(HNM) - Dường như mọi ngõ ngách của Hà Nội đều đọng lại những tiếng rao
Nghề đồng nát vất vả nhưng cũng mang lại niềm vui và thu nhập tạm đủ cho cuộc sống của nhiều người.
Mỗi vòng xe của họ là sự háo hức, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại… và hành trình mưu sinh của những người phụ nữ đó ẩn chứa những buồn tủi, cay đắng như chính sự long đong, vất vả của cái nghề đồng nát. Họ cặm cụi len lỏi vào những ngõ hẻm, góc phố thu mua những đồ dùng cũ kỹ, gọi nôm na là đồng nát. Phương tiện hành nghề đơn giản chỉ là đôi quang gánh hay chiếc xe đạp. Mỗi ngày họ rong ruổi trên khắp các chốn đô thành, thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí khác. Giữa sự ồn ã của chốn thị thành, đằng sau những bước chân nặng nhọc những vòng bánh xe những tiếng rao đó là nỗi cực nhọc của những người phụ nữ tần tảo kiếm tiền nuôi con.
Chị Lê Thị Thu, 45 tuổi, phường Đồng Mai (Hà Đông) đã theo nghề đồng nát gần 8 năm cho biết: "Đồng Mai bây giờ đô thị hóa rồi, không còn đất để sản xuất nông nghiệp... chúng tôi theo nghề đồng nát này, sáng đi chiều mới về, trưa ở lại kiếm gì ăn tạm, tìm chỗ nghỉ tạm rồi lại tiếp tục đi. Ít cũng được 40 - 50 nghìn đồng, nhiều có thể hơn, nghề này như đi câu ấy. Hôm nào không mua được gì, tôi chuyển sang dọn dẹp nhà cho người ta, chẳng ai làm nghề này mà về nhà tay trắng". Chị Thu thổ lộ: "Có hôm cũng buồn lòng, người ta hắt hủi: Cái bọn đồng nát này là không thật thà gì hết, hở cái gì là chúng nó chôm luôn. Nếu mà thấy bọn này là "tống cổ" đi. Nghe cũng tủi lắm nhưng cốt là mình sống cho ngay thẳng, không làm việc xấu là được".
Chị Nguyễn Thị Thịnh (thôn Mậu) trông già hơn cái tuổi 38 rất nhiều. Chị lấy chồng sớm, nên 2 con đã học cấp 2 và đã gắn bó với nghề đồng nát hơn chục năm qua - cái nghề suốt ngày tiếp xúc với bụi bặm, nắng mưa… nhưng không làm lấy gì mà ăn. Chị nói, giờ xã Đồng Mai đã lên phường, khắp xóm trong làng đâu đâu cũng thấy bàn tán xôn xao. Mọi người hỏi nhau, không có ruộng thì biết làm gì để sinh sống? Khi nhận tiền đền bù, nhà nhiều thì tiền tỷ, nhà ít cũng hàng trăm triệu. Cuộc đời người nông dân chưa bao giờ được cầm tiền nhiều như thế, nhưng vui buồn lẫn lộn. Mất ruộng rồi, mỗi người tự lo cho mình, mỗi gia đình tự tìm kế sinh nhai. Đàn ông thì sắm xe máy chạy xe ôm, đi phu hồ, làm mộc, mở quán bán hàng, chị em theo nhau đi chợ, số đông nhất làm nghề mua bán đồng nát.
Hiện nay, nhiều huyện ngoại thành đã xuất hiện những làng đồng nát với hàng trăm hộ dân như làng Nhân Huệ nay là tổ dân phố 6 phường Đồng Mai, nhiều gia đình đi thu gom tận Hòa Bình, Thanh Hóa, cả năm về quê một vài lần. Ông Đàm Văn Hà, thôn Nhân Huệ cho biết, gia đình ông vào Hòa Bình thu mua đồng nát đã được 5 năm nay, làm ăn ổn định nên cũng ít về quê, 3 người con đều theo nghề của bố mẹ. "Nghề đồng nát đi mua từ giấy báo tới các đồ nhôm, nhựa… vốn một lãi hai nhưng nếu không tinh mắt, biết nghề không lỗ là chuyện thường. Giấy báo mua 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng đó là giấy báo thường, còn giấy báo in bóng rẻ bèo, cho cũng không lấy. Nhưng lúc vào nghề tôi không biết, cứ thấy báo là mua. Mấy hôm đầu mua tích vào để bán một thể, tới lúc bán lỗ mất vài trăm ngàn đồng. Đồ nhôm, đồ nhựa cũng vậy, nhựa mềm giá khác, nhựa cứng giá khác" - ông Hà tâm sự.
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là những người làm nghề đồng nát đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông, nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da… rất cao. Nhiều người cho rằng thời buổi này dân đồng nát dễ làm ăn lắm, mua 1 - 2 là bán được 10. Nhưng thực ra vào nghề mới biết, cả ngày đạp xe tê cứng cả chân, "đắt hàng" lắm mới lãi được 100.000-200.000 đồng. Những người đi thu mua lẻ chỉ mong kiếm đủ sống. Chị Nguyễn Thị Hưởng 40 tuổi, quê ở xã Triều Khúc (Thanh Trì) không giấu được niềm vui sau một ngày may mắn, đòn gánh nặng oằn trên vai, niềm vui bình dị rạng ngời trong nụ cười của chị: "May quá, ngày hôm nay hên mua được giấy vụn ở một cơ quan, giờ lại mua được thêm thanh cửa sắt này. Trừ tiền vốn, cả ngày cũng kiếm được 100 ngàn đồng". Những đồng tiền gom góp hằng ngày từ những chai nhựa, giấy vụn mà gia đình có thêm đồng ra đồng vào trong chi tiêu, đủ để tạo động lực giúp các chị vượt qua khó khăn, vất vả. Cuộc sống của họ thật bình dị nhưng cũng lắm chông gai, họ tích góp niềm vui từ những bìa giấy loại, những mảnh sắt vụn hay mỗi bì nilông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.