(HNM) - Nếu chỉ công tác ở huyện, hoặc lên cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy Hà Tây từ năm 1976 trở về trước thì với tôi, có lẽ, Hòa Bình mãi mãi chỉ là “miền đất lạ”.
Đại diện Báo Hà Tây (cũ) tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó tại xã Hợp Tiến (Mỹ Đức). |
Từ những ngày đầu gian khó...
Ngay trước khi hợp nhất tỉnh Hà Tây và Hòa Bình, tôi và anh Vương Thu, trong Tổ tuyên truyền Xây dựng Đảng - Nội chính của Báo Hà Tây, đã có dịp lên Hòa Bình, thâm nhập thực tế, tìm hiểu phong trào, viết bài chuẩn bị cho những số báo Hà Sơn Bình đầu tiên. “Hành quân” bằng xe đạp, nhưng chúng tôi không thấy mệt mỏi. Tuổi trẻ và sự háo hức đối với vùng đất mới đã tạo cho chúng tôi sức mạnh đó. Cơ quan Báo Hòa Bình ngày đó là những dãy nhà lợp lá gồi, ở trên một quả đồi. Tổng Biên tập Phan Thương Diễm cấp giấy giới thiệu cho chúng tôi xuống xã Thịnh Lang, bên kia sông Đà. Chúng tôi ăn, nghỉ tại nhà anh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã này. Anh Toàn đưa tôi đến thăm nhà bác Nguyễn Văn Hậu, tới gặp chị Hội trưởng Phụ nữ xã tìm hiểu về phong trào “ba đảm đang” và vào phía chân núi, gặp chị Thực, Xã đội phó, tìm hiểu thành tích động viên tuyển quân, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu của dân quân du kích xã Thịnh Lang…
Báo Hà Sơn Bình số 1 phát hành thứ tư, ngày 3-3-1976, nghĩa là ngay sau khi hợp nhất hai Báo Hà Tây và Hòa Bình, trước khi các cơ quan chính thức về làm việc ở thị xã Hà Đông (1-4-1976). Báo in hai màu, 8 trang và sớm trở thành người bạn thân thiết của Đảng bộ và nhân dân 7 dân tộc anh em của tỉnh mới.
Nét nổi bật của Báo Hà Sơn Bình là tuyên truyền phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, từ điển hình dấy lên thành phong trào cách mạng của quần chúng. Để làm tốt việc này, ngay từ đầu, Ban Biên tập Báo Hà Sơn Bình đã có ý thức và đặt thành nguyên tắc: Trên mỗi số báo phải bảo đảm cân đối về số tin, bài phản ánh mọi hoạt động của cả miền núi và đồng bằng trong tỉnh. Đây không phải là sự bố trí mặt bằng trên báo một cách dàn trải, một sự “chia phần”, mà là trách nhiệm chính trị, tình cảm cách mạng của Ban Biên tập và của mỗi cán bộ, phóng viên. Vì thế, mỗi cán bộ, phóng viên đều háo hức, phấn khởi, tự giác đi tới những miền “đất mới” để viết tin, bài, chụp ảnh, coi đó là sản phẩm mới của mình đóng góp cho tờ báo mới. Việc đề ra chỉ tiêu mỗi phóng viên, nhất là phóng viên Báo Hà Tây (cũ) phải có tin, bài phản ánh về miền núi không phải ai đôn đốc, mà trở thành niềm vui, sự hăm hở với mỗi người.
Từ Hang Kia - Pà Cò đến Lũng Vân của huyện xa nhất là Mai Châu, rồi lại đến Toàn Sơn, Hào Tráng của các huyện miền núi cao Đà Bắc, Tân Lạc...sang đến các hợp tác xã nông - lâm nghiệp giỏi ở các vùng Bi - Vang - Thàng - Động khắp xứ Mường Hòa Bình, đến các nông trường Cao Phong, Thanh Hà, Sông Bôi… đều được cán bộ, phóng viên Báo Hà Tây (cũ) hăng hái hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, từ Khu Cháy đến Ba Vì, từ Suối Hai đến Cầu Giẽ, cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình (cũ) cũng thường xuyên đạp xe tới. Vì thế, những điển hình như: Hòa Xá, Lũng Vân, Thanh Hối, Phú Phương; đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; những HTX tiên tiến; những nhà trẻ, lớp mẫu giáo xóm Hổ, Tam Hưng, Hòa Xá, Vạn Phúc; những "con chim đầu đàn" về bổ túc văn hóa như Ngổ Luông, Minh Đức… được bạn đọc quan tâm, thi đua học tập và làm theo. Sức sống của Báo Hà Sơn Bình vì thế ngày càng phong phú, đa dạng, đi sâu vào lòng bạn đọc!
