Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhỡ xảy cháy lớn, đi tìm nguồn nước ở đâu?

Lan Hương| 29/10/2014 15:17

(HNMO) – Theo quy định, cứ 150m đường phố phải có một trụ nước chữa cháy, TP cần tới 6.000 trụ nước chữa cháy nhưng hiện mới có khoảng 1.000 trụ.

Minh chứng gần đây nhất là vụ cháy kinh hoàng hơn 1000 m2 nhà xưởng tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh ngày 18/10 vừa qua, lực lượng chữa cháy “toát mồ hôi” vì gần đấy không có hồ nước nào. May mà chính quyền huyện huy động được thêm 3-4 xe nước từ Công ty rau sạch sông Hồng để cấp cứu… hạ hỏa.

Những thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Công điện số 967/CĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 29/10.

Cháy nổ luôn rình rập

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP có 637 công trình nhà cao tầng đã đi vào hoạt động là các bệnh viện, công trình, nhà chung cư, văn phòng… Qua kiểm tra, tại một số nhà chung cư tái định cư chưa có nội quy, quy định về PCCC hoặc có nội quy nhưng không được niêm yết ở nơi có tính chất nguy hiểm về phòng chống cháy nổ. Đội chữa cháy tại các khu chung cư tái định cư thường là lực lượng bảo vệ tòa nhà nhưng quá mỏng (mỗi ca từ 1-3 người) chưa thành thạo và không đủ khả năng vận hành hệ thống PCCC của tòa nhà. Bên cạnh đó, còn hiện tượng người dân sống trong các nhà chung cư sử dụng nguồn lửa không đảm bảo quy định, đun nấu tại hành lang, cầu thang, đốt vàng mã… gây nguy cơ cháy nổ rất cao.

Bên cạnh đó, qua rà soát 351 cơ sở có mặt bằng kinh doanh cho thuê cho thấy nhiều cơ sở chưa tổ chức huấn luyện về PCCC, chưa lập phương án chữa cháy, không đảm bảo giải pháp kỹ thuật cho PCCC (như đường giao thông cho xe PCCC tiếp cận, không đảm bảo nguồn nước, không có đường thoát nạn…).

Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, vũ trường… không đảm bảo lối ra thoát nạn (777/988 cơ sở cơ sở), không có giải pháp ngăn chữa cháy lây lan.

TP cũng đã kiểm tra 243 chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn cho thấy nhiều nơi bày hàng hóa chiếm lối đi lại ảnh hưởng đến công tác thoát nạn. Một số chợ tạm, chợ phiên sử dụng thiết bị điện câu móc gây tình trạng dễ chập điện, cháy nổ.

Vụ cháy xảy ra ngày 18/10 tại hệ thống nhà xưởng, gara ô tô, quán ăn phía sau tòa nhà Keangnam, đường Dương Đình Nghệ, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.



Nhiều vụ cháy lớn xảy ra, tổn thất khôn lường

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn Thủ đô xảy ra 126 vụ cháy, 18 người bị chết, 14 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 50 tỷ đồng. Ngoài thiệt hại về người và tài sản, cháy, nổ còn gây hậu quả xấu đối với an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường.

Trong hội nghị sơ kết sáng 29/10, Trung tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an đã điểm lại một loạt các vụ cháy lớn trong thời gian gần đây ở Hà Nội. Đó là vào lúc 14h20 ngày 19/11/2013, tại quán bar ở khu vực Zone 9 tại đường Trần Thái Tông đã xảy ra vụ cháy lớn làm 6 người tử vong, 6 chiến sỹ của lực lượng PCCC Thủ đô đã bị thương. Thứ trưởng nhận định, do hầu hết các quán bar, karaoke không có đường thoát nạn, nên khi xảy ra cháy nổ là hy sinh.

