chỗ đồ ăn đó. Nhưng dù giải quyết bằng cách nào thì đó cũng là điều mà các shipper không bao giờ muốn gặp phải.
Gần đây, khi ứng dụng Now có chính sách gộp đơn, nhiều shipper tỏ ra phẫn nộ: “Chính sách này rất không hợp lý, tài xế lại phải mang theo một lượng hàng lớn, đi tới từng quán ăn, gộp đủ số lượng mới được giao. Như vậy, khách sẽ phải đợi rất lâu mới nhận được đơn hàng của mình. Có khi đồ ăn đến tay cũng không còn được thơm ngon, nóng hổi nữa. Vậy là khổ cả người ship lẫn khách” - anh Vũ Huy Hoàng (45 tuổi, nhân viên giao hàng) cho biết.
Dẫu có rất nhiều vất vả, khó khăn nhưng các shipper vẫn luôn tận tâm với công việc của mình bởi đâu đó, trong cái nghề này vẫn có nhiều niềm vui và tình người được lan tỏa. Anh Khúc Văn Lan (33 tuổi), đã gắn bó với công việc giao hàng được 3 năm, chia sẻ: “Mình vẫn làm chứ, không làm thì lấy gì mà ăn. Nghề này cũng là thoải mái lắm rồi, làm nhiều thì ăn nhiều, làm ít thì ăn ít. Thi thoảng mình gặp được những chủ quán ăn dễ thương lắm. Trời nắng, họ chuẩn bị cả ghế cho shipper ngồi đợi, còn phục vụ trà đá miễn phí nữa”. Anh Lan cho biết thêm: “Làm nghề này mệt thật nhưng đôi lúc cũng ấm lòng. Có lần tôi bị khách “bùng” 3 suất xôi. Hàng hóa xong xuôi, đến nơi gọi điện thì khách tắt máy. Đang chẳng biết làm thế nào thì có anh bạn cũng làm giao hàng như mình bảo bán lại cho bạn ấy một suất, dù sao thì bạn ấy cũng chưa ăn sáng. Mình chỉ biết cảm ơn. Nghề nào cũng vậy thôi, mình cứ nhìn tích cực thì ở đâu cũng thấy tình người và niềm vui hết”.
Dù đang bận rộn đóng gói hàng để đi giao, bạn Nguyễn Việt Anh (21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Thủy lợi), hiện đang làm giao hàng bán thời gian, vẫn vui vẻ khoe: “Mình vừa được khách tip thêm 10.000 đồng đấy. Nhiều lúc gặp khách hàng đáng yêu, họ thấy shipper giao hàng giữa trời nắng vất vả thì họ tip thêm. Cũng chẳng đáng là bao đâu nhưng thế là mình vui lắm rồi. Làm nghề này niềm vui đơn giản chỉ thế thôi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.