... đến những chuyến thâm nhập thực tế
Tôi có ham thích và may mắn được thực hiện nhiều chuyến đi công tác lên Hòa Bình. Khi thì đi với lãnh đạo tỉnh, ngành, khi lại đi cùng tập thể và… đi một mình. Ngay sau khi tỉnh mới đi vào hoạt động, tôi được các đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Khối, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy “gọi” trong chuyến đi nghiên cứu huyện “cửa ngõ” Lương Sơn. Tôi được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh lên xã Yên Bình, xuống Nông trường Lương Mỹ, rồi về Nông trường Cửu Long và Nhà máy chè đen... xem xét tình hình xuất khẩu, kinh doanh của các cơ sở này.
Còn nhớ, trong chuyến về dự và đưa tin Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Thủy giữa mùa nắng nóng, chúng tôi được đồng chí Bùi Văn Phiệt, Bí thư Huyện ủy cho giải khát bằng dưa hấu trồng trên đất cát bãi sông Bôi, rất đậm, ngọt và mát. Xuống Yên Thủy thì được Bí thư Huyện ủy “chiêu đãi” bữa lót dạ bằng khoai lang ruột vàng - đặc sản một thời của huyện. Tôi cũng được đi kiểm tra tình hình phòng, chống lũ ống ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn với chị Thanh, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Tiếp đó là những chuyến đi với anh Minh Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy lên Mộc Châu, trao “Đuốc Hồ Chí Minh” cho tỉnh Sơn La; dự và đưa tin Đoàn đại biểu của Ban Dân vận Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào lên Mai Châu, vào thăm xóm Lác, ngồi uống rượu cần tại nhà sàn của bác Hà Đình Nghiệp, nguyên Bí thư Huyện ủy Mai Châu... Hình ảnh những xã Hang Kia, Pà Cò, những thiếu nữ Mèo “bế” nước từ suối về nhà và những con chỉ thêu ngũ sắc ở cửa hàng HTX mua bán (lúc đó ở dưới xuôi không có bán) vẫn còn im đậm trong trí nhớ tôi đến tận bây giờ. Qua những chuyến đi thực tế ấy, tôi hiểu thêm phong tục, “luật lệ” uống rượu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây, được chứng kiến bộ đội mở rộng, nâng cấp con đường từ bên kia sông Đà lên Tu Lý...
Đặc biệt, công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà là một vùng ký ức tôi không bao giờ quên. Ngày ấy, tôi được dự họp báo khi khởi công, rồi dự lễ ra mắt Trung đoàn tự vệ, được dự buổi các đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri là kỹ sư, công nhân lao động trên công trường, được lên Nhà điều độ ngắm toàn cảnh công trường và nghe giới thiệu về cuộc chuẩn bị cho “Bức thư thế kỷ”...
Không sao kể hết những chuyến công tác lên Hòa Bình mà tôi đã thực hiện. Chỉ biết rằng, tôi đã nhiều lần qua dốc Kẽm, dốc Cun, dốc Quy Hậu, ngã ba Mãn Đức và cả dốc Thung Khe... Có lần đi theo đường số 6; có lần đi theo đường Tế Tiêu - Chợ Bến. Có lần lên theo quốc lộ 6, nhưng lúc về lại qua dốc Bòng Bong, ra Phủ Lý, theo quốc lộ 1 về Hà Đông… Mỗi nơi được đến và đi qua đã để lại trong tôi những hình ảnh và tình cảm tốt đẹp về tỉnh miền núi Hòa Bình.
Mới đây, có dịp trở lại, thấy Hòa Bình đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Từng có 4 phóng viên Báo Hà Sơn Bình, khi tách tỉnh đã trở thành lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của tờ báo Hòa Bình mới, cùng đội ngũ trẻ, có học vấn và văn hóa, nghiệp vụ cao làm cho Báo Hòa Bình ngày nay càng khởi sắc, tiến bộ, có vị thế trong làng báo Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.