(HNM) - Họ là những nhà báo hưu trí yêu nghề, từng một thời gắn bó với Báo Hànộimới. Người ít thì 75 tuổi, người nhiều cũng đã gần 90 tuổi. Nhớ về một thời làm báo gian khó trước đây, ai cũng hào hứng ôn lại...
Nghèo nhưng vẫn yêu nghề
Ở tuổi 83 nhưng lão nhà báo Nguyễn Thị Vân, nguyên phóng viên Ban Bạn đọc Báo Hànộimới với bút danh Cẩm Vân vẫn hằng ngày say sưa đọc tất cả những ấn phẩm báo in của Hànộimới. Cầm tờ Hànộimới hằng ngày trên tay, bà Vân bồi hồi nhớ lại: Thời bao cấp làm báo thật vất vả, báo hằng ngày chỉ ra 4 trang, in đen trắng chứ chưa có điều kiện in màu, 8 trang đẹp như bây giờ. Đi công tác, lãnh đạo báo may ra còn có chiếc “Com măng ca” đít vuông, nhưng với phóng viên, dẫu có tác nghiệp xa hàng chục kilômét vẫn phải đạp xe còng cọc, thậm chí còn phải đem theo cặp lồng cơm để ăn trưa, chứ đừng có nói tới chuyện mong được phong bì, phong bao dưới cơ sở. Vậy mà bài vở vẫn phải hoàn thành và nộp đúng hạn cho tòa soạn. Đấy là chưa kể trong bối cảnh đất nước lúc ấy còn chiến tranh, máy bay Mỹ ném bom hủy diệt miền Bắc, nhiều khi giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Tôi nhớ nhất lần đi viết bài Con tàu Ba đảm đang chuyên vận chuyển hàng hóa trên sông Hồng mà thủy thủ trên tàu toàn là nữ (vì đàn ông ra chiến trận hết rồi). Tàu đi tới Bát Tràng (Gia Lâm) thì máy bay Mỹ ập đến. Đạn cao xạ từ dưới bắn lên ầm ầm, trong khi máy bay Mỹ vẫn vù vù trên không. Nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Đông bình tĩnh cho tàu dạt vào bờ, núp dưới hàng cây ven sông để tránh bom trong sự lo âu của mọi người trên con tàu, trong đó có các phóng viên nhà báo. Lần khác, tôi đi cùng anh Hoàng Giáp (đã mất) xuống Thanh Trì lấy tài liệu viết về HTX Nông nghiệp Định Công. Trên đường về chiếc xe đạp cũ bị xịt lốp, dưới trời nắng chang chang phải dắt bộ tới hơn 5 cây số mới có chỗ vá xe… Tuy nhiên, mọi người vẫn vui vẻ, bởi những việc như vậy đối với phóng viên thế hệ chúng tôi ngày trước là chuyện bình thường trong cái khó khăn chung”.
Cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới những năm 1970 - 1980. |
Tôi đến thăm nhà báo lão thành Yên Thao, nguyên Trưởng ban Văn hóa xã hội Báo Hànộimới tại một ngõ nhỏ ở Phố Huế vào một chiều mưa phùn lất phất rơi. Vẫn tính hóm hỉnh, hài hước hồi nào của ông Cử Yên (bút danh của Yên Thao), lão nhà báo gần 90 tuổi này đọc ngay cho tôi một bài vè vui về Báo Hànộimới thời chiến tranh rồi bảo: “Thời xưa làm báo nghèo, nhưng lại vui. Ngay mục Mỗi ngày một chuyện hầu như lúc nào cũng có một đoạn thơ của Người Xây Dựng (bút danh chung của chuyên mục). Mục Nhặt sạn hàng tuần ra đời với người phụ trách đầu tiên là cố nhà báo Phấn Đấu đã luôn đem lại không khí thi đua sôi động trong báo. Chỉ có tinh thần vui vẻ mới làm vơi đi những vất vả, cực nhọc trong công việc. Hồi chúng tôi làm báo đều phải viết tay, chưa có các phương tiện điện thoại cá nhân, máy tính, internet hay xe máy như bây giờ, nhưng mọi người đều rất yêu nghề và đắm đuối với những tác phẩm của mình. Nhiều khi bài nộp rồi mà vẫn nghĩ về nó, rà soát xem có bị sai không? Một lần anh Hàm Châu đi viết về tấm gương một nhà khoa học. Về nhà rồi mới phát hiện ra có một chi tiết trong bản thảo viết sai, anh Châu lại lóc cóc đạp xe hơn 6 cây số lên tòa soạn để sửa cho chính xác để in số báo hôm sau. Anh Nguyễn Thụy đi viết về thể thao cũng bị một lần như vậy chỉ vì viết sai tên một cầu thủ bóng đá… Thế hệ làm báo bây giờ sướng quá, chỉ cần gọi điện, hoặc gửi email lên tòa soạn là xong…”.
