Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ Trường Sa! (Bài 3: Sinh Tồn Lớn - một pháo đài vững chắc)

Đức Trường| 10/08/2015 06:41

(HNM) - Không rộng lắm nhưng đảo Sinh Tồn được xây dựng đâu vào đấy dưới màu xanh của bàng vuông, phong ba, phi lao, dừa, mướp, bầu, bí… Từ chùa Sinh Tồn, trường học, khu dân cư, nhà chỉ huy, khu huấn luyện, nhà đèn, âu tàu đều được bố trí ngăn nắp và sạch sẽ.

Bài 3: Sinh Tồn Lớn - một pháo đài vững chắc

(HNM) - Không rộng lắm nhưng đảo Sinh Tồn được xây dựng đâu vào đấy dưới màu xanh của bàng vuông, phong ba, phi lao, dừa, mướp, bầu, bí… Từ chùa Sinh Tồn, trường học, khu dân cư, nhà chỉ huy, khu huấn luyện, nhà đèn, âu tàu đều được bố trí ngăn nắp và sạch sẽ. Không phải tự nhiên, sau đợt thay thu quân, Thượng tá Bùi Đình Dương, Lữ phó 146 Vùng 4 Hải quân đánh giá: "Đảo Sinh Tồn là đơn vị tiêu biểu nhất".


Luôn sẵn sàng chiến đấu...


Trung tá Trịnh Công Lý, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Lớn cũng là Cụm trưởng cụm đảo Sinh Tồn có tiếng là chỉ huy giỏi. Anh quản quân nghiêm, quan tâm đến từng cái ăn, giấc ngủ của anh em. Quê ở Sơn Tây nhưng anh Lý đã chuyển cả gia đình vào sinh sống ở Cam Ranh. Trung tá Trịnh Công Lý tâm sự: Ra đảo nhận nhiệm vụ, không biết con trai lớn như thế nào, bởi vì mọi liên lạc với gia đình đều qua điện thoại. Mọi việc ở nhà nhờ cậy cả vào vợ thì anh mới có thể an tâm công tác.

Cải tạo âu tàu tránh trú bão trên đảo Sinh Tồn Lớn.



Sinh Tồn là cụm đảo "nóng" ở quần đảo Trường Sa với hai điểm "nóng" là Gạc Ma ở gần Cô Lin và Huy Gơ ở gần Sinh Tồn Đông. Hằng ngày, anh thường xuyên theo dõi, bám sát những diễn biến xây dựng tôn tạo đảo ở cả Gạc Ma và Huy Gơ. Trên đảo Sinh Tồn có người dân sinh sống, có chùa, UBND xã, trường tiểu học, hải đăng, âu tàu dịch vụ nghề cá… gần như một đơn vị hành chính ở trong đất liền nên công việc cũng bù đầu. Dù vậy, anh vẫn duy trì được mọi chế độ huấn luyện, công tác sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, tác phong của quân nhân trên đảo.

Tôi gặp Trung úy Thạch Thanh Phong, Phân đội trưởng Phân đội bộ binh. Da ngăm đen, mắt to, lông mày rậm, Phong nổi bật giữa chỗ đông người dù không phải diện cao lớn. Hóa ra Phong là người Khơ me ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, đã có vợ và một con gái 3 tuổi. Cả xã Loan Mỹ của Phong chẳng có ai đi Hải quân. Trước vốn học Trường Lục quân 2 nhưng Phong chuyển sang lực lượng Hải quân là vì muốn biết thêm về biển đảo. Nén nỗi nhớ vợ con, Phong luyện tập hăng say và đạt kết quả tốt trong huấn luyện. Phong nói, sở dĩ luyện tập hăng say và đốc thúc anh em liên tục vì nếu không tập kỹ đến lúc có chiến sự xảy ra làm sao chiến đấu tốt được. "Toàn bộ chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn đều tập luyện và sẵn sàng chiến đấu như em thôi", Phong khiêm tốn.

Khi trò chuyện với chiến sĩ, tôi thấy nhận xét của Phong là xác đáng. Trung sĩ Hà Minh Nguyên (người Ninh Hải, Ninh Thuận), Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo phòng không, một trong những tấm gương tiêu biểu của các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn trong huấn luyện. "Ra đến Trường Sa là xây dựng bảo vệ quê hương đất nước rồi", Nguyên lập luận, "mà muốn xây dựng và bảo vệ thì phải học tập và rèn luyện thật tốt thôi". Trên đảo, sau những giờ huấn luyện căng thẳng hoặc những tình huống báo động khẩn cấp, Nguyên nhớ nhất là những lúc tham gia nấu ăn chung và văn nghệ với mọi người. Cuộc sống ngoài đảo rèn luyện Nguyên trở nên bản lĩnh hơn, yêu thương đồng đội hơn và lập trường vững chắc hơn. "Đời lính kỷ niệm nhiêu đó thôi", Nguyên đúc rút.

