(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới luôn là đề tài phong phú, hấp dẫn, có sức truyền cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ tạo hình trong nước và quốc tế. Đến nay, đã có nhiều tác phẩm mỹ thuật giá trị lan tỏa trong đời sống, gợi nhớ và khắc sâu hình ảnh Bác trong tâm khảm mỗi người Việt Nam.
Hình ảnh Bác giản dị, gần gũi mà vĩ đại, lớn lao
Triển lãm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) khá đặc biệt, khi mở đón công chúng trên không gian mạng, thay vì thực địa. Dù ở bất cứ đâu, chỉ cần truy cập vào website và trang Facebook của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công chúng được thưởng lãm 28 tác phẩm chọn lọc - một phần nhỏ trong kho tàng những sáng tác mỹ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ ở nơi đây.
Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, chất liệu, với bút pháp và phong cách khác nhau, nhưng đều thể hiện sự giản dị, gần gũi mà vĩ đại, lớn lao của Hồ Chủ tịch. Ở đây, người xem gặp hình ảnh thời niên thiếu của Bác qua bức bột màu “Cậu Coông học khai tâm” (Văn Giáo), rồi những năm tháng Người ra đi tìm đường cứu nước trong áp phích “Luận cương đến với Bác Hồ” (Nguyễn Minh Thông) hay thời khắc thiêng liêng “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập” (tranh bột màu của Nguyễn Dương)... Hình ảnh Bác sáng suốt dẫn dắt cách mạng Việt Nam, đồng thời luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân hiện lên giản dị, ấm áp trong bức tranh lụa “Bác đi công tác” (Trần Đình Thọ), tranh khắc gỗ “Đêm nay Bác không ngủ” (Nguyễn Nghĩa Duyện)… Đặc biệt, níu mắt người xem là bảo vật quốc gia - bức tranh sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của họa sĩ Dương Bích Liên. Tác phẩm có nhiều tìm tòi tạo hình hiện đại, vừa tinh tế, vừa lãng mạn, khắc họa hình tượng Hồ Chủ tịch tầm thước, giản dị bên con ngựa núi giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng.
Ngoài những tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, công chúng còn được thưởng lãm một số tác phẩm của nhiều tác giả nước ngoài thể hiện sự cảm phục, tôn kính Bác, như bức “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Lee Sang Phill - Hàn Quốc), “Hồ Chí Minh” (David Thomas - Mỹ)…
Ông Nguyễn Văn Tầm (68 tuổi, ở Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy nhiều bức tranh về Bác Hồ đẹp đến thế. Người hiện lên thật giản dị mà cao cả như trong tâm trí của tôi. Xúc động nhất là gặp lại bức “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” từng cổ vũ chúng tôi những năm tháng tham gia kháng chiến”.
Mạch nguồn sáng tạo xuyên suốt
Là người may mắn được nhiều lần gặp Bác Hồ khi còn niên thiếu, ấn tượng sự dung dị, trìu mến, quan tâm của Người theo họa sĩ Thái Hòa suốt cuộc đời. Ông dành nhiều tâm huyết sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 5 năm gần đây, ông đã vẽ hơn 100 bức tranh sơn dầu về Bác và đến nay, ở tuổi 65, họa sĩ vẫn say sưa với chủ đề này. Các tác phẩm của họa sĩ Thái Hòa đều ghi dấu những sự kiện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, thể hiện ở “Đêm Pác Bó”, “Lo việc nước”, “Bác Hồ đọc thư”... Họa sĩ Thái Hòa chia sẻ, những sáng tác gần đây của ông không chỉ dựa vào ký ức, mà họa sĩ đã kỳ công tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, tham khảo sách báo, thơ văn về Bác, rồi đến những địa điểm lịch sử có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác để thể hiện chân thực, sâu sắc hình tượng Người.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, kể từ những tác phẩm mỹ thuật đầu tiên của họa sĩ Tô Ngọc Vân và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác về Bác năm 1946, nhiều thế hệ họa sĩ nước nhà tiếp nối, tạo nên dòng sử liệu giá trị và ý nghĩa về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mỹ thuật. Hầu hết các tên tuổi của nghệ thuật tạo hình Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Diệp Minh Châu, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ... đều có tác phẩm xuất sắc về Bác.
Tuy Bác đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng các tác giả ngày nay vẫn vào cuộc và có nhiều tìm tòi, khám phá để nối tiếp mạch nguồn sáng tạo về Bác. Bởi tầm vóc, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn sống mãi, có sức cảm hóa, lay động, thôi thúc người sáng tác.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, ngoài trưng bày thực địa, bảo tàng sẽ thường xuyên tổ chức triển lãm trực tuyến, để giới thiệu những tác phẩm vừa giá trị, vừa ý nghĩa của các thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, đặc biệt là chủ đề về Đảng, Bác Hồ, các cuộc kháng chiến, chiến công lịch sử của dân tộc… Hoạt động này vừa giúp đưa những tác phẩm mỹ thuật đến với đông đảo công chúng, vừa thúc đẩy hoạt động giáo dục truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.