Hằng ngày, trên các tuyến phố, người ta thường bắt gặp hình ảnh những chiếc cân điện tử “biết nói” đang “chăm sóc” sức khỏe cho người dân. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau cái nghề “dắt cân đi dạo” này là hàng trăm câu chuyện vui, buồn của những người chủ chiếc cân biết nói đó...
Hằng ngày, trên các tuyến phố, người ta thường bắt gặp hình ảnh những chiếc cân điện tử “biết nói” đang “chăm sóc” sức khỏe cho người dân. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau cái nghề “dắt cân đi dạo” này là hàng trăm câu chuyện vui, buồn của những người chủ chiếc cân biết nói đó...
Cân - đo hai mùa mưa nắng
“Cao một mét năm bảy, nặng bốn chín ki-lô-gam, thân hình hoàn toàn bình thường. Xin quý khách giữ sức khỏe. Xin cảm ơn !”. Bạn sẽ gặp âm thanh đó ở rất nhiều nơi trên thành phố này. Không khó khăn gì lắm khi chúng ta muốn biết thể trạng, sức khỏe của mình như thế nào. Chỉ cần 1.000 đồng, bạn sẽ được biết cả chiều cao, cân nặng lẫn huyết áp, lại được cả “người máy” cám ơn. Trước đây, thường là người già mất sức lao động hoặc người đã nghỉ hưu làm nghề này. Họ thường ngồi với chiếc cân trước cổng các trường học, chợ và siêu thị. Bây giờ, thấy nghề này cũng có thu nhập, nên đã có thêm nhiều đối tượng tham gia. Phần lớn là người ở nông thôn, tranh thủ lúc nông nhàn ra thành phố tìm việc, nhưng cũng có không ít người đã hành nghề “chuyên nghiệp”. Anh Đỗ Duy Huân (Kiến Xương, Thái Bình), có thâm niên 7 năm trong nghề, tâm sự: “Làm nghề này cực lắm, suốt ngày phải rong ruổi khắp các phố phường, mà thu nhập cũng thất thường. Ngày nào “hên” thì được 35-40 nghìn đồng, còn ngày mưa thì chẳng được đồng nào”.
Muốn bước vào nghề, phải có chiếc cân. Khách hàng bây giờ càng ngày càng khó tính, nên những chiếc cân “cổ lỗ sĩ” chỉ biết đợi khách đứng lên và kim đồng hồ quay đã không còn thích hợp. Vì thế, phải là cân điện tử “biết nói”, có nhiều chức năng (đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, thử sức kéo) mới thu hút được nhiều khách hàng. Nhưng muốn sắm được chiếc cân như thế không phải ai cũng đủ khả năng, vì loại rẻ cũng phải từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, còn loại “ngon” lên đến 6-7 triệu. Cho nên, không ít người đã phải bán đủ thứ, hoặc vay mượn họ hàng mới mua được một chiếc.
Và những nỗi niềm muốn tỏ
Dọc các đường Láng, Trường Chinh, Giải Phóng, Cầu Giấy... vào buổi sáng sớm, đôi khi người ta thấy một tốp 5-6 người đẩy cân đi. Đến một điểm nhất định, họ tách ra, mỗi người “phụ trách” một địa bàn. Thì ra, cái nghề tưởng rằng dễ kinh doanh này cũng có những luật lệ riêng mà người “ngoại đạo” không hề biết. “Đất có thổ công, sông có hà bá”, mỗi người được phân một địa phận riêng, người này không được lấn sang địa bàn của người kia, nếu không sẽ bị hành xử theo kiểu... “người ơi ở lại, cân đi nhé” hoặc bị đánh đến... không còn sức mà đẩy cân. Nguyễn Văn Ngọc (Nam Định), 21 tuổi, ở đường Giải Phóng nhớ rất rõ những ngày đầu bước chân vào nghề: “Em đã bị đánh một trận tả tơi, nhưng sau đó các anh chị cũng lại thương tình vì cùng cảnh ngộ, nên em mới không bị bắt “nộp lệ phí” và vẫn trụ lại được với nghề”.
Tôi tìm đến nhà trọ của anh Đỗ Duy Huân ở làng Tám (Giáp Bát). Đây là nơi ở trọ của nhiều người làm nghề này, có lẽ vì giá thuê phòng trọ ở đây phù hợp với thu nhập của họ. Một căn phòng rộng khoảng 15m2 lợp ngói, với một chiếc quạt bàn đã cũ, chiếc ấm điện đun nước và tấm phản rộng làm giường, là nơi ở của 6 người làm nghề cân dạo, chủ yếu đến từ Thái Bình và Nam Định. Những ngày nắng nóng, căn phòng như chiếc lò. Đã thế, ở đây thường xuyên không có đủ nước sinh hoạt. Huân tâm sự: “Cả ngày đi làm mệt nhọc, đêm về trời oi bức nhưng nước cũng không có mà tắm, nóng quá không ngủ được, nhiều người lăn ra ốm. Trong đầu luôn thường trực nỗi lo tiền thuê nhà (mỗi tháng 150 nghìn đồng), tiền ăn, rồi còn phải lo ki cóp tiền gửi về cho vợ con ở quê. Nhiều lúc nhớ vợ, nhớ con nhưng mong kiếm thêm ít tiền đỡ gánh nặng cho vợ nên đành ở lại”. Huân khoe, vừa rồi cũng đã gửi được gần 200 nghìn về cho con chuẩn bị mua sách vở vào năm học mới.
Đàn ông làm nghề này đã vất vả, phụ nữ còn khổ hơn nhiều. Tôi đã gặp 5 đôi vợ chồng đều theo nghề “dắt cân đi dạo”. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Quyên (Hưng Yên) mới cưới nhau được 15 ngày đã lên Hà Nội theo nghề này. Tuần đầu tiên đi làm, chị bị 3 thằng nghiện đói thuốc đẩy ngã rồi cướp mất cân, chân tay sưng tím, phải nằm ở nhà trọ bóp lá thuốc mất cả tháng. Mỗi ngày phải đi bộ vài chục cây số, nhưng các chị vẫn cứ đi miệt mài, cần mẫn, không quản ngại nắng mưa. Nhiều hôm gặp may, được khách cho thêm vài nghìn tiền thừa, nhưng đôi lúc gặp phải bọn thanh niên nghịch ngợm, không những không được trả tiền mà còn bị phá hỏng cân. Những lúc như vậy, họ chỉ biết ngậm ngùi, chẳng dám hé môi.
Tiếng là làm công việc chăm sóc sức khỏe cho người khác, nhưng nhiều người trong số họ cũng đang phải chịu đựng bệnh tật. Có lẽ phần đông những người làm nghề này chẳng bao giờ tự cân cho mình.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.