Nghiệp làm báo
77 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, Tiến sĩ Hồ Xuân Sơn, nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới đã có 34 năm gắn bó với nghiệp báo, trong đó có hơn 10 năm song hành cũng tờ Hànộimới. Tuy tuổi già sức yếu nhưng ông vẫn tâm huyết bày tỏ tâm tư và còn nhớ như in nhiều kỷ niệm của một người lãnh đạo biết quán xuyến công việc: “Dân làm báo thường có câu “Nghiệp nhà báo”. Ấy là cái nghiệp luôn gắn chặt với dư luận xã hội. Nếu người viết báo thiếu công tâm, không trung thực thì “cái nghiệp” đó trước sau cũng sẽ báo hại anh. Giữ đúng vai trò hướng dẫn dư luận xã hội, bỏ qua được những cám dỗ vật chất là việc không phải người cầm bút nào cũng có thể làm được. Báo Hànộimới là một tờ báo địa phương nhưng lại là tờ báo của Thủ đô, có đặc thù riêng, mang tính chất và tác động chung tới cả nước. Nếu chúng ta không biết nhìn xa, trông rộng thì dễ rơi vào tình trạng tự trói buộc mình ở tầm hạn hẹp, hạn chế thông tin, không thuyết phục được bạn đọc… Còn riêng về “nghề” tổng biên tập, tôi cho rằng đây là nghề khó và phải có trách nhiệm rất cao, bởi tổng biên tập là người chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất trước bạn đọc, trước pháp luật, và trước cơ quan chủ quản về hậu quả thông tin do tờ báo đăng tải. Tổng biên tập không được đổ cho cấp dưới khi tờ báo kém về chất lượng nội dung. Với quyền hạn và đội ngũ làm báo trong tay tổng biên tập phải tìm cách điều chỉnh nội dung tờ báo, tổ chức bộ máy thực hiện làm tốt nội dung cho báo. Hồi còn làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới tôi cũng đã từng bị sơ suất đáng tiếc trong một lần duyệt bài. Một tiểu phẩm của cộng tác viên phiếm chỉ một cán bộ cao cấp bị lọt lên mặt báo, gây ra sự hiểu lầm và phản ứng nặng nề đã khiến báo phải giải trình. Trưởng ban cũng như tác giả đưa bài lên duyệt đều cứ nghĩ rằng đây là tiểu phẩm văn học, sẽ không ảnh hưởng gì, còn Tổng Biên tập thì quá tin vào khả năng chuyên môn của trưởng ban. Nếu như khi đó tôi nhạy cảm hơn, đọc kỹ hơn thì chắc sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc đó…
Về hưu năm 2000, đến nay đã sang tuổi 75 nhưng nhà báo Công Nghĩa Hoàn (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới) vẫn rong ruổi trên đường với chiếc xe con, bởi ông luôn tự hào về tay lái chuyên nghiệp trong quân đội của mình. Gặp và trò chuyện với ông tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Huyên mới thấy nhiều kỷ niệm của ông với Báo Hànộimới vẫn chưa phai mờ. “Ngày trước làm báo vất vả, thiếu thốn, nhưng mà vui”. - Lão nhà báo Công Hoàn vào chuyện sôi nổi. “Tôi nhớ dịp Đại thắng mùa xuân 1975, Ban Biên tập cử tôi (lúc đó đang là phóng viên nông nghiệp) đi ghi nhanh về không khí chào đón chiến thắng tại Trại gà Cầu Diễn (sau này là Xí nghiệp Gà Cầu Diễn, Từ Liêm). Đạp xe tới nơi tôi thấy không khí ở đó đang rất căng thẳng, lo âu vì theo anh Nguyễn Kỳ (Giám đốc Trại gà) cho biết, hơn 2 vạn con gà giống ngoại vừa bị chết dịch. Cả trại đang gồng mình lên chống dịch, bảo vệ 4 vạn con gà còn lại. Tưởng không viết được bài, nhưng một ý nghĩ lóe lên trong đầu là mình sẽ viết về không khí làm việc khẩn trương, có trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên Trại gà Cầu Diễn nhằm bảo vệ đàn gà, lập thành tích chào mừng chiến thắng mùa xuân của đất nước. Bài viết đã có tác dụng động viên, khuyến khích người lao động và năm đó Trại gà Cầu Diễn đã chống dịch thành công, không những bảo vệ được 4 nhà gà giống gốc, mà còn nộp nghĩa vụ Nhà nước đầy đủ. Lần khác, tôi được cử vào Lâm Đồng viết về khu kinh tế mới của Hà Nội. Bài viết của tôi có tựa đề Cuộc sống mới bên dòng sông Cam Ly. Khi về tòa soạn, anh Dương Linh, Phó Tổng Biên tập báo sửa tít, bỏ đi chữ “sông” khiến tôi thấy cảm phục vì đúng quá, tôi đã viết thừa một chữ. Chỉ có những người tinh nghề, say nghề thì mới biên tập giỏi như vậy…”.
Về đội ngũ Báo Hànộimới hiện nay, ông Công Nghĩa Hoàn cảm thấy vui mừng vì hầu hết anh em đều được đào tạo bài bản, lại được trang bị nhiều phương tiện làm nghề hiện đại nên tờ báo đã có nhiều đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức. “Có thể nói tờ báo hiện nay đã tiến một bước dài. Hình thức hiện đại, hấp dẫn hơn và nội dung chứa đựng nhiều thông tin được cập nhật hơn. Đặc biệt là năm nào Báo Hànộimới cũng có giải cao tại Giải báo chí quốc gia và giải của Hà Nội. Đó là niềm tự hào chung cho mọi thế hệ làm báo chúng ta…” - Lão nhà báo khẳng định. Còn nguyên Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn thì cho rằng, tờ Hànộimới giờ đây có cả một dàn cây bút trẻ, đã gây dựng được phong cách riêng của tờ báo Thủ đô và sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.