(HNM) -
Đó là những chia sẻ gây xúc động cho người nghe của con gái nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989) tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn diễn ra vào sáng 25-5, tại Hà Nội. Lễ kỷ niệm và hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng tổ chức với sự góp mặt của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Vân Thanh, Lê Phương Liên, Thụy Anh...
Tác phẩm “Đất rừng phương Nam” nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi. |
Nói đến Đoàn Giỏi là bạn đọc nhắc đến "Đất rừng phương Nam" - tác phẩm văn học ra đời cách nay đã hơn nửa thế kỷ, tái bản không biết bao lần, thu hút độc giả nhiều thế hệ, như TS giáo dục học Thụy Anh chia sẻ là "Những trang viết suốt đời đi vẫn nhớ/Như áng mây ngũ sắc ngủ trong đầu".
Nhưng Đoàn Giỏi không chỉ giỏi ở mỗi lĩnh vực văn chương. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mang đến cho buổi tọa đàm cái nhìn khái quát về thân thế và sự nghiệp của cây bút tiêu biểu này. Đoàn Giỏi sinh ngày 17-5-1925 tại Mỹ Tho trong một gia đình khá giả. Đi theo kháng chiến, ông từng công tác trong ngành an ninh, thông tin, văn nghệ, vừa vẽ tranh, viết kịch vừa làm thơ, viết văn. Ông để lại những tác phẩm giá trị như "Người Nam thà chết không hàng" (kịch thơ); "Trần Văn Ơn" (truyện ký); "Cá bống mú" (tập truyện); "Rừng đêm xào xạc" (truyện ký); "Tê giác giữa ngàn xanh" (biên khảo)...
Đoàn Giỏi nhận mình không phải là "con cá lớn" mà là "con cá con" trong bể ngôn từ. Bạn văn bảo ông tuy không phải một "con cá kình" nhưng cũng không phải là "cá con". Ông là một "con cá lạ", bởi những trang văn về Nam Bộ thật đặc sắc mà thiên nhiên, loài vật là nhân vật chính. Nhà văn Ma Văn Kháng từng viết về Đoàn Giỏi: "Ông viết về thổ sản miền Nam hay như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng viết về thổ sản đất Bắc. Không phải là không có lý khi nhà thơ Hoài Anh gọi ông là cái gạch nối văn hóa thông minh giữa hai miền Nam - Bắc".
Tại hội thảo, nhà văn Lê Phương Liên cho biết: "Tôi được đọc Đoàn Giỏi từ bản in đầu tiên năm 1957. Văn của ông hoàn toàn mới lạ với người Hà Nội ngày ấy. Nhờ Đoàn Giỏi mà người đọc được thả hồn vào tận nơi xa xôi mờ mịt đằng sau vĩ tuyến 17... để biết cây đước Cà Mau, những dòng kênh rạch dọc ngang xôn xao tiếng chèo động nước, con Sông Tiền, Sông Hậu mênh mang...".
Đoàn Giỏi đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, tên ông cũng được đặt cho một con đường ở TP Hồ Chí Minh. Song, điều quý giá hơn cả là sức sống của những tác phẩm do Đoàn Giỏi viết ở trong nhà trường, trong lòng bạn đọc, như chia sẻ của một giáo viên từ phương Nam có mặt tại lễ kỷ niệm. Có lẽ cũng vì thế mà dịp này, sau khi giới thiệu ấn bản đặc biệt tác phẩm "Đất rừng phương Nam", NXB Kim Đồng đã thông báo mua bản quyền độc quyền xuất bản 11 tác phẩm hấp dẫn của nhà văn Đoàn Giỏi như "Cuộc truy tầm kho vũ khí", "Cây đước Cà Mau", "Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày", "Những chuyện lạ về cá"...
Còn rất nhiều những câu chuyện đáng nhớ khác của các nhà văn, nhà thơ về nhà văn Đoàn Giỏi, nhưng đọng lại trong người viết là hồi tưởng nghẹn ngào của bà Thái Hà, con gái nhà văn: "Ra Tết, chúng tôi thường hỏi ba bao giờ thì cất quần áo rét. Ba chỉ ra đầu ngõ, bảo: các con cứ nhìn khi nào cây gạo kia hết hoa thì lúc đó trời hết rét. Lúc ba ốm nằm viện còn viết giấy dặn về nhớ cho... thạch sùng ăn cơm. Thì ra, ở khung cửa nơi ba thường đứng, có hai chú thạch sùng, hễ cứ tặc lưỡi là bò ra ăn những hạt cơm ba cho...".
Nhà văn, yêu đời sống đã đành, nhưng yêu một cách hồn hậu như Đoàn Giỏi thì kể cũng đặc biệt. Vì thế, dù đã đi xa hơn 25 năm qua nhưng hồi ức của bạn bè, gia đình, bạn đọc về ông vẫn ăm ắp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.