Tiếp đó, vào ngày 19/2/2014, tại kho hàng len Vạn Phúc – Hà Đông xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại 115 tỷ đồng do chập điện.. Vào ngày 2/5/2014, một công ty ở KCN Bắc Thăng Long cháy cũng do chập điện. Gần đây, ngày 18/10, ở khu vực gần tòa nhà Keang Nam, vụ cháy đã thiêu rụi hàng ngàn mét vuông của các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa bày bán ô tô, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cơ quan chức năng hiện vẫn đang điều tra nguyên nhân.

Thứ trưởng đánh giá, để xảy ra tình trạng trên nguyên do công tác quản lý PCCC còn lỏng lẻo, chưa nghiêm túc. Các đơn vị cho thuê mặt bằng hay chứa chất dễ cháy, khi xảy ra gây hoang mang lo sợ. Nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình chưa có phương tiện, phương án, nắm bắt kỹ năng chưa cháy. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa nghiêm túc thực hiện kết luận của cơ quan PCCC. Với các nhà cao tầng, việc cấp phép lơ là, nguy cơ cháy nổ còn cao. Lực lượng PCCC còn e dè, nể nang, xử lý chưa nghiêm.

Xe cứu hỏa khát nước.


Phòng cháy hơn chữa cháy

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Thành, đảm bảo an toàn PCCC là yêu cầu tất yếu trong thời kỳ CNH- HĐH. Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội cần xiết chặt công tác quản lý PCCC với các tòa nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, các hộ gia đình, nơi cho thuê mặt bằng SXKD, các nơi vui chơi đông người… TP cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về PCCC để người dân nâng cao nhận thức, hiểu cơ bản về Luật PCCC, phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm cũng như khen thưởng các đơn vị, cá nhân làm tốt. Bên cạnh đó là bồi dưỡng, nâng cao kiến thức PCCC cho lực lượng cơ sở, dân phòng; rà soát, xây dựng các cơ sở PCCC mới để có thể xử lý khi sự cố xảy ra ngay từ đầu… Tăng cường các nguồn lực để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng lực lượng PCCC đến năm 2020…

Nhìn nhận về công tác PCCC của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết TP đã đầu tư lớn cho công tác PCCC, tuy nhiên đến nay công tác hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được cho việc chữa cháy như: thiếu nguồn nước, xe cấp nước, đường giao thông… cần có chiến lược để giải quyết. Biên chế cán bộ PCCC thiếu, quá tải trong công việc. Lực lượng dân phòng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số đơn vị, người dân còn chưa ý thức về tầm trọng của PCCC. Công tác thanh tra còn yếu. Nhiều vụ cháy nổ lớn còn xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Gần đây, trong một đêm xảy ra 2 vụ cháy lớn, lực lượng ở CSCC ở Hà Nội phải căng mình ra chống đỡ.

Phó Chủ tịch nêu rõ, trong thời gian tới TP Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về PCCC, nhất là với người đứng đầu các đơn vị. Đưa giáo dục PCCC vào trường học. Các đơn vị nâng cao việc phòng là chính, vì nhiều khu vực lực lượng PCCC tiếp cận rất khó khăn, nguy hiểm. Tăng cường phối hợp giữa PCCC với môi trường, xây dựng. Rà soát các cơ sở gây nguy cơ về cháy nổ nhất là ở các khu vực dân cư để có kế hoạch di dời.

Bên cạnh đó, TP cũng tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, xử lý vi phạm, đặc biệt quan tâm nơi có nguy cơ cháy nổ cao như nhà cao tầng, phố cổ… Bồi dưỡng lực lượng, đầu tư trang thiết bị cho lực lượng PCCC. Xây dựng chiến lược PCCC lâu dài, gắn với chiến lược phát triển Thủ đô (đơn cử như việc phải rà soát các khu đất trồng, xây thêm các hồ chứa nước để vừa tạo cảnh quan, vừa có nước chữa cháy). Dự kiến trong năm 2015, Sở Xây dựng sẽ lắp đặt xong 5.000 trụ nước chữa cháy trên các tuyến phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhỡ xảy cháy lớn, đi tìm nguồn nước ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.