(HNM) - Trước hết, cần chú ý bên cạnh việc chăm lo phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, phải chăm lo tốt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Học tập và làm theo những chỉ dẫn của Bác Hồ kính yêu, chúng ta có thể rút ra những việc cần làm sau:
Trước hết, cần chú ý bên cạnh việc chăm lo phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, phải chăm lo tốt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong Đời Sống Mới, Người dạy: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”. Quan điểm chỉ đạo cơ bản của Nghị quyết 33-NQ/TƯ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ chín (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Hiện nay, nhiều quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, thị tứ của thành phố đã quan tâm và làm tốt cả hai nội dung này. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là ở địa bàn cơ sở, một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn có những quan niệm, cách hiểu chưa đúng, chưa thật đầy đủ và toàn diện vấn đề này. Không ít xã, phường phát triển về đời sống vật chất, nhưng diện mạo đường phố thì luộm thuộm, hàng quán bày bán tràn lan trên vỉa hè; thiếu các điểm sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí; trong trường học, có nơi giáo viên thiếu gương mẫu, học sinh còn nói tục, đánh nhau; cá biệt có địa bàn còn để phát sinh tệ nạn xã hội...
Người lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long được phát báo miễn phí để cập nhật thông tin.Ảnh: Bá Hoạt |
Mọi cán bộ, công chức, viên chức cần hiểu rằng làm tốt việc chăm lo xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân sẽ trực tiếp và gián tiếp tác động thúc đẩy các hoạt động kinh tế phát triển, từ đó nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Đảng và làm theo lời dạy của Bác Hồ, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt và giải quyết được vấn đề này.
Tuyên truyền mạnh, sáng tạo, kiên quyết trong quản lý
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp thành phố tới các quận, huyện, thị xã, thị trấn, xã, phường làm công tác văn hóa, xã hội phải luôn chú trọng làm tốt việc thông tin, tuyên truyền, giải thích, vận động, giáo dục và tổ chức tập hợp nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xã hội Thủ đô. Các giải pháp, biện pháp đưa ra phải phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện và đáp ứng, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tế đời sống văn hóa, xã hội của thành phố. Muốn tuyên truyền tốt, Bác Hồ dạy: “Nói thì phải nói giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó”.
Bên cạnh triển khai các kế hoạch, chương trình công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng hằng tháng, hằng năm, cần bám sát và triển khai Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; triển khai Chỉ thị số 01/CT-UBND của UBND thành phố ngày 2-1-2014 và Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 5-1-2015, về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” trên địa bàn toàn thành phố cùng những ý kiến chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố về nội dung này. Vừa qua, HĐND thành phố và Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức xuất bản tài liệu khổ nhỏ “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”, là việc làm thiết thực cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng vào thực tế. Thanh lịch, văn minh không thể tách rời kỷ cương hành chính, bởi thế cũng cần thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 3-2-2017 của Chủ tịch UBND thành phố về việc tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” và Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND thành phố nhằm triển khai thực hiện tốt những công việc cụ thể.
Đặc biệt, việc xây dựng đời sống văn hóa, xã hội cần sự kiên trì, bền bỉ, không quản ngại khó khăn, gian khổ của mọi công dân Thủ đô, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Hà Nội. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Việc dễ mấy nhưng không quyết chí bền gan thì cũng không bao giờ làm được. Một hòn núi, ta cố xuyên mãi, lâu ngày xuyên cũng thông. Một cành cây khô, ta không chịu khó bẻ, thì không bao giờ bẻ gãy”, “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là bình thường”. Thực tế cho thấy xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, nhất là ở địa bàn Thủ đô, không phải là việc làm một sớm một chiều là hoàn mỹ, bởi lẽ Thủ đô là nơi tập trung hội tụ mọi cái hay, cái đẹp của mọi miền đất nước, nhưng cũng là nơi dễ phát sinh các vấn đề xã hội.
Cuối cùng, cần làm tốt công tác quản lý văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể là chú ý xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và hệ thống cơ chế, chính sách liên quan. Các hoạt động văn hóa, xã hội vốn rất phong phú, đa dạng, biến đổi theo nhu cầu đời sống xã hội, do đó thường có xu hướng “vượt” khỏi tầm quản lý của các cơ quan chức năng. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý văn hóa, xã hội cần sâu sát thực tiễn, bám sát cơ sở, kịp thời nghiên cứu ban hành các quy định mới phù hợp.
Thực hiện tốt tư tưởng của Đảng và những chỉ dẫn của Bác Hồ kính yêu về thực hành đời sống văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô, chính là chúng ta đã và đang góp phần xây dựng Hà Nội “ngày thêm tươi đẹp phồn thịnh” như mong ước của Người, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo hoạt động văn hóa, xã hội ngày càng cao của nhân dân Thủ đô và cả nước.
NGÔ VĂN QUÝ
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.