Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhọc nhằn nghề làm giấy Từ Châu

Thu Hằng| 06/11/2011 07:16

(HNM) - Với "tuổi đời" gần 50 năm, nghề làm giấy ở Từ Châu, xã Liên Châu, Thanh Oai đã trải qua không ít thăng trầm. Có thời điểm nhà nhà, người người đua nhau làm giấy (chủ yếu là giấy pháo), nhưng cũng có lúc không còn ai thiết làm nghề vì không có đầu ra cho sản phẩm. Yêu nghề, lo nghề bị thất truyền, một số người dân Từ Châu đã đi học nghề làm giấy ở khắp nơi, rồi đưa nghề sản xuất bìa cát tông về làng.

Một góc làng quê thôn Từ Châu, xã Liên Châu, Thanh Oai.

Trưởng thôn Từ Châu Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Nghề làm giấy có ở đất Từ Châu từ những năm 1967, 1968. Người có công đưa nghề về là bà Học, con gái của làng nghề làm giấy Quán Cốc, xã Hồng Minh (Phú Xuyên) lấy chồng về Từ Châu. Đem nghề về làng, bà đã truyền cho các thành viên trong gia đình, rồi anh em, làng xóm. Dần dần, nghề làm giấy lan ra cả làng Từ Châu. "Năm 1994 trở về trước, gần 100% hộ dân trong làng sản xuất giấy làm pháo. Những năm đó, sắc giấy đỏ thắm phơi khắp các ngõ, ngách của làng, số hộ giàu lên từ nghề làm giấy pháo không đếm xuể" - ông Thủy cho biết. Thế nhưng, kể từ khi Nhà nước cấm sản xuất và đốt pháo nổ, nghề làm giấy ở Từ Châu mai một dần. Lo nghề bị thất truyền, một số người dân đã đi học nghề sản xuất bìa cát tông ở Bắc Ninh. Ban đầu chỉ có vài hộ làm như hộ ông Bơi, ông Thiệu, ông Xừ, anh Bình... nay có gần 20 hộ trong làng mở xưởng làm nghề.

Theo chân ông Nguyễn Xuân Thủy, chúng tôi tới xưởng sản xuất bìa cát tông của anh Nguyễn Văn Nhất nằm lọt thỏm giữa làng. Đến với nghề muộn nhưng với mong muốn giữ nghề truyền thống, năm 2006-2007 anh Nhất quyết định đi học nghề làm bìa cát tông, rồi mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy ép nóng, máy xén và một số thiết bị chuyên dụng về làm bìa lịch, vỏ hộp bánh... xuất khẩu sang các nước châu Âu. Bình quân mỗi tháng gia đình anh Nhất xuất khẩu 50-60 tấn sản phẩm, mỗi năm trừ chi phí thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Hiện xưởng của gia đình anh Nhất giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức lương 3-3,5 triệu đồng/người. Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Đào Quang Huệ cho biết, nhiều hộ đang giàu lên từ nghề làm giấy. Số hộ làm nghề không nhiều nhưng mỗi xưởng đã giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động. Hiện, trên 20% số hộ ở Từ Châu xây nhà kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm chỉ còn 13%.

Seo giấy là khâu quan trọng của nghề làm giấy.

Sản xuất bìa cát tông đang là nghề làm giàu của nhiều hộ dân ở Từ Châu, nhưng do làm nghề tại gia đình nên đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường dân cư. Hiện nay, toàn bộ lượng nước thải, khí thải của các hộ sản xuất bìa cát tông đều xả thẳng ra môi trường, chưa kể ô tô và xe công nông đang băm nát hệ thống đường làng, ngõ xóm… "Mong muốn lớn nhất của các hộ sản xuất bìa cát tông ở Từ Châu bây giờ là xã xây dựng một điểm công nghiệp làng nghề xa khu dân cư để chuyển toàn bộ các hộ sản xuất giấy ra đó, vừa hạn chế ô nhiễm trong khu dân cư, vừa tạo điều kiện để các hộ giao thương, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời đưa nghề này ngày càng phát triển" - ông Đào Quang Huệ bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn nghề làm giấy Từ Châu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.