Rời khu huấn luyện, thả chân theo con đường xi măng sạch sẽ, tôi dừng lại trước cửa bệnh xá đảo Sinh Tồn. Đang ngó nghiêng, "Mời anh vào xơi nước!" - một người đàn ông dáng nhỏ bé, miệng cười tươi cùng đôi kính dầy cộm đứng trước cửa đon đả mời khách vào. Ấm trà nóng mới rót chén đầu, tôi được biết anh là Đại úy Phạm Đức Anh, Bệnh xá trưởng. Anh đang nói chuyện với anh em trong bệnh xá, trong đó có Trung úy Lê Anh Cương, bác sỹ điều trị mới được bổ sung ra Sinh Tồn cùng chuyến tàu HQ 936.

Hóa ra Đại úy Phạm Đức Anh là người Hà Nội, quê ở Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, cấp 3 học chuyên toán ĐH Sư phạm Hà Nội, lên đại học thì vào Học viện Quân y 103. Giờ anh thuộc quân số của Viện Y học Hải quân. Đức Anh đi bộ đội cũng một phần là vì người bố đã từng đi bộ đội, bị tù ở Nhà tù Phú Quốc và là thương binh. Hồi anh còn bé, chỉ khi nào đến dịp 27-7 hoặc 22-12, bố anh mới gặp đồng đội và nói đôi lời về chiến tranh. Còn lại quanh năm ông chỉ quan tâm đến dạy học ở trường và chăm sóc mấy đứa con, trong đó có Đức Anh. Điều đó khiến Đức Anh băn khoăn lắm! Giờ đây, tốt nghiệp rồi huấn luyện và ra đến đảo Sinh Tồn, anh thừa nhận mới "lờ mờ hiểu bố", người thương binh già vẫn thường xuyên điện thoại ra hỏi thăm động viên bác sỹ quân y đang làm nhiệm vụ ở hải đảo xa xôi.

... Còn vì cả người dân trên đảo

Là bác sĩ chính trên đảo, Đại úy Phạm Đức Anh nhớ nhất là đợt mới chân ướt chân ráo ra đảo đầu năm 2014, phải khám thai cho chị Phan Thị Thương. Chị Thương và chồng ra sinh sống ở đảo được một thời gian và mang bầu đứa con thứ hai. Việc khám thai và đỡ đẻ với Đức Anh không khó nhưng vì không phải là bác sỹ chuyên khoa sản nên cũng ngài ngại. Tình hình sức khỏe của thai nhi được báo cáo về đất liền định kỳ. Đến khi sắp sinh, trong đất liền cử bác sĩ chuyên khoa ra để đỡ đẻ với sự trợ giúp đắc lực của Đức Anh và các y sĩ trên đảo. Chị Thương đã sinh hạ một bé gái vào ngày 2-4-2014 trên đảo Sinh Tồn. Quân và dân xã đảo đã túc trực ngay bên ngoài trạm quân y để cùng chúc mừng bé gái Nguyễn Phan Ngọc Hân chào đời tại xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa.

Tôi gặp chị Thương tay ẵm Hân mới hơn 9 tháng tuổi đang trò chuyện với mấy phụ nữ dưới bóng cây bàng vuông phía trước khu dân cư. Bé Hân da trắng, má phính, u ơ hóng hớt như thể biết mẹ đang kể chuyện về mình. Chị Thương nhớ lại đợt mang thai Hân cả nhà lo lắng hơn lần mang thai đứa đầu vì ra đảo còn ngỡ ngàng. Hạnh phúc nhất là lúc nghe tiếng khóc chào đời của Hân, rồi chị cứ nhìn mãi vào mắt đứa con đang tò mò quan sát xung quanh. Bé Hân là một trong số ít người ở Việt Nam mà trong tờ giấy khai sinh có dòng chữ: "Nơi sinh: xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa".

Từ ngày có dân sinh sống trên đảo, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ cũng vui hơn. Sau những giờ huấn luyện căng thẳng là những đêm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng vui như Tết. Đại úy Đức Anh cũng nhiều việc hơn trước vì ngoài việc khám, chữa bệnh cho bộ đội, còn khám, chữa cho nhân dân, người bên nhà đèn, công nhân thi công âu tàu, sư trụ trì chùa Sinh Tồn và cả cán bộ xã. Cuộc sống trên đảo giờ cũng đủ đầy hơn. Quạt gió chạy suốt ngày đêm nên chẳng lo thiếu điện như trước. Mạng Viettel phủ sóng toàn quần đảo, việc hỏi thăm gia đình không còn chỉ trông chờ vào cánh thư đằng đẵng hay gọi e-com phập phù như xưa.

"Tùng, tùng, tùng, tùng, tùng", tiếng trống trường vang lên báo hiệu hết giờ học buổi chiều. Chỉ chờ có thế, lũ trẻ ào ra chơi đùa rộn cả một góc đảo. Những Nguyễn Trình Anh Luân (Trình léo), Nguyễn Công Minh Huy (Chuột cống), Võ Trung Tín (Bi mách lẻo), Võ Trung Trực (Bọt bèo)... khi nãy còn ngồi ngoan trong lớp học đánh vần thì nay phi xe đạp quanh đảo trêu đùa mọi người. Lũ bé gái thì rụt rè hơn một chút ngồi gần bên bố mẹ ngó ra mấy người khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ Trường Sa! (Bài 3: Sinh Tồn Lớn - một pháo đài vững chắc)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.