Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ nhà báo Tân Minh - Cây bút chiến đấu thời chống Mỹ

THỌ CAO| 24/06/2021 14:47

(HNMO) - Gần 30 năm nghỉ hưu, nhà báo Tân Minh (tên thật là Đỗ Trọng Thành) đã không còn khỏe mạnh như xưa. Tuổi già, bệnh huyết áp đã hành hạ ông, khiến 4 lần ông phải nhập viện vì tai biến, từ đó việc đi lại khó khăn. Chiều 22-6-2021, tôi nghe tin ông đã đi vào cõi tiên ở tuổi 92...

Nhà báo Tân Minh. 

Nhà báo Tân Minh sinh tháng 10-1930, là người có năng khiếu làm báo từ nhỏ. Ngay từ hồi đi học, ông đã thích văn chương, ham đọc nhiều sách báo và rất mê cuốn "Thi nhân Việt Nam". Ông cũng chịu ảnh hưởng về văn, thơ của cụ thân sinh, một nhà nho yêu nước, thông thạo thơ Đường. Năm 16 tuổi, ông có bài viết đầu tiên "Trâu đánh giặc" đăng trên báo “Quyết tiến” của tỉnh Hà Đông. Từ đấy, ông bắt đầu viết báo nghiệp dư, phụ trách tờ Dân Quân của Tỉnh đội dân quân Yên Bái - Quê hương thứ hai của ông. Tiếp đó, ông đảm nhận tờ Tin nội bộ của Tỉnh ủy (in ty pô) và liên tục viết báo, làm thơ ca kháng chiến. Cuối năm 1956, ông chuyển sang làm báo chuyên nghiệp, được Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu về Hà Nội làm phóng viên Báo Cứu Quốc (nay là Báo Đại Đoàn Kết) phụ trách các vấn đề nông thôn, miền núi, công thương. Ba năm sau, ông được phân công theo dõi và chuyên viết về miền Nam chống Mỹ - ngụy, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Từ đó đến khi chuyển sang Báo Thời Mới (1961) rồi Hànộimới (1968), ông vẫn tiếp tục phụ trách các vấn đề này tới sau Đại thắng mùa Xuân 1975. Ngoài viết xã luận, bình luận, ông còn cho ra đời hai tiểu phẩm đả kích, châm biếm với bút danh Vũ Địch, Phan Bách. Đó là chuyên mục "Trò Mỹ - ngụy" (văn xuôi) và "Mấy hàng chông nhọn" (văn vần) đăng đều đặn trên Báo Thời Mới, rồi Hànộimới trong hơn 10 năm. Sau năm 1976, nhà báo Tân Minh được cấp trên điều về Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương, phụ trách mảng các báo địa phương và về hưu ở đó năm 1992.

Có những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của nhà báo Tân Minh. Ấy là khi tờ Thời Mới sáp nhập với tờ Thủ đô, được đổi tên thành Hànộimới, đúng thời điểm nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trong khi Tân Minh lại đang phụ trách vấn đề miền Nam. Công việc bận ngập đầu: Hết họp ở Ban Thống nhất Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Ngoại giao đến Hội Nhà báo Việt Nam,... để nắm tình hình, tìm tài liệu, đưa tin, bình luận. Do chịu khó đọc và tìm tòi, Tân Minh tình cờ "mò" được truyện "Tôi trở thành chiến sĩ giải phóng Sài Gòn như thế nào?" của Trần Hiếu Minh (tên thật của nhà văn Nguyễn Văn Bổng). Truyện hay, được đăng 10 kỳ liền trên Báo Hànộimới hồi đó, miêu tả Sài Gòn nổi dậy qua câu chuyện của một thanh niên Sài Gòn trở thành quân giải phóng. Truyện được độc giả hoan nghênh, vừa kịp thời, vừa độc đáo, thích hợp với tờ báo hằng ngày của Thủ đô Hà Nội kết nghĩa với Huế - Sài Gòn.

Tới 12 ngày đêm Mỹ ném bom B52 Hà Nội, Tân Minh ở cơ quan trọn cả 12 ngày đêm, cùng tòa soạn theo dõi chiến sự, kịp thời viết bài "Đập tan không lực chiến lược Hoa Kỳ" đăng trên Hànộimới đúng ngày 30-12-1972. 

Năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh liên tục có tin thắng trận dồn dập đưa về, nhà báo Tân Minh cùng một số đồng nghiệp kịp thời đưa tin, bài trên tờ Hànộimới, làm nức lòng người Thủ đô. Trước ngày giải phóng Sài Gòn mấy hôm, anh Hoàng Vân, Trưởng ban Thời sự - Chính trị tuần báo Thống Nhất, đến tòa soạn Hànộimới gặp Tân Minh, rỉ tai: "Đã có lệnh giải phóng Sài Gòn. Chuẩn bị đi!". Nghe được tin, ông vội trao đổi luôn với Tổng Biên tập, đồng thời báo cáo ngay là từ đầu năm 1975, ông đã chuẩn bị tư liệu cho bài vở để đón chờ Ngày đại thắng. Ở Báo Hànộimới, ông vinh dự là một trong những phóng viên đầu tiên được cử vào Sài Gòn sau giải phóng.

Trong cuộc đời làm nghề, nhà báo Tân Minh còn cộng tác với nhiều báo, như: Tham gia chuyên mục "Chuyện thời sự", "Mũi tên nhọn" (Báo Nhân Dân), "Đánh mấy vần" (Báo Thống Nhất), "Trên đe dưới búa" (Báo Lao động), "Thơ châm biếm" (Báo Văn Nghệ); "Thơ đả kích" (các báo Quân đội nhân dân, Tiền phong)...

Sau năm 1976, Tân Minh được Ban Tuyên huấn Trung ương điều động lên làm chuyên viên Vụ Báo chí, đặc trách khối báo chí địa phương. Ông đã phát huy kinh nghiệm nghề nghiệp, tham gia nhiều ý kiến đúng đắn với lãnh đạo Vụ và Ban, đóng góp với Trung ương biện pháp chỉ đạo các báo, đài toàn quốc. Từ năm 1992 nghỉ hưu, ông vẫn viết báo, làm thơ. Ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng .

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ nhà báo Tân Minh - Cây bút chiến đấu thời chống Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.